| Hotline: 0983.970.780

Đất mình ở, tra ngay trên mạng

Thứ Năm 29/03/2012 , 13:55 (GMT+7)

Cả nước hiện đã có 3 huyện xây dựng thành công mô hình cơ sở dữ liệu đất đai và áp dụng phần mềm quản lí ViLis.

Sau 5 năm triển khai dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lí đất đai (VLAP), nước ta đã có 3 huyện xây dựng thành công mô hình cơ sở dữ liệu đất đai và áp dụng phần mềm quản lí ViLis.

Từ đây, mọi biến động về “quyền sử dụng đất” đều được cập nhật liên tục và người dân có thể tra cứu thông tin về thửa đất của mình trên mạng…

Ảnh minh họa

Dự án hợp lòng dân

VLAP là dự án triển khai xây dựng hệ thống đăng ký đất đai, hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo phương thức hiện đại nhằm cải cách thủ tục hành chính trong quản lý, tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận quỹ đất và công khai hóa thông tin về đất đai. Dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản, bắt đầu triển khai thí điểm tại 9 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Tây.

Hoạt động của Dự án gồm 3 hợp phần chính: Hiện đại hóa hệ thống quản lí đăng kí đất đai đưa toàn bộ hệ thống quản lí đất đai vận hành trên cơ sở phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT); Tăng cường cung cấp dịch vụ đăng kí đất đai, hỗ trợ các dịch vụ công về đất đai; Quản lí dự án và theo dõi đánh giá giám sát kết quả thực hiện. Theo đó người dân trong vùng dự án sẽ được hưởng đa lợi ích bởi với mỗi thửa đất mọi thông tin dữ liệu đều được cập nhật một cách công khai, minh bạch.

Hệ thống thông tin cũng sẽ cung cấp thông tin đất đai thật dễ dàng đối với mọi tổ chức, công dân có nhu cầu. Các cơ quan quản lý khác sẽ được tiếp cận với thông tin đất đai để phục vụ nhiệm vụ quản lý chuyên ngành như quản lý bất động sản, quản lý đầu tư, quản lý quy hoạch, quản lý môi trường, v.v. Nhà đầu tư được giới thiệu công khai về địa điểm đầu tư trên hệ thống thông tin đất đai. Người có nhu cầu chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng cũng có thông tin chính xác về đất đai. 

Dự án sẽ cung cấp thông tin về các hoạt động của dự án và quản lý đất đai của địa phương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc hội nghị tại địa phương, hoạt động của các tổ chức xã hội có liên quan, trên các mạng thông tin điện tử đồng thời cơ quan quản lý cũng thu thập ý kiến phản hồi từ người dân, thực hiện điều tra hàng năm đối với các tổ chức, công dân đã thực hiện các dịch vụ công về quản lý đất đai. Nguồn vốn đầu tư của dự án là 100 triệu USD và đã triển khai từ năm 2008, đến nay đã có 3 huyện thuộc tỉnh Vĩnh Long bắt đầu ứng dụng công nghệ ICT trong quản lí đất đai.

Cấp giấy Chứng nhận QSDĐ sau 4 ngày

Theo Bộ TN-MT, sau 5 năm thực hiện dự án tỉnh Vĩnh Long đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính cho 105.618 ha, đạt 99% khối lượng theo thiết kế của dự án. Có 4 huyện (Bình Minh, Bình Tân, Tam Bình, Trà Ôn) đã hoàn thành xong việc đo đạc, lập bản đồ địa chính. Huyện Vũng Liêm dự kiến hoàn thành trong quý 1 năm 2012. Số thửa đất được cấp giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đạt 51%. Xây dựng cơ sở dữ liệu ICT là phần việc phức tạp nhất của dự án hầu hết các tỉnh cùng tham gia dự án đều gặp vướng mắc ở khâu xây dựng cơ sở dữ liệu. Bài học kinh nghiệm lớn nhất của Vĩnh Long trong thực tế triển khai là phải minh bạch thông tin để tranh thủ sự đồng thuận của các hộ gia đình trong vùng dự án.

Người dân được thông tin về các khu vực đo đạc, tên của từng người trong tổ đo đạc và số điện thoại của người phụ trách nhóm đo đạc, đăng ký. Dự án cũng thông báo rõ với người dân địa phương việc không phải tốn chi phí cho việc đo đạc. Chỉ những nơi người dân đã thỏa thuận ranh giới và cắm mốc đầy đủ, đơn vị thi công mới tiến hành đo. Việc đo đạc phải có người địa phương dẫn đạc và các chủ sử dụng đất tham gia chỉ ranh.

Lịch khảo sát đo đạc, lịch đăng ký phải thông báo với các chủ sử dụng đất 15 ngày trước khi triển khai. Hồ sơ, các loại giấy tờ cần nộp khi đăng ký được phổ biến trong các kỳ họp dân trực tiếp, qua thông báo của các trưởng ấp và các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra còn giới thiệu quy trình tiếp nhận giải quyết tranh chấp, khiếu nại của dự án và cung cấp số điện thoại của Ban Quản lý dự án, cán bộ phụ trách theo dõi, giải quyết khiếu nại cho người dân địa phương để họ liên hệ khi có bức xúc về nội dung có liên quan đến dự án, hoặc với các khiếu nại phi hành chính.

Trung bình thời gian thực hiện thủ tục chuyển nhượng chỉ từ 4-5 ngày nếu số lượng hồ sơ giao dịch ít và 8-15 ngày nếu số lượng nhiều (theo quy định hiện hành thời gian giải quyết là 20 ngày). Thủ tục đăng ký thế chấp chỉ thực hiện trong 1 ngày.

Đất đai vốn là vấn đề phức tạp và luôn là nguyên nhân “nhạy cảm” dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện. Rút ngắn thời gian, hạn chế tối đa thủ tục hành chính, cho phép các hoạt động quản lí giao dịch đất đai “chạy” hàng ngày là thành công lớn nhất của Vĩnh Long, điều mà các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước đều mong muốn nhưng chưa thể thực hiện. Trên cơ sở các thửa đất đã được đo đạc, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy, Vĩnh Long ứng dụng phần mềm quản lý đất đai ViLis ở 3 huyện Bình Minh, Bình Tân, Tam Bình. Người dân có thể tra cứu thông tin về thửa đất của mình trên mạng. Người quản lý cũng có thể hình dung một cách toàn diện về tình hình sử dụng đất của xã, huyện, tỉnh.

Cơ sở dữ liệu đất đai đã được thiết lập trên 3 huyện này và được đưa vào khai thác, cập nhật thường xuyên, vận hành liên thông từ tỉnh đến huyện, xã theo mô hình tập trung. Thông qua đó, hiệu quả làm việc của cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đã được cải thiện rõ rệt và thời gian thực hiện các giao dịch đất đai nhanh chóng hơn khi người dân đã được cấp GCN theo dự án VLAP.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.