| Hotline: 0983.970.780

Đất lúa và chăm sóc lúa chất lượng

Thứ Tư 26/08/2015 , 07:09 (GMT+7)

Đất lúa trên địa bàn Hà Nội chủ yếu phân bố ở đồng bằng với địa hình vàn, gồm 2 loại chính, là đất phù sa không được bồi và đất phù sa glay.

Đất phù sa không được bồi (Pe)

Diện tích 58.911,3 ha chiếm 31,2% diện tích đất nông nghiệp, phân bố hầu hết ở các huyện trong thành phố. Đất được bồi đắp bởi hệ thống các sông Hồng, Đáy, Đuống …

Đất có thành phần cơ giới thịt nhẹ đến trung bình, phản ứng dung dịch đất ít chua (pH 4,8 - 5,75) phân bố ở các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín… và trung tính và kiềm yếu (pH 6.8 - 7,9) phân bố ở các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn...

Đất phù sa glay (Pg)

Diện tích 48.814 ha, chiếm 25,8% diện tích đất nông nghiệp, phân bố tập trung ở các huyện Đan Phượng, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thường Tín, Thanh Oai, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Sóc Sơn và Mê Linh.

Đất được hình thành trên sản phẩm phù sa của hệ thống các sông, trên địa hình vàn, vàn thấp là chủ yếu, thành phần cơ giới đất thịt trung bình đến sét.

Đất luôn ở tình trạng bão hòa nước mạnh và thường xuyên tạo ra trạng thái yếm khí trong đất. Các chất sắt, mangan… bị khử trong môi trường bão hoà nước di chuyển và tích tụ lại ở những tầng đất nhất định tạo tầng glay.

Đất có phản ứng chua (pH 4,7 - 6,3), hàm lượng hữu cơ khá cao (1,2 - 2,36%). Đây là những loại đất có độ phì khá, thuận lợi và hiệu quả cho SX 2 lúa năng suất cao của Hà Nội.

Ngày 24/7/2015, UBND TP Hà Nội phê duyệt QĐ số 3467/QĐ-UBND về việc Quy hoạch phát triển SX lúa theo hướng bền vững đến năm 2020.

Trong các mục tiêu chung của quy hoạch, có quy hoạch phát triển vùng SX lúa chất lượng cao. Dự kiến quy mô gieo trồng vào khoảng 30.900 ha năm 2015 và tăng lên 40.300 ha vào năm 2020, và vùng SX nếp cái hoa vàng dự kiến khoảng 5.050 ha ở tất cả các chân ruộng 2 vụ lúa có chất lượng, chủ động tưới tiêu, tập trung ở 8 huyện trọng điểm SX lúa là Ứng Hòa, Sóc Sơn, Đông Anh, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Căn cứ vào quy hoạch và đặc điểm đất trồng lúa của thành phố, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội khuyến nghị chăm sóc lúa hàng hóa chất lượng cao vụ mùa 2015 như sau:

Kỹ thuật làm đất: Chọn chân đất vàn có diện tích lớn, tập trung, độ phì khá, tranh thủ thời vụ thu hoạch lúa xuân tới đâu cày lồng tới đó, giữ nước mặt ruộng và bón bổ sung mỗi sào từ 10 - 15 kg vôi bột, hoặc bón bổ sung một số chế phẩm sinh học làm nhanh phân hủy gốc rạ để xúc tiến cũng như hỗ trợ quá trình phân hủy rơm rạ.

Đây cũng là giải pháp bổ sung hữu cơ cho đất.

Lựa chọn giống lúa: Sử dụng các giống đã được Sở NN-PTNT lựa chọn đưa vào cơ cấu SX như Bắc thơm số 7, Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, Nàng Xuân, Hương thơm số 1, Nếp cái hoa vàng, Nếp vàng 1...

Thời vụ gieo mạ, cấy lúa: Gieo mạ từ 7/6/2015, kết thúc trước 15/6/2015, cấy khi tuổi mạ được 12 - 16 ngày tuổi, phấn đấu cấy xong trước 30/6/2015 (riêng giống nếp cái hoa vàng phấn đấu cấy xong trước 5/7/2015).

Kỹ thuật cấy: Mật độ cấy từ 25 - 30 khóm/m2, cấy 1 - 2 dảnh/khóm. Cấy mạ non theo băng, luống, chiều rộng không vượt quá 1,6 m. Ở những nơi chủ động tưới tiêu nên áp dụng gieo thẳng theo hàng.

Phân bón và phương pháp bón: Bảo đảm nguyên tắc bón cân đối, bón sớm và bón tập trung.

Cách bón và liều lượng căn cứ vào độ phì của đất và diễn biến thời tiết cụ thể: Phân chuồng hoai mục 200 - 300 kg/sào Bắc bộ, không có phân chuồng có thể thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh.

Super lân hoặc phân lân nung chảy 15 - 20 kg/sào, Kaliclorua 4 - 6 kg/sào, Urea 4 - 6 kg/sào.

Bón lót trước khi bừa cấy 100% phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh; 100% phân lân trước bừa lần cuối, 40% lượng phân đạm.

Bón thúc lần 1 (sau khi cấy 8 -10 ngày): 50% lượng Kaliclorua; 50% lượng phân đạm. Bón thúc lần 2 (sau cấy 32 - 35 ngày): 50% lượng Kaliclorua; 10% lượng phân đạm.

Điều tiết nước ướt khô xen kẽ: Sau cấy đến khi kết thúc bón đợt 2 giữ mực nước trên mặt ruộng 2 - 2,5 cm để lúa đẻ nhánh thuận lợi.

Khi lúa đẻ nhánh rộ tối đa (trên 200 dảnh/m2) thì phần lớn các nhánh vô hiệu phát triển trong giai đoạn này nên cần tháo cạn nước, phơi lộ mặt ruộng đến nẻ chân chim giúp rễ lúa ăn sâu vào đất, chống đổ ngã và hạn chế bệnh kho vằn.

Sau đó tưới tháo xen kẽ đến khi lúa có đòng đưa nước trở lại kết hợp bón phân thúc đòng, giữ mực nước nông đến trước khi thu hoạch 10 ngày thì tháo cạn để thu hoạch được thuận lợi.

Phòng trừ sâu bệnh một số sâu, bệnh hại chính: Các đối tượng sâu bệnh thường gây hại nặng ở vụ mùa là bệnh bạc lá, khô vằn, sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy các loại, chuột, ốc biêu vàng...

Cần tăng cường ứng dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, xác định những diện tích có đối tượng sâu, bệnh; mật độ sâu, tỷ lệ bệnh để phòng trừ khi đến ngưỡng và theo nguyên tắc "4 đúng", hạn chế sử dụng thuốc BVTV khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh còn thấp.

Thu hoạch, bảo quản: Tiến hành thu hoạch khi lúa chín 85 - 90%, tranh thủ thời tiết nắng ráo, khô sương để thu hoạch. Sau khi tuốt lúa lấy hạt cần đem phơi ngay, thực hiện biện pháp phơi dày, phơi đống, luống, phơi trong nắng nhẹ.

Trong trường hợp thu hoạch về chưa phơi được ngay (gặp trời mưa) thì cần phải rải mỏng để thóc không bị ẩm mốc, nảy mầm.

Hạ độ ẩm trong hạt từ từ xuống còn 12,5 - 13%, quạt sạch đưa vào bảo quản trong kho, bao tải, cót bảo đảm khô thoáng, không bị chuột, côn trùng gây hại và hạt gạo sau này giữ được mùi thơm và không bị gãy nát khi chế biến.

Thường phơi trong 2 - 3 nắng tùy thuộc vào điều kiện thời tiết.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.