| Hotline: 0983.970.780

Ô nhiễm đất & nước - Giải pháp nào?

Đất nông nghiệp bị 'bức tử'

Thứ Ba 20/12/2016 , 08:25 (GMT+7)

Do lỏng lẻo trong quản lí xả thải, nhiều vùng đất nông nghiệp ven đô thị, khu công nghiệp (KCN) đang có nguy cơ trở thành “đất chết”.

TS Mai Văn Trịnh (ảnh), Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cảnh báo: Do lỏng lẻo trong quản lí xả thải, nhiều vùng đất nông nghiệp ven đô thị, khu công nghiệp (KCN) đang có nguy cơ trở thành “đất chết”.

11-45-49_dsc_0455
 

Trao đổi với NNVN, TS Trịnh cho biết: Đất nông nghiệp ở Việt Nam ban đầu đa số là đất tốt, phù hợp cho nhiều nhóm cây trồng khác nhau. Đặc biệt ở phía Bắc thì khu vực đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đất nông nghiệp trước đây độ phù sa, hàm lượng dinh dưỡng rất cân đối và gần như không có các yếu tố hạn chế trong canh tác nông nghiệp.

Tuy nhiên, do tác động của nhiều nguyên nhân mà đất nông nghiệp kể cả ở vùng ĐBSH lẫn vùng trung du miền núi hiện nay đều đang trong tình trạng bị suy thoái. Ở miền núi, tình trạng đất đồi dốc do canh tác thâm canh cao, không kết hợp các biện pháp chống rửa trôi xói mòn nên qua năm tháng đang suy kiệt rất nghiêm trọng, nhất là yếu tố về cac-bon trong đất.

Kết hợp với việc tích tụ các loại kim loại nặng như sắt, nhôm từ nước ngầm tầng sâu lên tầng mặt, khiến độ phì của đất, nhất là hữu cơ và các chất dinh dưỡng bị rửa trôi, độc tố sắt, nhôm cao dần lên, giảm sức SX của đất. Rửa trôi đất miền núi cũng đang khiến các lưu vực sông hạ nguồn bị phú dưỡng, nhiều vùng đất ở ĐBSH không còn nguyên trạng tính phù sa như trước đây.

Đặc biệt nguy hiểm tại khu vực ĐBSH, đó là một diện tích rất lớn đất nông nghiệp ven đô thị, ven các KCN đang bị “bức tử” rất nghiêm trọng do ô nhiễm từ xả thải. Nguy cơ nhất là tích lũy các-bon, tích lũy các độc tố, nhất là kim loại nặng rất cao.

Đây là những khu vực mà đất nông nghiệp đang bị tổn thương nghiêm trọng và việc phục hồi lại chất lượng đất như ban đầu sẽ vô cùng khó khăn. Việc SX trồng trọt trên các diện tích này cũng sẽ bị ảnh hưởng rất xấu.

Ông có thể chỉ ra một số khu vực mà tình trạng ô nhiễm đất do xả thải đáng báo động nhất?

Nhìn chung, hầu hết các khu vực đất nông nghiệp ven các làng nghề, nhà máy, KCN, khu đô thị mọc tới đâu thì đất nông nghiệp xung quanh gần như bị ảnh hưởng nặng nề tới đó. Điển hình như đất ven các làng nghề mạ kim loại ở Bắc Ninh, các khu vực huyện ngoại thành Hà Nội như Thanh Trì, Thường Tín, Quốc Oai...

Một khu vực rộng lớn đất nông nghiệp dọc hai bên hệ thống sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy chảy qua địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội, kéo dài xuống tới Hà Nam cũng bị ô nhiễm.

Đặc biệt, sông Nhuệ hiện nay có mức độ ô nhiễm cực kỳ cao do chảy qua khu vực có mật độ dày đặc các NM, làng nghề, đa số là xả thẳng xuống sông không qua xử lí, nguy hiểm nhất là từ các NM dệt, nhuộm, luyện kim, NM sơn, pin, làng nghề, các lò giết mổ…

Các nghiên cứu cho thấy không sinh vật nào có thể sống được ở hệ thống sông này. Đặc biệt nguy hiểm, đây lại là các hệ thống sông đang đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho một vùng nông nghiệp rất rộng lớn thuộc nhiều tỉnh.

Viện Môi trường Nông nghiệp cũng đã từng có chương trình nghiên cứu về tác động của việc sử dụng nguồn nước hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy đối với SX nông nghiệp, cho thấy tình trạng tích lũy các chất làm ô nhiễm thoái hóa đất đang ngày càng tăng rất mạnh và có những tác động rất xấu tới chất lượng nông sản.

11-45-49_nh-1
Sông Nhuệ (Hà Nội) - một trong những con sông gây ô nhiễm nặng cho đất nông nghiệp
 

Cụ thể, việc sử dụng nước từ các hệ thống sông bị ô nhiễm này gây những nguy cơ nào cho sản phẩm nông nghiệp thưa ông?

Việc sử dụng nước sông bị ô nhiễm nặng để phục vụ canh tác nông nghiệp trong ngắn hạn thì chưa thể hiện rõ, thậm chí nhờ ô nhiễm hữu cơ (nhất là chất thải hữu cơ từ các lò mổ, làng nghề chế biến thực phẩm như dong riềng, bột sắn…) giàu các-bon, giàu đạm nên cây trồng có thể tốt nhanh hơn khi sử dụng các loại nước này để tưới.

Tại các vùng canh tác cuối nguồn thải của một số KCN tại Nam Định, điều tra của chúng tôi cách đây 4-5 năm về trước cho thấy có tình trạng cây trồng còn tốt lên đột biến khi sử dụng nước sông ô nhiễm do nước giàu cac-bon và đạm.

Tuy nhiên, các yếu tố ô nhiễm hữu cơ không nguy hiểm bằng các yếu tố vô cơ, nhất là kim loại nặng theo năm tháng sẽ dần tích lũy trong đất, kéo theo lượng tồn dư kim loại nặng trong sản phẩm cây trồng theo đó cũng sẽ tăng lên.

Nếu mức độ ô nhiễm cao, thậm chí có thể gây ngộ độc nếu ăn phải sản phẩm SX trên đất ô nhiễm nặng, chưa nói tới bệnh tật về lâu dài như nguy cơ ung thư, da bủng xanh do ô nhiễm Nitrat…

Đối với ô nhiễm hữu cơ (như chất thải lò mổ, chất thải làng nghề chế biến thực phẩm…), việc sử dụng nước ô nhiễm sẽ giúp cây trồng tốt hơn, nhưng bên cạnh đó nguy cơ ô nhiễm nhất là trên rau, củ… về một số vi khuẩn độc hại như E.coli, Coliform… là rất nguy hiểm.

Một số vùng do sử dụng nước ô nhiễm hữu cơ nặng, trong thời gian dài khiến đất bị hiện tượng phú dưỡng, không thể SX như cũ được nữa.

Có giải pháp nào thay thế trong SX nông nghiệp, hoặc có thể khôi phục đất nhằm hạn chế sự suy thoái đất do phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm không, thưa ông?

Khi đất đã bị ô nhiễm hóa chất, kim loại nặng thì gần như rất khó phục hồi. Vì vậy, cách tốt nhất vẫn phải là quản lí chặt chẽ việc xả thải.

11-45-49_nh-2
Đô thị mọc tới đâu, đất nông nghiệp vùng ven bị phá hủy tới đó
 

Ô nhiễm đất chỉ có nguyên nhân một phần rất nhỏ từ yếu tố canh tác như thuốc BVTV, phân bón, nhưng cái nguy hại nhất là xả thải từ công nghiệp, đô thị, sinh hoạt…

Ô nhiễm từ canh tác có khi hàng trăm năm cũng không có mức độ phá hủy đất nông nghiệp bằng một ngày hứng chịu vì xả thải của công nghiệp. Cái này thuộc quản lí của ngành tài nguyên – môi trường (TN-MT), phải giám sát, xử lí nghiêm và chặt chẽ.

Đối với một số hệ thống sông có vai trò quan trọng cung cấp nước cho nông nghiệp, ngành TN-MT phải có được chương trình giám sát xả thải thật nghiêm. Hiện nay, về tổng thể quy định, các hệ thống sông chảy qua nội thành đô thị, trước khi xả ra hệ thống sông chính thì đều phải trải qua vực xử lí.

Nhưng việc giám sát các quy trình vận hành, chất lượng xử lí nước thải thế nào lại là một chuyện. Ở các nước, hoặc là họ phải quản chặt xả thải ngay từ đầu, nghĩa là phải được cấp phép, giám sát đạt yêu cầu thì mới được xả, hoặc là phải có các trạm xử lí nước theo từng đoạn sông nhằm đảm bảo khi đổ ra sông chính phải đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường. Tuy nhiên tại Việt Nam thì lại chưa làm được điều này.

Nói vĩ mô hơn thì không chỉ để bảo vệ cho đất nông nghiệp, mà tất cả hoạt động sinh hoạt, SX của một xã hội sẽ phải tuân theo một thể chế pháp luật về môi trường, và tất cả phải phục tùng thể chế ấy.

Trước mắt đối với ngành nông nghiệp, cần phải sớm có chương trình đánh giá tổng thể về sự tổn thương của chất lượng sản phẩm nông sản do tác động của ô nhiễm đất.

Thứ hai là phải có quy hoạch vùng SX. Chẳng hạn để hướng tới sản phẩm XK thì vùng SX theo quy hoạch phải ở khu vực nào mới đảm bảo được về mặt chất lượng đất, đồng thời có các giải pháp bảo vệ dài hạn, tránh tổn thương, ô nhiễm đất, đi đôi với giải pháp về canh tác bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Bình luận mới nhất