| Hotline: 0983.970.780

Đặt hàng gạo chợ cuối năm

Thứ Sáu 29/12/2017 , 13:44 (GMT+7)

Vào mùa bán gạo chợ tết sắp tới, thương lái về các tỉnh miền Tây chọn giống đặt hàng. Xu hướng tiêu dùng nội địa đang chuyển dần sang nhu cầu gạo thơm, ngon cơm.

Trong số các giống lúa thơm, thêm giống ST24 mới nổi danh trở thành mặt hàng hot.
 

Sức hút thị trường gạo thơm

Chị Nguyễn Thị Đan, chủ Cty Thắng Lợi ở KCN An Thạnh, huyện Cái Bè (Tiền Giang), chuyên gia công, chế biến gạo nội địa. Chị Đan cùng nhóm thương lái từ Cái Bè, Long An về Sóc Trăng để ăn thử cơm của hơn 10 giống lúa thơm mà các DN tham gia đấu xảo tại hội thi “Gạo ngon lúa thơm” trong chương trình lễ hội Óoc Om Bóc tháng 11/2017. Ăn cơm ngon để chọn ra giống đặt hàng. Kết quả giống lúa ST24 của DN Hồ Quang đạt giải Nhất.

23-07-08_giong_lu_thom_st24_len_ngoi_-_nh_hd
Giống lúa thơm ST24 lên ngôi

Một tuần sau, ngày 8/11 gạo ST24 đã được vinh danh trong Top 3 “Gạo ngon nhất thế giới" tại Hội nghị quốc tế lần 9 về Thương mại Gạo tổ chức tại Ma Cao - Trung Quốc.

Lần thi này gợi nhớ trước đây 2 năm sản phẩm gạo “Hạt Ngọc Trời - Thiên Long”, làm từ giống lúa AGPPS103 của Tập đoàn Lộc Trời thắng giải Top 3 gạo ngon nhất thế giới 2015. Cứ mỗi lần có giống lúa gạo Việt thắng lớn tại giải quốc tế, giống lúa danh tiếng đó lập tức hút hàng, mở ra cơ hội kinh doanh lúa gạo.

Chị Đan nói: "Chợ gạo Bà Đắc là nơi tập hợp nhiều khách hàng mua bán lúa gạo nội địa. Mấy năm gần đây, nhắm vào thị trường gạo chợ, muốn làm gạo thơm ngon đóng túi bán chợ tết, thương lái phải tìm chọn giống lúa ngon, giống mới đang được tiêu thụ mạnh.

Trước đây thương lái thường chọn gạo Hương Lài đóng túi, nhưng phải mua từ giống lúa mùa từ Campuchia, giá tới 15.000 đ/kg. Khoảng 2 - 3 năm qua, gạo Hương Lài không còn là sự lựa chọn duy nhất, vì mỗi năm gạo Việt lại xuất hiện thêm giống lúa mới cho gạo ngon cơm. Trong số đó ST20 đạt chất lượng ổn định, và mới nhất có giống ST24 cơm thơm, mềm dẻo đang hút hang".

Tuy nhiên, ngoài những thương lái như chị Đan đặt hàng gạo bán nội địa nhắm vào yếu tố cơm thơm, dẻo, ngọt thì vẫn có một số bạn hàng chuyên làm gạo chợ theo tâm lý người tiêu dùng. Tùy gu của mỗi gia đình chọn một loại gạo quen, nhưng điểm chung giống nhau là gạo nấu cơm đủ hơi, hạt cơm không bị tơi.

Đối với gạo bán vào bếp ăn tập thể ở trường học, xí nghiệp là loại gạo thông dụng nấu nở cơm, ít hư, không bị sượng, sống. Còn gạo lúa mùa nấu khô cơm hay gạo ngon cơm, thơm, dẻo... kèm theo yêu cầu đảm bảo “gạo sạch” không lạm dụng thuốc trừ sâu, đáp ứng đòi hỏi của người tiêu dùng diện hẹp trong các gia đình khá giả.
 

Đặt hàng theo chuỗi liên kết

Chị Võ Thị Thắm, thương lái ở chợ gạo Bà Đắc, Cái Bè (Tiền Giang) mua bán lúa gạo nội địa, cho rằng: "Hai ba năm trước thị trường “ăn” khá mạnh gạo RVT, trong đó số lượng lớn là xuất tiểu ngạch. Tôi từng đặt hàng nông dân làm giống lúa này. Nay lại có thêm sự lựa chọn mới - giống ST24. Có thể nói đây là giống lúa có nhiều ưu điểm tiến bộ, đáp ứng yêu cầu gạo thơm phẩm chất cao tại thị trường nội địa.

Thương lái bán hàng thăm dò được thị trường ưa chuộng. Qua vài vụ nông dân trồng thử thấy hiệu quả. Do đó nếu nói giống lúa thơm Jasmine đáp ứng nhu cầu gạo thơm thông dụng thì giống lúa ST24 được khách hàng nhận xét có bước tiến lên bậc cao hơn".

Hằng năm vào mùa làm hàng bán chợ tết, từ trước khi vào vụ ĐX thương lái thường về vùng ven biển ở ĐBSCL chọn mua giống lúa, sau đó đặt hàng nông dân trồng. Vụ lúa này, gạo thơm có chất lượng tốt nhất.

23-07-08_tim_go_ngon_com_ti_hoi_thi_go_ngon_lu_thom_o_soc_trng_-_nh_hd
Hội thi gạo ngon, lúa thơm ở Sóc Trăng

Chị Thắm cho biết, vụ ĐX 2017 - 2018 tới, chị mở rộng vùng trồng lúa ST24. Trong đó, 32 tấn lúa giống trồng ở Cà Mau và 31 tấn lúa giống ứng trước cho nông dân trồng ở Long An. Tổng cộng có khoảng 250ha lúa thơm ST24, với mức đầu tư 2 - 3 triệu đồng/ha, cam kết bao tiêu cuối vụ 5.000 đ/kg.

“Muốn làm gạo thơm đạt chất lượng thì cần phải chuẩn bị nhiều thứ. Công việc dồn dập nhất là khi vào vụ lúa chín và sau thu hoạch phải chuẩn bị đủ phương tiện vận chuyển lúa về nhà máy sấy, xay xát, chế biến. Thời gian chỉ gói gọn trong một tuần, vì trễ hơn sẽ giảm phẩm chất gạo. Nếu vốn ít sẽ khó bề xoay trở”, chị Thắm nói.

Có thể xem như cách kinh doanh linh hoạt, thương lái đặt hàng nông dân nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo, đáp ứng nhanh nhu cầu tiêu dùng gạo nội địa. Theo cách này, vừa qua ở Vĩnh Long đã hình thành nhóm thương lái liên kết với DN và nông dân. 

Anh Võ Văn Sơn, Ban vận động câu lạc bộ (CLB) hàng xáo Vĩnh Long, thừa nhận: "Chúng tôi muốn xây dựng CLB trên cơ sở uy tín và không ràng buộc. CLB hiện có khoảng 50 thương lái thân thích làm ăn gắn bó với nhau. Căn cứ thông lệ định kỳ đầu vụ lúa hoặc đầu năm họp một lần. Mỗi thành viên trong CLB đều ghi phiếu liên lạc.

CLB đang kết nối tăng thêm số thành viên từ các tỉnh lân cận, dự kiến lên 100 thương lái. Trong đó có 5 cụm hàng xáo làm chủ điểm ở mỗi địa phương. Các thương lái tại mỗi điểm sẽ đặt hàng nông dân trồng lúa. Theo phương thức này phù hợp với một số DN chưa có điều kiện xây dựng vùng nguyên liệu trên cánh đồng lớn".

Một chủ DN kinh doanh lúa gạo ở Vĩnh Long nhìn nhận: "Việc hình thành CLB hàng xáo nhằm ổn định số lượng cung ứng, đặc biệt là chất lượng gạo đồng nhất, có lợi cho nông dân, thương lái và DN. Điều này giúp DN thuận lợi hơn trong xây dựng thương hiệu gạo, sở hữu sản phẩm có nhãn hiệu đăng ký. Tạo uy tín chất lượng lúa gạo có cam kết theo chuỗi cung ứng từ đồng ruộng đến bàn ăn".

 

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.