| Hotline: 0983.970.780

Đắt như nhân công... hái cà phê

Thứ Tư 17/11/2010 , 10:48 (GMT+7)

Năm nay, nhân công không thiếu, tuy nhiên không phải vì vậy mà các chủ vườn được thảnh thơi trong vụ thu hoạch này.

Tây Nguyên đã chính thức bước vào vụ thu hoạch cà phê. Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm này, các chủ vườn cà phê lại nháo nhào tìm thuê nhân công thu hái. Năm nay, nhân công không thiếu, tuy nhiên không phải vì vậy mà các chủ vườn được thảnh thơi trong vụ thu hoạch này.

“PHẢI HÁI SỚM THÔI”

Đó là lời của một chủ vườn cà phê rộng 6 ha ở xã Ea Nam (huyện Ea H’leo, Đăk Lăk) - ông Đỗ Ban. Theo ông Ban, phải thu hoạch cà phê trong lúc hạt chưa thật chín vì nếu không hái sớm, tiền của và công sức một năm ròng rã xem như… biếu không cho kẻ trộm. Không những mất năm nay mà còn mất cả nhiều năm sau bởi kẻ trộm không đủ thời gian và kiên nhẫn để “thu hoạch” cà phê đúng cách, chúng thường tuốt hạt từ thân ra ngọn cho vào bao, thậm chí chặt cành mang đi chỗ khác hái quả. Vậy là, tan nát vườn cà phê mà phải cật lực đầu tư thì mấy năm sau mới gượng dậy nổi.

 “Thôi thì… xanh nhà hơn già đồng - ông Ban chặc lưỡi - của mình thì mình phải giữ thôi!”. Hình như năm nào, cứ đến vụ thu hoạch cà phê là lại được nghe câu tương tự như ông Ban vừa nói ở các vườn cà phê Tây Nguyên.

Cả nước hiện có trên 500 ngàn ha cà phê thì riêng các tỉnh Tây Nguyên, đã chiếm khoảng 470 ngàn ha (chiếm hơn 90% diện tích cà phê cả nước). Nhiều “vựa” cà phê được nhắc đến ở Tây Nguyên như Krông Pách, Cư M’Ga, Krông Púch (Đăk Lăk), Đăk Hà (Kon Tum), Ia Grai, Đăk Đoa (Gia Lai), Đăk Song (Đăk Nông)…

Theo đánh giá của các chuyên gia thì giá cà phê niên vụ 2010-2011 sẽ không có những biến động lớn, giá nằm ở mức có thể chấp nhận được (dao động từ 24 ngàn- 29 ngàn đồng/kg). Tuy nhiên sản lượng năm nay sẽ bị giảm vì trải qua mấy trận hạn hán, hạt cà phê đã bị teo nhỏ lại. Thêm vào đó là diện tích cây già cỗi (cây trên 25 tuổi) chiếm đến gần 1/3 diện tích cà phê hiện có, làm ảnh huởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng thu hoạch.

Giá chấp nhận được mà không thể đòi hỏi cao hơn, trong khi sản lượng sẽ giảm mà hạt cà phê để trên cây thì lại không yên tâm, vậy nên, Tây Nguyên đang rầm rộ bước vào mùa thu hoạch cà phê. Theo đó, nhân công thu hái cà phê cũng đang nườm nượp đổ về đây.

ĐẮT NHƯ… NHÂN CÔNG

Vào những ngày này, những chủ vườn cà phê ở Tây Nguyên đang phải đôn đáo tìm thuê người thu hoạch cà phê. Tại thị trấn Đăk Đoa (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) - nơi tập kết lao động từ các tỉnh miền xuôi lên đây tìm việc, mới sáng sớm đã có hàng mấy chục người là chủ vườn cà phê, lái đủ các loại xe, từ xe máy, xe công nông đến xe hơi, đến đây để chờ, thuê và chở lao động thuê được về vườn cà phê của mình. Mỗi khi có chiếc xe khách từ miền xuôi lên dừng lại, họ lại nhào đến hỏi thăm, níu kéo, giành giật từng người, chỉ mong “ký” được… “hợp đồng miệng”.

Trong lúc chờ đón nhân công, anh Nguyễn Quang (xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa) cho biết: “Đã một tuần nay, ngày nào tôi cũng ra đây tìm người làm nhưng vẫn chưa có. Nhà có 3 ha cà phê nhưng chỉ có một mình, phải cần thêm 5 người nữa mới thu hái kịp. May mà tôi đã “đặt cọc” trước được 3 người ở quê, giờ chỉ cần thêm 2 người nữa thôi”. Còn ông Hồ Nhơn ở thị xã Krông Púch (Đăk Lăk) cũng đang nóng ruột không kém: Các con ông đều học ở xa, chỉ còn hai vợ chồng phải vật lộn với vườn cà phê 6 ha nên năm nào, ông cũng phải chạy đôn chạy đáo tìm thuê nhân công. Ông nói: “Tôi phải tìm thuê mười đến mười hai người, may ra mới thu hoạch kịp mà không bị mất cắp”.

Tuy nhiên, những người như ông Quang, ông Nhơn cũng không phải chờ lâu bởi những chuyến xe khách từ miền xuôi, theo quốc lộ 19, 25, 26 lên Tây Nguyên, đã nườm nượp chở theo từng đoàn người đi tìm việc, mà chủ yếu là đi hái thuê cà phê. Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp cũng như nhiều chủ vườn cà phê ở Tây Nguyên thì năm nay, lượng nhân công thu hái cà phê từ các tỉnh miền xuôi lên sẽ đông bởi miền Trung vừa trải qua mấy trận lũ lớn, ruộng vườn nhà cửa hư hại, đời sống khó khăn nên họ phải lên đây tìm việc làm thuê.

Tuy năm nay tìm người hái cà phê không khó, nhưng các chủ vườn vẫn đau đầu vì giá nhân công - không vì dễ tìm mà thấp hơn năm ngoái, thậm chí năm nay, tiền thuê nhân công lao động còn cao hơn mọi năm. Ông Hồ Anh Thái ở “vựa” cà phê Ia Sao (huyện Chư Păh, Gia Lai) cho biết: Năm nay, giá một công (một người cho một ngày) thu hái cà phê cao hơn năm ngoái từ vài chục ngàn đồng trở lên. Nhà ông thuê 8 người để thu hoạch 4 ha cà phê, bình quân mỗi người ông phải trả 95 ngàn đồng một ngày, chưa kể cơm ăn, nước uống ngày ba bữa.

Một chiếc xe khách mang biển số 38 (Hà Tĩnh) dừng lại, có khoảng hai mươi người bước xuống, tất cả đều đi hái thuê cà phê. Anh Ngô Hoà Nghĩa - người đi trong đoàn này, nói: “Tôi vào hái cà phê thuê cho chú em họ ở huyện Mang Yang (Gia Lai). Từ ngoài đó vào đây, tôi gặp nhiều người đi làm thuê như mình lắm”. Hỏi ông được trả công bao nhiêu mỗi ngày, ông nói: “Tuy là người nhà, nhưng cũng phải cơm ăn thêm chín chục (90.000 đồng) mỗi ngày. Sau bão lũ, giá cả đắt đỏ lắm, thứ gì cũng lên vùn vụt”.

“CÒ” ÉP GIÁ LAO ĐỘNG

Một lượng lớn lao động từ các nơi đổ về Tây Nguyên để thu hái cà phê, một mặt đã giải quyết được công ăn việc làm cho chính họ, mặt khác còn giúp các chủ vườn ở Tây Nguyên sớm thu hoạch xong cà phê. Tuy nhiên cũng từ đây, không ít phức tạp đã xảy ra như tổ chức ăn nhậu, đánh bạc khi rảnh rỗi công việc (buổi tối hay những ngày trời mưa), rồi thì ăn cắp cà phê của chủ vườn… Ngay từ những ngày đầu vụ, chính quyền địa phương từ xã đến huyện ở các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai nhiều biện pháp, nhằm quản lý tốt lực lượng này. Có đỡ hơn những năm trước, nhưng vẫn không kém phần phức tạp.
Với người làm thuê tại chỗ (là đồng bào địa phương) thì làm ngày nào lấy tiền ngày ấy. Nhưng với những người ở xa đến thì họ làm thuê theo tháng. Ngoài việc chính là hái cà phê, họ còn phụ giúp khuân vác, phơi cà phê. Thanh niên thì ở hẳn ngoài vườn cà phê để trông trộm vào ban đêm. Tuy công việc có nặng nhọc, nhưng bù lại họ được chủ vườn trả thù lao xứng đáng. Anh Tuấn (quê xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định), nói: “Mùa này ở quê cũng không có nhiều việc để làm nên tranh thủ lên đây làm thuê, kiếm thêm tiền nuôi ba đứa nhỏ tuổi ăn tuổi lớn”.

Trước nhu cầu lớn về nhân công thu hái cà phê, nhiều đối tượng đã lợi dụng sức lao động của người làm thuê để trục lợi bằng cách môi giới. Ngay từ trước khi bước vào vụ thu hoạch, họ đã đi khắp nơi, tìm lao động cho những vườn cà phê có diện tích lớn. Các tỉnh Bắc Trung bộ là nơi họ thường tìm đến bởi ở đây nhiều lao động mà giá lại thấp. Có hai loại “cò”: “Cò” bé thì cứ tìm được một người, họ nhận tiền hoa hồng từ cả hai phía (người làm thuê và chủ vườn). Còn “cò” lớn thì đứng ra “tổ chức lao động”, có nghĩa là tìm thuê nhân công với số lượng lớn (tất nhiên vẫn lấy tiền môi giới từ cả hai phía), quản lý số lao động này (khoản này được nhận lương từ chủ vườn).

Ngoài ra, lương tháng của người làm thuê cũng phải từ chủ vườn, qua tay họ rồi mới đến người làm thuê. Biết là bị ăn chặn, nhưng nhiều người vẫn phải chấp nhận bởi, như chị Hà Thị Thuật, dân tộc Thái ở huyện Bá Thước, Thanh Hoá (hái cà phê thuê cho một chủ vườn ở huyện Ia Grai, Gia Lai), cho biết: “Người ở xã em đi đông lắm, nhưng làm ở đây thì có 9 người. Em được một người ở trên này đến gọi và nói chuyện với bố mẹ em. Em cũng không biết tiền lương mình được bao nhiêu vì mới làm chưa được mười ngày”.

Xem thêm
Giá ca cao thế giới lập kỷ lục mới, tăng hơn 3 lần năm trước

Giá ca cao đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày 26/3, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế ở Tây Phi, nơi chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Truoo Pet Care gây ấn tượng mạnh tại triển lãm Petfair Vietnam 2024

Đến với triển lãm lần này, Truoo Pet Care mang đến 4 dòng sản phẩm chính cho thú cưng và hàng loạt các trải nghiệm, phần quà miễn phí tại gian hàng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất