| Hotline: 0983.970.780

Đất nào cây ấy: Chuẩn bị gì cho vụ lúa Đông xuân?

Thứ Hai 22/10/2007 , 08:30 (GMT+7)

Đông xuân là vụ lúa chính trong năm tại các tỉnh phía Nam với năng suất cao, chất lượng lúa gạo cao. Nhiều mặt thuận lợi lớn trong vụ lúa này là lượng mưa ít, bầu trời ít mây mù, nắng dồi dào nên cây lúa quang hợp tốt; ít gió bão nên lúa ít đỗ ngã; nguồn nước dưới sông rạch đầy đủ, nhất là vào đầu vụ gieo sạ.

]Bên cạnh đó cũng có những khó khăn và thách thức lớn nhất là bệnh siêu vi trùng vàng lùn và lùn xoắn lá (VL-LXL) truyền bởi rầy nâu chích hút ủ bệnh từ vụ lúa thu đông và lúa mùa vào cuối năm 2007 này.

Một số biện pháp cụ thể vào thời điểm đầu vụ cần lưu ý: 

Giống lúa: Hiện nay chưa có giống lúa nào kháng được rầy nâu (RN) và bệnh VL-LXL. Tuy nhiên việc chọn lựa các giống chống chịu tốt đối với RN, VL-LXL sẽ góp phần giúp chúng ta quản lý tốt dịch hại và giảm thiểu thiệt hại. Giống lúa chủ lực trong vụ ĐX 2007-2008 này được khuyến cáo theo từng vùng. Cụ thể như vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu nên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao và lúa đặc sản như: VND 95-20, IR 64, OMCS 2000, OM 2517, Jasmine 85, OM 3536. Ở vùng bán đảo Cà Mau nên sử dụng các giống lúa ngắn ngày chịu phèn mặn như: OM 576, IR 50404, OM 2517, VND 95-20, OM 4498, OMCS 2000, AS 996. Vùng tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên nên sử dụng các giống cao sản chất lượng cao như OM 2517, OMCS 2000, VND 95-20, IR 50404, OM 4498, Jasmine 85, OM 2395. Vùng Đồng Tháp Mười nên sử dụng các giống lúa cực ngắn ngày và ngắn ngày như OMCS 2000, IR 50404, OM 3536, VND 95-20, OM 4498, OM 2517. Vùng ven biển Nam bộ nên sử dụng các giống ngắn ngày, thâm canh trung bình, chịu phèn mặn như OMCS 2000, OM 3536, OM 4498, OM 4495, IR 50404, OM 576. Với các tỉnh miền Đông Nam bộ dùng các giống cao sản chất lượng cao như OMCS 2000, VND 95-20, IR 64, OM 3536, OM 2395, ML 48. Năm giống có tần suất khuyến cáo cao cho các tỉnh phía Nam là: OM 4498, OMCS 2000, VND 95-20, Jasmine 85 và OM 2395.

Ngoài ra trong từng vùng còn cần có một tỷ lệ nhất định các giống bổ sung và giống triển vọng. Giống triển vọng là những giống chưa được công nhận chính thức nhưng được phép sản xuất đại trà và một số giống đã được phép sản xuất thử. Các giống triển vọng cần chú ý tìm nguồn giống để sản xuất trong vụ này là : OM 4900, MTL 392, OM 4668, OM 6035, OM 5625, MTL 530, OM 6073, MTL 499, HD 1, OM 5239, OM 4088, OM 5936. Chất lượng hạt giống cũng rất quan trọng. Cấp giống xác nhận được khuyến cáo sử dụng trong sản xuất đại trà.

Ở các tỉnh phía Nam mới có 9% giống xác nhận được sử dụng, 21% lượng giống tương đương xác nhận do các HTX, câu lạc bộ sản xuất và 70% còn lại là do nông dân tự giữ giống hoặc trao đổi. Tiêu chuẩn của hạt giống cấp xác nhận theo tiêu chuẩn TCVN 1776-2004 là: Độ sạch > 99%, độ thuần > 99,7%, tỷ lệ nảy mầm > 80% , độ ẩm < 13,5% và số hạt cỏ dại / 1 kg hạt giống phải thấp hơn 10 hạt. Do vậy, hiện thời nếu thiếu giống hoặc giống dự trữ không đảm bảo chất lượng, bà con nên liên hệ các Cty, HTX để mua giống xác nhận chất lượng cao.

Một trong những biện pháp để hạn chế tác hại của RN truyền bệnh là xử lý hạt giống bằng thuốc sát trùng. Các lọai thuốc xử lý hạt giống có thể bảo vệ cây lúa non từ khi gieo sạ đến khoảng 7-10 ngày sau sạ là: Cruiser, Gaucho, Regent...

Làm đất, vệ sinh đồng ruộng và diệt ốc bươu vàng:

Sau khi thu họach lúa HT, gốc rạ được trục chôn vùi xuống đất sâu, cắt cầu nối cho RN, không làm giá đẻ trứng cho ốc bươu vàng. Diệt ốc bươu vàng triệt để trước và sau khi sạ bằng các biện pháp cơ học, sinh học và hóa chất. Đối với lúa thu đông sau khi thu họach xong cũng phải trục nhận gốc rạ và cho ngập nước tối thiểu ba tuần trước khi gieo sạ lúa ĐX để không gây ngộ độc hữu cơ. Trục đất thật kỹ, đánh rò rãnh thóat nước, diệt cỏ triệt để trước khi lúa giáp tán. Mặc dù RN là dịch hại quan trọng nhất nhưng bà con nông dân không nên mất cảnh giác đối với bệnh đạo ôn khi nhiệt độ thấp vào cuối tháng 12.

Thời vụ né rầy:

Dựa vào thời điềm xuống giống và thu họach vụ lúa thu đông, đặc điểm sinh lý của RN và dự báo những đợt rầy di trú cao điểm, nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt thời vụ trong từng cánh đồng, từng xã từng huyện theo sự khuyến cáo tại địa phương. Thực tiễn chứng minh trong hai năm qua sự dự báo này là chính xác. Hiện nay bẫy đèn đã được thiết lập đến cấp xã, có huyện đạt 100% số xã có bẫy đèn.

Ba đợt xuống giống né rầy tổng quát cho các tỉnh phía Nam được khuyến cáo là: Đợt đầu tiên từ 28/10 đến 6/11/2007, đợi thứ hai từ 29/11 đến 10/12/2007 và đợt thứ ba từ 25/12/2007 đến 10/1/2008 và đây là đợt cuối cùng. Khoảng thời gian xuống giống an toàn là từ ngày 5-10 hàng tháng. Khoảng thời gian xuống giống không an toàn là từ ngày 15 đến 20 giữa tháng vì khi gieo sạ vào giai đọan này, cây lúa chưa qua 20 ngày tuổi thì nguy cơ bị tràn ngập bởi đợt RN di trú vào đầu tháng sau.

Sau khi gieo sạ 1 tuần nên đưa nước vào ruộng ngập sâu, chỉ chừa lá lúa trên ngọn nổi lên mặt nước sẽ hạn chế tác hại của những đợt RN lẻ tẻ đến ruộng sau khi né rầy đợt cao điểm thành công. Sử dụng hóa chất diệt rầy trong điều kiện ruộng lúa ngập nước cũng dễ dàng, hiệu quả và tiết kiệm hơn. Quan sát ruộng lúa hàng ngày để có biện pháp xử lý kịp thời trong vòng 20 ngày đầu sau khi sạ. 

PGS.TS. Dương Văn Chín (Viện lúa ĐBSCL)

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất