| Hotline: 0983.970.780

Đất người "có công với nước" biến thành đất xã?

Thứ Hai 21/05/2012 , 09:51 (GMT+7)

Đến nay, việc tranh chấp càng trở nên căng thẳng hơn khi UBND huyện Bình Lục cho phép UBND xã Đồng Du chia cái ao làm 19 lô, bán cho dân làm đất ở. Để làm rõ những bất hợp lý này, chúng tôi quyết định trở lại vấn đề, để thêm rộng đường dư luận.

NNVN số 5 (ngày 6/1/2012) đã đăng bài “Tranh chấp đất đai ở Đồng Du, cần giải quyết hợp tình, hợp lý”, phản ánh về việc UBND xã Đồng Du (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) đã tự ý sử dụng cái ao có diện tích 1 mẫu 2 sào 5 thước Bắc bộ (4.440 m2) của hai cụ Phạm Quang Thính - Lưu Thị Kiến ở thôn Ngoại, xã Đồng Du và tháng 12/2001 thì đem cho thầu để lấy tiền. Khi còn sống, cụ Lưu Thị Kiến đã nhiều lần đòi, và năm 2011 cháu nội hai cụ là chị Phạm Ngọc Lưu Ly tiếp tục có đơn yêu cầu UBND xã Đồng Du trả lại ao, nhưng UBND xã Đồng Du và UBND huyện Bình Lục đã viện dẫn nhiều lý do để không giải quyết.

>> Về vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Du

Đến nay, việc tranh chấp càng trở nên căng thẳng hơn khi UBND huyện Bình Lục cho phép UBND xã Đồng Du chia cái ao đó làm 19 lô, bán cho dân làm đất ở với giá từ trên 80 triệu đồng đến trên 90 triệu đồng/lô tùy theo vị trí.

Để làm rõ những bất hợp lý trong việc tự ý sử dụng và bán diện tích ao trên, chúng tôi quyết định trở lại vấn đề, để thêm rộng đường dư luận.

Đất của người "có công với nước” biến thành đất… của xã?

Ngày 6/3/1972, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam) Phạm Văn Đồng ký quyết định số 79/CP, tặng bằng “Có công với nước” số 93 cho cụ Phạm Quang Thính ở thôn Ngoại, xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Hà (cũ) vì “Đã hăng hái đấu tranh chống đế quốc, tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng”.

Trước cách mạng tháng 8/1945, cụ Thính là cơ sở tin cậy của chi bộ Cộng sản nhà tù Sơn La, từng bảo vệ, nuôi dưỡng, chuyển thông tin và tài liệu cho các chiến sỹ cộng sản đang bị thực dân Pháp cầm tù tại nhà tù Sơn La. Một số đồng chí sau này đã trở thành những nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Cách mạng tháng 8/1945 thành công rồi tiếp theo là cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm, cụ Thính đã hăng hái tham gia kháng chiến và đóng góp nhiều tiền bạc, của cải cho Chính phủ kháng chiến do Bác Hồ lãnh đạo. Trước đó, cụ Thính có mua của gia đình cụ Đặng Đình Bàn ở thôn Nội cùng xã thửa ao với giá 2.000 đồng (tiền Đông Dương thuộc Pháp). Giấy tờ mua bán được lập đầy đủ, hợp lệ theo quy định của chính quyền cũ vào năm Bảo Đại thứ 5 (1936).


Bằng “có công với nước” của cụ Phạm Quang Thính

Năm 1955, diện tích ao trên và đất canh tác của cụ Thính được Chủ tịch ủy ban Hành chính tỉnh Hà Nam cấp “Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất” mang số 134, địa bạ số 136. Giấy ghi rõ gia đình cụ Thính có 3 nhân khẩu (cụ Phạm Quang Thính, cụ bà Lưu Thị Kiến và ông Phạm Quang Lân, con trai của hai cụ, sau này là đạo diễn điện ảnh Hoài Linh), được sở hữu hai loại đất, một là ruộng và đất màu 1 thửa, có diện tích 1 mẫu 3 sào Bắc bộ (4.680 m2), hai là “đất đặc biệt” 2 thửa, tổng diện tích 1 mẫu 4 sào 9 thước Bắc bộ (5.256 m2) trong đó 1 thửa ở xứ đồng Móc có diện tích 1 mẫu 2 sào 5 thước Bắc bộ (4.440 m2) dùng để thả cá, tức là cái ao, 1 thửa ở trong xóm có diện tích 2 sào 4 thước Bắc bộ (816 m2) là đất ở.

Năm 1959, gia đình cụ Thính đã góp thửa đất ruộng và màu có diện tích 1 mẫu 3 sào vào HTX nông nghiệp, còn hai thửa “đất đặc biệt” có diện tích tổng cộng 1 mẫu 4 sào 9 thước thì vẫn thuộc quyền sở hữu của cụ. Năm 1969, HTX chuyển đổi từ cấp thấp lên cấp cao, gia đình cụ Thính vẫn giữ lại 2 thửa “đất đặc biệt” đó. Năm 1973, cụ Thính mất, cụ bà Lưu Thị Kiến tiếp tục sở hữu hai thửa “đất đặc biệt” trên. Năm 1976, người con trai là đạo diễn Hoài Linh đã đón cụ ra Hà Nội ở để tiện bề phụng dưỡng. Theo trình bày của chị Phạm Ngọc Lưu Ly, con gái của cố đạo diễn điện ảnh Hoài Linh (ông Hoài Linh mất năm 1999), tức cháu nội của cụ Lưu Thị Kiến, thì trước khi đi, cụ Lưu Thị Kiến đã gửi hai thửa “đất đặc biệt” và tài sản trên đất gồm nhà cửa, cá dưới ao, cây trong vườn cho ông Thung, ông Bình, ông Tiến là con cháu trong họ trông nom, quản lý giùm.

Hàng năm, các ông, bà trên vẫn thu hoạch cá và hoa quả, bán lấy tiền gửi lên Hà Nội cho cụ. Nhưng chỉ được vài năm, thì nhân cụ Lưu Thị Kiến vắng nhà, UBND xã Đồng Du đã lấy danh nghĩa tập thể, từng bước chiếm ao của cụ. Lúc đầu UBND xã mượn diện tích ao để HTXNN gieo mạ, sau đó thì cho ông Nguyễn Thế Vàng, là người thôn Ngoại thầu để thả cá, trả tiền cho UBND xã. Biết được việc này, cụ Lưu Thị Kiến đã về quê, lên UBND xã đòi lại ao. Và ròng rã nhiều năm trời, năm nào cụ cũng vài lần về quê đòi ao. Một số người là con cháu cụ đã chứng kiến chuyện đòi ao đó và sẵn sàng làm chứng. Nhưng lần nào cụ lên xã đòi ao, cũng chỉ nhận được lời hứa của lãnh đạo xã là xã chỉ giữ hộ, và chắc chắn sẽ trả lại khi cụ về quê ở. Năm 2004, cụ Lưu Thị Kiến qua đời.

Về phần ông Nguyễn Thế Vàng, sau khi hết hạn thầu theo hợp đồng với UBND xã, ông vẫn tiếp tục thả cá trong ao của cụ Lưu Thị Kiến và hàng năm vẫn nộp tiền cho xã. Năm 2011, thực hiện di nguyện của bà nội, chị Phạm Ngọc Lưu Ly đã có đơn yêu cầu UBND xã Đồng Du trả lại thửa ao trên.


Toàn cảnh cái ao của gia đình cụ Phạm Quang Thính

Ngày 19/10/2011, UBND xã Đồng Du có thông báo số 03 “V/v đơn của bà Phạm Ngọc Lưu Ly”, thông báo “không xem xét giải quyết đơn khiếu nại của bà Ly đòi lại diện tích ao của cụ Phạm Quang Thính (ông nội bà)”. Ngày 7/11/2011, chị Lưu Ly có đơn gửi UBND huyện Bình Lục, khiếu nại thông báo số 03 nói trên của UBND xã Đồng Du. Ngày 13/12/2011, UBND huyện Bình Lục có thông báo số 63 “V/v trả lời đơn khiếu nại của bà Phạm Ngọc Lưu Ly” do chủ tịch UBND huyện Trần Văn Sơn ký. Thông báo số 63 của UBND huyện Bình Lục đã “sao y bản chính” bản thông báo số 03 của UBND xã Đồng Du “không xem xét giải quyết đơn khiếu nại đòi lại đất của bà (Phạm Ngọc Lưu Ly)”.

Đồng thời, được sự cho phép của UBND huyện Bình Lục, UBND xã Đồng Du đã chia thửa ao của hai cụ Phạm Quang Thính - Lưu Thị Kiến thành 19 lô (mỗi lô có chiều dài 30 mét, chiều rộng 5 mét) để bán cho dân làm đất ở với giá từ trên 80 triệu đồng đến trên 90 triệu đồng/lô tùy theo vị trí, và UBND huyện Bình Lục đang dự định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho những người đã mua những lô đất đó, bất chấp quy định của pháp luật là đất đang có tranh chấp (giữa chị Phạm Ngọc Lưu Ly và UBND xã Đồng Du) thì không được chuyển nhượng, tặng, cho, không được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. (Còn nữa)

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.