| Hotline: 0983.970.780

Đất rì rầm

Thứ Hai 11/02/2019 , 10:01 (GMT+7)

Như có một định mệnh nào đó, tôi có cảm tưởng gắn bó với vùng đất gần sân bay Nội Bài từ rất lâu. Lần đầu tiên đi máy bay, khoảng những năm tám mươi của thế kỷ trước, đi qua đường số 3 lên Nội Bài, hai bên đường bời bời ruộng lúa, xóm làng thưa thớt, đường sá quang quẻ, vắng lắm...

1.

Trên máy bay, tôi đọc được một bài bút ký về chính vùng đất ven Nội Bài. Khi đó giám đốc cảng hàng không Nội Bài nói đại ý rằng, tối đến ông mở cửa, nhìn ra vùng xung quanh sân bay tối đen, xóm làng yên ắng chứng tỏ đất nước đang trì trệ, khi đó nước ta đang bị cấm vận, thời kỳ kinh tế rất khó khăn. Ông giám đốc cảng hàng  không ước có ngày vùng quanh sân bay đèn điện sáng rực, là lúc các hoạt động phụ trợ, dịch vụ, cơ sở hạ tầng quanh vùng sân bay phát triển, lúc đó mới là lúc đất nước thật sự cất cánh cùng các đội bay.

Câu chuyện đó khiến tôi nhớ rất lâu, vì qua lại vùng đất lân cận Nội Bài nhiều lần. Ngày nay, có thể là tưởng tượng mong ước của ông giám đốc cảng hàng không năm xưa về vùng lân cận sân bay đã thành hiện thực. Cầu Thăng Long đã hoàn thành sứ mạng của nó chuyên chở dòng người xe từ Hà Nội lên sân bay, qua thời quá tải, giờ đã có cầu Nhật Tân, có đường 18, đường số 3 mới. Khu vực quanh sân bay khoảng 10 - 20km sáng rực, hầu như lúc nào cũng là ban ngày…
Tôi có người nhà và họ hàng, có cả bạn bè ở thôn làng gần sân bay, địa bàn huyện Sóc Sơn và Phúc Yên. Thấy rõ sự đổi thay của một vùng quê thuần nông chuyển mình thành phố xá. Rất nhiều người trở nên khấm khá. Tôi hỏi ông cậu: Theo cậu, người làng ta khá là do đâu? Ông cậu nói: Có hai dạng khá lên, một là bám vào sân bay, hay là khá lên từ… đất.

Minh họa: Nguyễn Minh

Bây giờ làng có nhiều người chạy taxi, có một nhóm còn tự lập công ty taxi, bây  giờ công ty 123 đã chạy xa chiếm lĩnh cả Bắc Ninh, Phúc Yên. Quanh xã này, và các xã khác, cứ có một người làm sân bay là sống tốt. Hồi xưa, dân vùng này sống nhờ một vài nhà máy Z của quân đội, làm chè, làm thuốc lá. Chè và thuốc lá cho các tổng công ty nhà nước thì chỉ đủ thị trường cho một gia đình giàu lên. Khi công nghiệp chè và thuốc lá trồi sụt, không đảm bảo những người làm thuê ổn định. Giờ thì sân bay ngày càng mở rộng, người làm không ngừng tăng lên, dịch vụ sân bay khá lớn, có chuyển hàng, chuyển khách, cần khách sạn, nhà hàng cũng từ đó mà có nhu cầu cao. Dân sống bám vào đó cả.

Khi dịch vụ sân bay khiến nhu cầu cao, người về ở vùng lân cận sân bay có nhu cầu nhà ở, dân quanh sân bay bắt đầu cắt bớt đất bán để xây nhà. Xưa kia nhà ở quê rất rộng, giờ không có cái gì ra tiền bằng bán bớt một tý đất. Đó là kiểu kiếm quẩn nhất của người vùng quê bắt đầu đô thị hóa.
Ngày xưa đường đất, con trâu ỉa một bãi, hót để ủ phân, vết phân có đất đấy khô đi tự sạch, giờ đường bê tông thì không rửa sạch nó cứ thế thôi, mà một nhà phố ở cạnh một nhà nông, xe ô tô chạy rù rù qua ngõ chính thì có con trâu đủng đỉnh. Xưa, các rãnh nước thải xuống ao, các ao nối với nhau ra đồng, ra sông, giờ cứ làm cống chỗ này chỗ kia tắc, thải ra đồng rau cũng chết cả. Mà lại còn rác nữa chứ…


2.

Chuyện môi trường, đất cát khiến tôi nhớ đến quê hương bản quán. Huyện Kinh Môn ngày nay là một trung tâm công nghiệp của tỉnh Hải Dương, của cả nước, nhưng ô nhiễm thì chỉ của dân cư quanh vùng khu công nghiệp mà thôi. Ô nhiễm ở Kinh Môn không chỉ loanh quanh bé tý chuyện cống rãnh, chuyện nước thải, mà thực sự rất nan giải vì ô nhiễm do phát triển khu công nghiệp vào vùng dân cư nông nghiệp.

Sông Kinh Thày chảy qua huyện Kinh Môn một thời là thắng cảnh, sông chảy qua khu vực núi non hùng vĩ, ruộng đồng phì nhiêu vựa lúa của khu vực Đông Bắc nước ta, vùng nếp cái hoa vàng đặc sản nổi tiếng trong lịch sử. Giờ thì sông không còn trong xanh, núi non thì bằng địa, khói xi măng mù mịt, mái nhà và cây cối phủ lớp bụi màu nâu bạc. Cách đây khoảng chục năm, công ty Hòa Phát đặt một khu liên hợp thép vào bên sông Kinh Thày, thuộc xã Hiệp Sơn thành ra người Hiệp Sơn giờ đây hưởng thứ ô nhiễm kép về không khí của khói xi măng và khói nhà máy thép. Ô nhiễm đất thì dĩ nhiên thôi, toàn bộ vùng quanh Hiệp Sơn giờ đã đô thị hóa, ruộng biến thành nhà ở, nhà hàng, khách sạn. Trong khi đó, tiếng kêu ô nhiễm gây bệnh tật, khiến tỷ lệ ung thư tăng cao cứ kêu triền miên mà không có cấp nào ra tay. Việc này ngoài tầm tay của chính quyền huyện, vì quyết định đầu tư và ngân sách đều do cấp tỉnh.

Nhà tôi xưa kia ở trung tâm thị trấn cũ, giờ thị trấn đã mở rộng, kề sát khu công nghiệp thép Hòa Phát. Ngày xưa thị trấn buồn tẻ mà thanh bình sạch sẽ, giờ bụi bặm và ồn ào. Đây có thể là một sự bất hợp lý rất rõ ràng. Trong khi người ta cố chuyển các khu công nghiệp xa khu dân cư, thì ở Kinh Môn, những người có quyền quy hoạch, cấp phép đầu tư ở tỉnh Hải Dương lại trồng một khu công nghiệp gây ô nhiễm vào khu dân cư thị trấn, sát sạt thôn làng, giữa vùng nông dân nông nghiệp.

Tôi tính đến chính quyền huyện hỏi xem “huyện ta” có bao nhiêu người hiện đang làm công nhân ở các nhà máy thép và xi măng, liệu huyện có thống kê được bao nhiêu hộ làm giàu lên từ các cơ sở công nghiệp không? Nhưng chưa cần số liệu  thì cũng biết là rất ít. Quanh xã mình, xã bạn có bao nhiêu người đi làm công nhân? Công nhân cần có tay nghề, còn dịch vụ công nghiệp thì cần có chuyên sâu. Chỉ có dịch vụ ăn uống, khách sạn có tăng lên nhưng không đủ thay đổi bộ mặt của một vài xã lân cận. Bây giờ, chắc chắn là một việc làm rất dễ cần phải làm, đó là thống kê con số người bị ung thư ở huyện Kinh Môn hàng năm, thì sẽ thấy hậu quả ghê gớm của ô nhiễm công nghiệp ở đây.

Vừa rồi, Kinh Môn có di tích Động Kính Chủ được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, tôi có rủ mấy người bạn về quê. Sau đó bạn nói hơi phũ: Quê ông đẹp nhưng môi trường nhếch nhác lắm, du lịch thì thôi công nghiệp đi, công nghiệp thì bấm bụng mà chịu cay đắng thôi chứ làm du lịch thì chưa thấy tương lai.

Đó là cách nói nôm na của người dưng nhìn cảnh tượng một rừng nhà máy ô nhiễm lọt thỏm vào vùng dân cư vốn trù phú, giờ đượm mùi xơ xác. Ông anh ở Kinh Môn có vườn cây cảnh, xung quanh là hàng cây bạch đàn, tôi ngạc nhiên thấy ông kê cao các chậu cây ngang tầm mắt, ông nói: Bạch đàn không che được ống khói các loại, nên tôi phải kê cao các chậu cây lên…

Giải pháp cho ô nhiễm tạm đến thế là cùng, chỉ cần không nhìn thấy nữa.


3.

Bây giờ tính đếm đến việc hơn thiệt khi mất đất nông nghiệp làm công nghiệp thì khá rõ ràng rồi. Hãy nhìn đến các vùng đất khác thì thấy vận đen đã đến những nơi như huyện Kinh Môn. Cũng sông ngòi, núi non, di tích thắng cảnh mà Ninh Bình thì hái tiền từ đất, còn Kinh Môn thì nhập ô nhiễm, mất địa mạch của ông cha để lại hàng nghìn năm. Cũng là nông nghiệp kém phát triển, mà vì có sân bây, Sóc Sơn nửa thế kỷ chuyển thành khấm khá, mà Kinh Môn nửa thế kỷ ngày càng nhiều vấn đề nan giải về xã hội, có thể nói thất bại nhìn thấy rõ.

Lâu lâu mới về quê một lần, đêm nằm ở huyện Kinh Môn, nghe như đất rì rầm và thấy đau mình mẩy. Ngày có rươi, con nước dềnh lên khắp bờ bãi. Rồi những thứ đặc sản như rươi, cà ra, ruốc có theo chân loại nếp cái hoa vàng mà đi mất khỏi vùng đất này không?

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất