Bà cho rằng, hai bản án vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của bà.
Bà Thắm buồn rầu cầm tờ giao kèo đã ký với ông Sao |
Theo bà Thắm, tuy tòa 2 cấp đã tuyên án, nhưng bà không chấp nhận và cho rằng, các bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án và có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Theo bà Thắm, ngày 28/7/1988 bà Lê Hồng Xuân (chị ruột bà Thắm) có đưa cho bà 70 giạ lúa để chuyển nhượng phần đất của ông Nguyễn Văn Sao với 1.296m2 tại khóm 8, thị trấn Thới Bình. Sau khi nhận chuyển nhượng, bà Thắm canh tác một thời gian thì cho ông Nguyễn Thanh Vân 81 tuổi (đã mất) mượn để xây dựng lò gạch.
Đến khi ông Vân trả lại đất cho bà Thắm thì bị ông Nguyễn Văn Lịnh và ông Nguyễn Văn Huê can ngăn. Bởi ông Lịnh xác định lô đất trên là của ông Huê (ông nội ông Lịnh) để thừa kế lại cho ông. Còn ông Sao (em ruột ông Huê) thì không có quyền sử dụng nên không có quyền chuyển nhượng cho bà Thắm.
Từ năm 1988 đến nay, hai bên đã phát sinh tranh chấp, mặc dù vụ việc chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm thì ông Lịnh đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, do ông Lê Thành Công, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thới Bình ký.
Nhận thấy quyền lợi bị xâm phạm, năm 2002 bà Thắm làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Thới Bình. Tại Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 05/QĐĐC.TA ngày 12/6/2003 của TAND huyện, có đoạn: “Chỉ có một đối tượng tài sản QSDĐ nhưng được xử lý không nhất quán, việc tranh chấp phát sinh năm 1988 chưa xử lý xong, UBND huyện quyết định cấp QSDĐ cho anh Lịnh là chưa phù hợp về trình tự theo luật định”.
Tại Thông báo số 05/TB-UBND ngày 3/2/2015 của UBND huyện về việc không thụ lý đơn yêu cầu của ông Vân, do ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện ký (hiện ông này là Chủ tịch UBND huyện) cho hay, lý ông Vân là người đại diện không hợp pháp của bà Thắm, ông khiếu nại không đúng với tên của người đã cấp sổ đỏ cho ông Lịnh, đất đã có sổ đỏ nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện.
Tại bản án số 09/2017/DT-ST ngày 19/12/2017, TAND huyện xác định bà Thắm phải kiện ông Sao, buộc ông Sao thực hiện các nghĩa vụ của người chuyển nhượng đất. Bởi, ông Lịnh không chuyển nhượng phần đất trên cho bà Thắm, nên bà Thấm kiện ông Lịnh giao đất là không phù hợp. Vì thế, TAND huyện bác đơn khởi kiện của bà Thắm.
|
Tờ giấy giao kèo chuyển nhượng đất có xác nhận của chính quyền |
Đến ngày 12/6/2018, tại bản án phúc thẩm số 112/2018/DA-PT của TAND tỉnh Cà Mau đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, một lần nữa, nội dung kháng cáo của bà Thắm bị bác đơn. “Tôi không hiểu vì lý do gì mà khi đưa ra xét xử, những nhân chứng mà tôi cung cấp cho TAND huyện lại không được triệu tập. Như vậy, là thiếu khách quan, xử ép cho gia đình tôi”, bà Thắm thắc mắc.
Được cấp sổ đỏ, nhưng không chứng minh được nguồn gốc đất?
Bà Thắm băn khoăn: “Với các bản án sơ thẩm, phúc thẩm thì TAND hai cấp đã giải quyết không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án. Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi chính đáng của tôi”.
“Tại thửa đất số 200, tờ bản đồ số 42 (lập năm 2012), phần đất thực tế là 1.059,3m2 (tọa lạc tại khóm 8, thị trấn Thới Bình) do Cty Thành Long xác định, thì ông Lịnh xác định ông có quyền thừa kế do ông Huê để lại là không hợp lý. Theo hồ sơ thì ông Lịnh không có chứng cứ chứng minh nguồn gốc đất là do ông Huê để lại. Nghịch lý ở chỗ là tôi bị 2 cấp tòa xử thua”, bà Thắm đặt nghi vấn.
Điều đáng nói, phần đất đang trong quá trình thưa kiện, nhưng ông Lịnh vẫn được UBND huyện cấp sổ đỏ. Theo bà Thắm, căn cứ vào giấy sang nhượng đất từ năm 1988 đã được chính quyền xác nhận và ông Sao có thừa nhận đã huyển nhượng phần đất trên cho bà Thắm. Đồng thời, ông Lê Thành Công là người đã thừa nhận chữ ký trên sổ đỏ là chữ ký của ông nhưng đã bị cán bộ địa chính tẩy xóa.
Bên cạnh đó, phần đất bà Thắm chuyển nhượng của ông Sao được nhiều người và được UBND thị trấn Thới Bình xác nhận chữ ký vào văn bản. Ông Hồ Công Thành 73 tuổi, ngụ khóm 8, thị trấn Thới Bình cho biết: “Tôi cam đoan việc bà Thắm sang nhượng phần đất từ ông Nguyễn Văn Sao là hoàn toàn đúng”.