| Hotline: 0983.970.780

Đất đai - "nút thắt" trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thứ Hai 17/01/2011 , 10:26 (GMT+7)

Phát triển nông nghiệp - nông thôn là một nội dung được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm khi xem xét các văn kiện Đại hội. Để nắm bắt rõ hơn những tâm tư, ý kiến của các đại biểu, PV NNVN đã trao đổi, ghi nhận một số ý kiến xung quanh vẫn đề này. 

Cần tháo những "nút thắt" trong thể chế kinh tế

(Đại biểu Nguyễn Hữu Hoài- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình)

Theo tôi, các văn kiện Đại hội Đảng đã thể hiện một cách toàn diện đường hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020, có một vấn đề tôi rất quan tâm, đó là chiến lược phát triển kinh tế biển. Tôi cho rằng, ngoài các tỉnh trọng điểm thì Chiến lược cũng nên quan tâm hơn tới việc phát triển kinh tế biển các tỉnh miền Trung. Thực tế, các tỉnh miền Trung nước ta, trong đó có Quảng Bình có lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế biển. Lợi thế giáp biển để có thể phát triển cảng biển và có mặt bằng các bãi cát rộng lớn để phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất mà không ảnh hưởng tới diện tích đất lúa. Nếu được đầu tư để phát triển mạnh về kinh tế biển thì tôi tin rằng kinh tế biển sẽ thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển và Quảng Bình sẽ trở thành hạt nhân tác động tới các địa bàn lân cận cùng phát triển.

Trong chiến lược phát triển kinh tế rất cần những thể chế cụ thể trên từng lĩnh vực để làm đòn bẩy phát triển. Tuy nhiên, thể chế chưa cụ thể thì tạo nên rào cản. Đơn cử như vướng mắc nhất hiện nay vẫn là thể chế trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng. Bộ luật Đất đai của chúng ta chưa hoàn thiện, các văn bản dưới luật đôi khi hướng dẫn những cách áp dụng khác nhau với những đối tượng khác nhau. Chẳng hạn, các dự án do doanh nghiệp thực hiện thì phải đền bù theo giá thỏa thuận, trong khi các dự án phúc lợi công cộng thì chỉ phải đền bù theo giá Nhà nước quy định. Tất nhiên là có sự chênh lệch lớn trong giá đền bù giữa các dự án, nên khó thực hiện. Hy vọng rằng trong thời gian tới khi sửa Luật Đất đai thì Nhà nước sẽ gỡ được vấn đề này.

Vấn đề thứ hai là trong nhiều năm qua, Đảng chưa cụ thể hóa bằng pháp luật, thể chế để khai thác tiềm năng của rừng tự nhiên kinh tế, rừng kinh tế. Một thực tế như ở Quảng Bình có diện tích rừng hơn 620 ngàn ha (chiếm gần 75% tổng diện tích). Ngoài diện tích được quy hoạch để phát triển trồng cây cao su, rừng kinh tế thì phần lớn diện tích đang trong “vùng cấm”. Quá trình chuyển đổi rừng tự nhiên kinh tế sang cây khác rất vất vả vì thủ tục rườm rà, qua nhiều khâu, kéo dài thời gian làm hạn chế đến việc phát huy tiềm năng rừng. Vấn đề này không chỉ ở Quảng Bình mà các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cũng gặp khó khăn tương tự. Hiện tại, rừng trồng ở Quảng Bình đang phát huy được hiệu quả. Đời sống của người dân có rừng đang từ ổn định vươn lên giàu có bởi thu nhập về rừng trồng rất cao. Trong khi đó, diện tích rừng tự nhiên kinh tế cần chuyển sang rừng kinh tế vẫn chưa được “khai thông”. Đụng vào đó là rất mệt, thấm chí là kỷ luật, khởi tố...

Hy vọng những thể chế mới, văn bản mới sẽ tạo động lực để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông thôn trong giai đoạn mới.

Tích tụ, tập trung ruộng đất là điều kiện tiên quyết để phát triển SX hàng hóa lớn

(Đại biểu Nguyễn Đình Xứng- Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa)

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích gieo trồng cây hàng năm 450 ngàn ha, trong đó diện tích trồng lúa gần 260 ngàn ha; diện tích mía nguyên liệu hàng năm 30 ngàn ha.... nhưng sản xuất hàng hóa vẫn ở trình độ thấp, thiếu bền vững, giá thành phẩm còn cao, khả năng cạnh tranh còn thấp, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu còn ít. Để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm thì cần phải nhanh chóng chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp sản xuất lớn.

Trên thực tế hiện nay, hộ vẫn là đơn vị sản xuất kinh doanh chủ lực ở nông thôn. Với đặc điểm sản suất nhỏ phân tán, dựa vào lao động thủ công, năng suất lao động và giá trị ngày công thấp, tập quán sản xuất còn lạc hậu, kinh tế hộ dường như đã đến giới hạn phát triển, nhiều hộ không còn động lực sản xuất. Vì vậy để chuyển nền nông nghiệp hiện nay sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa là phải tạo môi trường cho việc hình thành, phát triển các mô hình sản xuất mới. Trong nông nghiệp, nông thôn đó là các doanh nghiệp, trang trại, HTX dần dần dần thay thế, phát huy vai trò của kinh tế hộ. Tuy nhiên các trang trại, doanh nghiệp không thể đầu tư phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển vùng nguyên liệu nếu không có diện tích đất nông nghiệp phù hợp. Quá trình đó đang đặt ra yêu cầu tất yếu phải tích tụ, tập trung ruộng đất. Tích tụ tập trung ruộng đất là “chìa khóa” để phát triển doanh nghiệp, trang trại sản xuất lớn; là điều kiện đẩy nhanh cơ giới hóa, hiện đại hóa; ứng dụng khoa học công nghệ; Tích tụ ruộng đất  là điều kiện để giúp sản xuất nông nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm; chuyên môn hóa, nâng cao trình độ cho lao động nông nghiệp, nâng cao hàm lượng trí tuệ trên đơn vị sản phẩm nông nghiệp...

Thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất có thể thực hiện theo 3 hướng: Hướng thứ nhất là các hộ nông dân cho các chủ trang trại, doanh nghiệp thuê lại đất để phát triển nông nghiệp; tập trung thâm canh, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hàng năm trả lãi tiền thuê đất cho nông dân để đảm bảo cuộc sống. Hướng thứ hai là các hộ nông dân góp giá trị quyền sử dụng đất thành lập doanh nghiệp để đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (mô hình này đã có ở Thanh Hóa, các hộ trồng mía góp đất để đầu tư vùng nguyên liệu mía cùng hưởng phần giá trị tăng thêm cho ứng dụng công nghệ cao, năng suất, hiệu quả trồng mía cao hơn). Hướng thứ ba là các hộ chuyển dụng quyền sử dụng đất cho các trang trại, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Theo tôi, tích tụ ruộng đất thông qua hướng thứ nhất và thứ hai là tốt hơn cả. Vì khi đó nông dân không mất đất, có thu nhập thường xuyên, có thể yên tâm chuyển sang ngành nghề khác và không gặp khó khăn vì vẫn có tiền thu từ thuê đất làm “bảo hiểm”. Hai hướng đó cũng phù hợp với tâm lý nông dân Việt Nam vốn đã gắn bó với ruộng đất bao đời nay.

Tuy nhiên để làm được điều đó Nhà nước phải có quy hoạch đối với từng cây con, phải tạo môi trường cho các trang trại, doanh nghiệp lựa chọn phương án đầu tư và thuê đất. Nhà nước sớm hoàn chỉnh thể chế, các quy định để đảm bảo giải quyết thủ tục cho thuê, chuyển nhượng thuận lợi nhất. Mặt khác Nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ tiền thuê đất cho các trang trại, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích các mô hình tích tụ tập trung đất để phát triển sản xuất nông nghiệp và tạo điều kiện để nhân rộng.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất