Nhà 3 tầng trên vỉa hè, nằm sát mương thủy lợi?
Trường hợp khiến cư dân bức xúc là nhà của ông Vũ Quang Huy. Từ năm 2019 đến nay, cư dân ngõ 571 Nguyễn Văn Linh đã 41 lần gửi đơn kiến nghị đến phường, quận, thành phố Hải Phòng.
Ngôi nhà 3 tầng đã xong phần thô nằm ngay trên vỉa hè, ba mặt không có nhà hàng xóm bên cạnh, mặt còn lại giáp mương An Kim Hải – đang trong quá trình cống hóa để làm đường rộng 50m, đối diện Trung tâm thương mại AEON Mall.
Mới đây, chủ sở hữu ngôi nhà này còn mở thêm 2 cửa cuốn bên cạnh nhà hướng về phía trung tâm thương mại AEON Mall. Tuy nhiên, hành động này đã được các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn. Cửa lớn của ngôi nhà hướng theo phía vỉa hè.
Theo Phòng TN&MT quận Lê Chân, bản đồ địa chính năm 2005 ghi ngôi nhà này nằm tại thửa đất số 168, tờ bản đồ số 36, tổ dân phố 12, phường Kênh Dương.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân sống lâu năm tại đây đều khẳng định thửa đất đó là đất nông nghiệp.
“Ba mặt của nhà này đều giáp với đất nông nghiệp chứ làm gì có hộ nào ở gần. Một mặt giáp đường nội bộ, một mặt giáp bờ mương An Kim Hải. Phía sau thì họ “đẻ” ra có hộ bà Vân nhưng thực tế thì làm gì có hộ đó. Vậy mà UBND phường Kênh Dương, UBND quận Lê Chân lại để ông Huy biến tướng mảnh đất này thành đất ở”, ông Hoàng Hiếu Hoá, nhà số 7, ngõ 571 Nguyễn Văn Linh, nói.
Nhiều cư dân tại ngõ 571 Nguyễn Văn Linh nói họ coi đây là “bắt nạt, coi thường những người dân sinh sống tại đây”.
Trong quá trình xây dựng từ năm 2019, nhiều lần dân xã hội đen, gây sức ép, đe dọa các hộ dân ở ngõ 571.
“Dân xã hội đen chửi bới chúng tôi cả ngày. Có kẻ còn cởi áo đe dọa, thách thức cả công an phường. Đến khi Cảnh sát 113 có mặt, đám xã hội đen mới rút đi. Tuy nhiên, đến tối chúng lại quay lại”, nhiều người dân cho biết.
Ông Hóa cáo buộc UBND phường Kênh Dương “vô trách nhiệm”, bởi theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông được cấp, thì phải đóng thuế cho việc nhà ở tại mặt đường rộng 8m, vỉa hè 1m. Tuy nhiên, hiện trạng khu vực này chỉ có khoảng 5m đường, bởi phần còn lại đã bị nhà ông Huy chắn, nằm đè cả lên vỉa hè.
Theo bản đồ địa chính 2005, diện tích đất nông nghiệp của ông Nghiện bà Nhủ (chủ sở hữu trước khi bán cho ông Huy) là 545,1m2; diện tích tự sử dụng khi thu hồi thực hiện dự án kiên cố kênh An Kim Hải là 149,1m2; tổng diện tích 694,5m2.
Theo phương án tổng hợp bồi thường hỗ trợ đất đai, thực hiện dự án cải tạo kênh An Kim Hải thì diện tích bồi thường gồm: 200m2 đất nông nghiệp làm nhà ở và 429,8m2 đất nông nghiệp tự sử dụng, tổng là 629,8m2.
So sánh hai số liệu này, con số chênh ra là 64,7m2. Nếu ông Huy được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất “đúng quy trình”, thì con số này không thể là 98m2 như kết luận của Văn phòng Đăng ký Đất đai, chi nhánh quận Lê Chân.
Một cán bộ công tác lâu năm trong ngành địa chính ở Lê Chân, Hải Phòng, cho biết chủ trương của thành phố này là xử lý những tồn tại trong nhiều năm do công tác quản lý đất đai bị buông lỏng, thiếu sự kiểm tra, giám sát của cấp chính quyền địa phương.
Việc tự ý mua bán chuyển nhượng; chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng nhà trên đất nông nghiệp làm thất thoát số tiền không nhỏ của Nhà nước liên quan đến khoản thu về đất.
Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư phải đảm bảo 3 điều kiện: có nhà và ăn ở ổn định trước 01/7/2004; phù hợp quy hoạch; phải nộp tiền sử dụng đất.
Trong sự việc nêu trên, tại thời điểm thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất là không có nhà ở. Việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất xen kẹt cho hộ ông Huy là có sự điều chỉnh làm sai lệch hồ sơ sử dụng đất. Lý do là tại thời điểm năm 2008 – 2010, khi Hải Phòng thực hiện bồi thường tuyến mương An Kim Hải, nguồn gốc sử dụng đất vẫn mang tên hộ gia đình bà Nhủ, còn giấy bán nhà mà UBND phường Kênh Dương cung cấp cho dân lại cho thấy ông Huy mua đất từ 2006.
Ước tính giá thị trường của mảnh đất này hiện không dưới 5 tỷ đồng.
Vị cán bộ này khẳng định đã có sự cố ý làm sai quy trình từ hợp thức đất nông nghiệp sang đất ở bằng hình thức đất xen kẹt. Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở thì phải có kế hoạch sử dụng đất được UBND TP phê duyệt. Còn khi chuyển từ đất xen kẹt sang đất ở, thì quyền quyết nằm trong tay UBND quận.
“Chúng tôi tố cáo đích danh ông Nguyễn Xuân Ngọc, và một số cán bộ phường. Đơn cũng có chữ ký của nhiều cư dân ngõ 571 Nguyễn Văn Linh. Vậy nhưng đến giờ vẫn bặt vô âm tín”, người dân ngõ 571 nêu câu hỏi.
Ông Ngọc nguyên là Giám đốc Văn phòng đăng ký QSDĐ, Sở TN&MT TP. Hải Phòng. Hiện ông Ngọc là Phó chủ tịch UBND quận Lê Chân.
“Vừa rồi đại hội Đảng các cấp của phường Kênh Dương, rồi quận Lê Chân thì những người chúng tôi tố cáo không những không bị xem xét tư cách đại biểu. Mà còn trúng vào cấp uỷ. Rồi còn là điển hình tiên tiến 5 năm của quận Lê Chân”, ông Hoàng Hiếu Hoá, ngõ 571 Nguyễn Văn Linh nói.
Đề nghị chuyển thành đất công cộng
Ngày 12/7/2019, ông Phạm Tiến Du, khi đó là Chủ tịch UBND quận Lê Chân, có báo cáo số 260/BC-UBND gửi UBND TP. Hải Phòng, trong đó đề nghị UBND TP. Hải Phòng xem xét điều chỉnh quy hoạch khu đất nêu trên (khu đất do ông Huy đứng tên) từ quy hoạch đất ở sang quy hoạch đất công cộng để sử dụng vào mục đích chung của cộng đồng dân cư, tạo mỹ quan đô thị chung cho thành phố, quận và phường.
Ngày 06/7/2020, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Thành ủy Hải Phòng có công văn gửi Thường trực Quận ủy Lê Chân. Nội dung cho biết từ tháng 9/2019 đến nay, cơ quan này nhận được nhiều đơn thư tố cáo một số cán bộ phường Kênh Dương, quận Lê Chân và ông Nguyễn Xuân Ngọc – nguyên Trưởng phòng TN&MT quận Lê Chân. Những cán bộ này bị tố cáo lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm sai, tiếp tay làm giả hồ sơ, nguồn gốc đất, lấy đất hành lang vỉa hè, bờ mương, cấp sai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
UBKT Thành ủy Hải Phòng đề nghị Quận ủy báo cáo cụ thể vụ việc, gửi về Phòng Nghiệp vụ Tổng hợp, cơ quan UBKT Thành ủy trước ngày 10/7/2020.