| Hotline: 0983.970.780

Đặt rủi ro vào một giỏ!

Thứ Hai 07/10/2013 , 10:14 (GMT+7)

Có thể nói cơn bão số 10 đi qua được xem như bản phản biện xác thực nhất cho tính hiệu quả và bền vững của mô hình phát triển cao su ào ạt ở miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng thời gian qua.

Có thể nói cơn bão số 10 đi qua được xem như bản phản biện xác thực nhất cho tính hiệu quả và bền vững của mô hình phát triển cao su ào ạt ở miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng thời gian qua.

Thiệt hại gấp 3,5 lần tiền lãi

 

Quảng Trị bắt đầu phát triển cao su tiểu điền từ 17 năm trước. Việc chọn cây trồng nào chủ lực là một câu chuyện đầy trăn trở của tỉnh Quảng Trị suốt cả thời gian dài. Đến năm 1996, tỉnh Quảng Trị có chủ trương cấp bù lãi suất vay ngân hàng cho bà con nông dân phát triển cao su tiểu điền. Chính sách này thực hiện tại huyện Vĩnh Linh từ 1996 đến năm 2003, một vài địa phương khác đến năm 2006.

Chủ trương này ra đời như một luồng sinh khi mới. Khắp nơi, nông dân đua nhau khai phá đất đồi hoang trồng cao su. Chỉ sau vài năm những đồi cỏ tranh đã được thay bằng màu xanh bạt ngàn của cây cao su. Không chỉ khai hoang đất mới, những diện tích đất canh tác đang được nông dân trồng các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn, dài ngày khác cũng được chuyển sang trồng cao su.

Phải nói rằng, thời điểm trồng cao su ở Quảng Trị phát triển mạnh nhất bắt đầu từ cuối năm 1999, sau khi cơn lũ lịch sử năm ấy đã ngâm nước làm chết phần lớn diện tích hồ tiêu. Có lẽ vì vậy mà sau đó nông dân Quảng Trị chuyển hướng tập trung sang phát triển mạnh cao su. Đến nay, Quảng Trị trồng được 15 ngàn ha cao su, riêng huyện Vĩnh Linh trồng được 7.600 ha.

Còn diện tích cây hồ tiêu, một loại cây công nghiệp dài ngày khác phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Quảng Trị, chỉ cầm chừng với diện tích khoảng 2.500 ha. Cơn bão số 10 đi qua đã phá hoại gần 2/3 diện tích cao su Quảng Trị. Trong khi đó diện tích hồ tiêu bị gãy đổ không đáng kể.


Đất đai Quảng Trị tốt giúp cao su mau lớn nhưng gió bão nhiều làm cây gãy đổ tan hoang

Các nhà kinh tế đã tính toán bình quân cây cao su ở huyện Vĩnh Linh có tuổi đời 12 đến 14 năm. Những chủ vườn cao su đã khai thác mủ trên diện tích này được từ 5 đến 7 năm. Với ngần ấy thời gian khai thác, nông dân huyện Vĩnh Linh đã gửi tiết kiệm được 556 tỷ đồng tại Agribank chi nhánh Vĩnh Linh. Số tiền này quá thuyết phục cho một mô hình trồng cao su để phát triển kinh tế hộ gia đình. Vì vậy, đời sống của người trồng cao su có nhiều cải thiện đáng mừng.

Song sau bão số 10, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch huyện Vĩnh Linh cho biết thiệt hại riêng 4.000 ha cao su trên địa bàn huyện bị gãy đổ đã lên gần 2.000 tỷ đồng. Như vậy thiệt hại gấp 3,5 lần số tiền bà con tích góp từ việc trồng cao su gửi ngân hàng.

Với nhiều nông dân, không chỉ Vĩnh Linh, mà các địa phương khác ở Quảng Trị, họ bắt đầu hoài nghi tập trung đất sản xuất trồng cao su có phải là hướng xóa nghèo bền vững hay là một canh bạc với thời tiết bất thường của miền Trung. Chị Trần Thị Hòa ở xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh dọn dẹp vườn cây bị gãy đổ, băn khoăn cho biết có nên tiếp tục trồng cao su ở diện tích vườn đã bị gãy trên 70% nữa không hay quay trở lại trồng cây hồ tiêu?

Một dịp để tái cơ cấu

Anh Nguyễn Văn Luyện ở xã Gio An, huyện Gio Linh, người có 10 ha cao su tiểu điền bị bão đánh te tua cho biết chi phí đầu tư ban đầu cho 1ha cao su trồng mới gồm tiền khai hoang đất 20 triệu đồng, cây giống 27,5 triệu đồng (mỗi cây giống 5 ngàn đồng), phân bón, công lao động tổng cộng khoảng 50 triệu đồng. Số tiền này chỉ bằng 1/4 so với đầu tư trồng mới 1 ha hồ tiêu. Tuy đầu tư vốn ít hơn nhưng anh Luyện rất băn khoăn có nên tiếp tục đầu tư vào cây cao su nữa không hay giữ nguyên hiện trạng đang có và trồng thêm loại cây công nghiệp khác.

Ông Hoàng Minh Thông, Giám đốc Agribank tỉnh Quảng Trị, nơi hơn mười năm nay đã đầu tư một dòng vốn lớn giúp nông dân Quảng Trị vay trồng cao su, cũng băn khoăn khi cho rằng trồng chuyên canh cây cao su trên một diện tích đất quá lớn giống như mang rủi ro đặt vào một giỏ, hỏng là bể luôn. Hiện tại nông dân Quảng Trị đang vay nợ qua kênh của Agribank tỉnh Quảng Trị 155 tỷ đồng để trồng và chăm sóc cao su hàng năm. Ông Thông không sợ mất khoản tiền này. Mà đúng thật, nông dân dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn tử tế, tốt bụng. Bà con có thể vì khó khăn mà trả tiền vay có chậm lại chứ không bao giờ “chạy làng” ngân hàng.

Để gỡ khó giúp nông dân trong lúc khó khăn này, ông Thông quyết định giãn nợ, kéo dài thời gian trả nợ cho bà con đã vay vốn phát triển cao su. Ông Thông cũng vừa kiến nghị Trung ương giúp Quảng Trị nguồn vốn dài hạn để đầu tư phục hồi lại nông nghiệp sau bão số 10. Còn phục hồi như thế nào phải đợi chủ trương lớn của tỉnh.

Mấy ngày này Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, ông Trần Đức Nhu hết đi thăm, kiểm tra vườn cây lại gọi điện, gửi công văn đôn đốc các ngành, địa phương khẩn cấp giúp những hộ dân có diện tích cao su tiểu điền bị gãy đổ dọn dẹp vườn, hỗ trợ mỡ Vaselin cho bà con bôi vào vết cạo chống lở loét, nhiễm nấm hồng và nhiều loại bệnh khác trên cây cao su. Đồng thời, khi trồng và chăm sóc, khai thác mủ phải đúng quy trình kỹ thuật để bảo vệ vườn cây phát triển bền vững.

Với chuyên môn phụ trách và tham mưu lĩnh vực trồng trọt của tỉnh, ông Nhu không phủ nhận giá trị kinh tế cây cao su mang lại cho nông dân Quảng Trị thời gian qua nhưng rất băn khoăn khi nhìn gần 10 ngàn ha cao su toàn tỉnh bị hư hại. Việc có nên trồng cao su trở lại trên những vườn cây bị gãy đổ từ 70% trở lên nữa không, ông Nhu cho đây là một dịp để tái cơ cấu lại cây trồng phù hợp nhất cho vùng đất Quảng Trị. Cụ thể, có hai hướng, nếu trồng lại cao su thì tìm giống có tính kháng gió cao và chú ý đến kỹ thuật trồng. Song tốt nhất nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mà cây hồ tiêu là ưu tiên số một. Sẽ trồng dần từng năm cùng với xen canh các cây ngắn ngày như lạc, ngô cùng với trồng cỏ nuôi bò.

Bão số 10 đi qua như là một bản báo cáo phản biện chi tiết nhất cho tính hiệu quả và bền vững của mô hình phát triển cao su ào ạt ở miền Trung thời gian qua. Rất mong các ban ngành Trung ương và địa phương sớm tổ chức hội thảo khoa học để đánh giá cũng như giúp nông dân tìm ra hướng đi hiệu quả, bền vững sau bão số 10.

Ngày 3/10, Sở NN-PTNT Quảng Trị xin khẩn cấp 2,5 tỷ đồng mua gần 5 tấn mỡ Vaseline cũng như giúp thêm một phần kinh phí cho bà con nông dân khắc phục kỹ thuật cho vườn cao su bằng cách bôi vào các vết gãy chống lở loét và cưa dọn vườn. Bão số 10 làm gãy đổ gần 10 ngàn ha cao su của Quảng Trị, nặng nhất ở huyện Vĩnh Linh, nhiều nông dân trồng cao su trở nên trắng tay.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất