| Hotline: 0983.970.780

Đất sản xuất là điểm khó khăn nhất của trang trại hiện nay!

Thứ Sáu 24/07/2020 , 08:42 (GMT+7)

Đây là nguyên nhân chính khiến cho việc giao đất, thuê đất, chuyển nhượng để tích tụ ruộng đất làm kinh tế trang trại chậm được giải quyết.

TS Lê Văn Bảnh.

TS Lê Văn Bảnh.

Kinh tế trang trại đã được Bộ NN-PTNT xác định là hình thức sản xuất tiên tiến của kinh tế hộ, động lực mới nối tiếp và phát huy động lực của kinh tế hộ để đưa nền nông nghiệp nước ta tiến lên hiện đại.

Trang trại góp phần sản xuất an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm gắn liền với quá trình phân công lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Tiến sỹ Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, vừa có nghiên cứu về tình hình kinh tế trang trại Việt Nam, cho biết:

Theo báo cáo của Cục Kinh tế Hợp tác thuộc Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có 29.853 trang trại (tăng 9.433 trang trại so với năm 2011). Trong đó, có 7.641 trang trại trồng trọt (chiếm 25,6%), 4.551 trang trại chăn nuôi (48,74%), 4.241 trang trại thủy sản (14,21%), 3.276 trang trại tổng hợp (10,97%), 144 trang trại lâm nghiệp (0,48%).

Trang trại phân bổ theo vùng như sau. Khu vực ĐBSH có 6.914 trang trại (23,16%), Đông Nam Bộ 6.723 trang trại (22,52%), ĐBSCL 6.496 trang trại (21,76%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 3.151 trang trại (10,55%), Trung du và miền núi phía Bắc 3.254 trang trại (10%).

Đa số trang trại vẫn quy mô nhỏ, thiếu vốn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đa số trang trại vẫn quy mô nhỏ, thiếu vốn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thưa ông, 29.853 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại hay chưa? Diện tích đất bình quân của một trang trại bao nhiêu?

Các địa phương mới cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho 7.825 trang trại, chiếm hơn 26% tổng số trang trại cả nước. Các trang trại đang sử dụng tổng diện tích đất là 133.826,6 ha, như thế bình quân một trang trại có 4,54 ha đất.

Diện tích đất bình quân khá nhỏ và còn quá nhiều trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, điều đó gây khó khăn thế nào?

Đất sản xuất là vấn đề khó khăn nhất của trang trại hiện nay. Nguyên nhân là việc giao đất, thuê đất, chuyển nhượng để tích tụ ruộng đất làm kinh tế trang trại chậm được giải quyết đã hạn chế việc khai thác tiềm lực phong phú ở nhiều vùng để phát triển kinh tế trang trại. Hiện còn nhiều trang trại chưa được giao đất, thuê đất ổn định lâu dài nên chủ trang trại chưa thật sự yên tâm đầu tư sản xuất.

Khó khăn về đất sản xuất còn dẫn đến khó tiếp cận tín dụng, hiện có đến 70% số trang trại đang kinh doanh bằng vốn tự có hoặc tự huy động vốn. Trang trại đa số quy mô nhỏ, thiếu vốn dẫn đến sử dụng nhiều lao động, cơ giới hóa trong trang trại chưa được chú trọng, hiệu quả kinh tế thấp.

Tồn tại lớn nhất trong hoạt động kinh tế trang trại là gì?

Có bốn vấn đề.

Về quy mô và số lượng: Số lượng trang trại tăng chậm và phân bố không đều giữa các vùng trong cả nước. Khu vực Trung du miền núi phía Bắc có diện tích đất đai rộng nhưng số lượng trang trại ít. Việc phân bố cũng không đồng đều ở các lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào các trang trại chăn nuôi.

Về giá trị sản xuất: Mặc dù giá trị sản xuất hàng hóa bình quân một trang trại tương đối lớn nhưng số có thu nhập cao chỉ tập trung ở loại hình trang trại chăn nuôi, thủy sản còn các loại hình trang trại trồng trọt, lâm nghiệp, kinh doanh tổng hợp giá trị sản xuất còn thấp.

Về khoa học công nghệ: Số lượng trang trại ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến bảo quản còn hạn chế, mới chỉ tập trung ở một số lĩnh vực và khu vực nhất định.

Trình độ quản lý và sản xuất của trang trại: Chủ trang trại đa số chưa được đào tạo chuyên môn về quản lý, kinh tế nên khả năng quản lý sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết tiêu thụ nông sản còn nhiều hạn chế, chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm thực tế.

Nhưng với số lượng trang trại tăng gấp 3 lần trong chục năm qua hẳn cũng đưa đến chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp?

Việc phát triển kinh tế trang trại đang có sự chuyển biến rõ rệt trong sản xuất kinh doanh, sản phẩm hàng hóa phù hợp với yêu cầu của thị trường, đạt hiệu quả kinh tế cao. Các trang trại tạo ra quy mô sản xuất tập trung, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nhiều trang trại đã chủ động được giống và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi tốt cung ứng cho bà con nông dân trong vùng.

Bên cạnh, nhiều trang trại đã đi vào sản xuất hàng hóa chuyên canh, áp dụng các tiên bộ kỹ thuật tiên tiến, sử dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, sản xuất sạch, hữu cơ, tạo ra năng suất, chất lượng cao, đồng đều, truy xuất nguồn gốc và dần tiến tới tạo thương hiệu cho nông sản. 

Cần một chính sách toàn diện phát triển kinh tế trang trại. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cần một chính sách toàn diện phát triển kinh tế trang trại. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Còn chuyển biến từ phía quản lý nhà nước và các doanh nghiệp?

Nhà nước tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, nhiều địa phương đã chủ động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dồn điền đổi thửa hình thành các vùng sản xuất tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại phát triển.

Những địa phương đã có nghị quyết riêng cho chính sách phát triển kinh tế trang trại là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ngãi, Bình Định, Đăk Lăk, Đồng Nai, Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã tích cực liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nhiều trang trại, tạo nên chuỗi sản phẩm an toàn.

Kinh tế trang trại giúp dễ dàng xác định vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, sản lượng theo yêu cầu của của các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu.

Thưa ông, xây dựng thương hiệu nông sản và thị trường có vị trí như thế nào trong phát triển kinh tế trang trại?

Có vị trí rất quan trọng.

Việc xây dựng thương hiệu nông sản cần tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, chế biến xây dựng phát triển thương hiệu nông sản, có uy tín, gắn với chỉ dẫn địa lý như gạo Nàng Thơm Chợ Đào, Tám Hải Hậu, nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung nguyên...

Các đơn vị sản xuất kinh doanh xuất khẩu cần xây dựng và phát triển các thương hiệu lớn, có uy tín tại thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản như các doanh nghiệp có uy tín (Vina Cà phê, Cầu Tre, Hùng Vương...).

Về thị trường có thị trường nội địa và xuất khẩu.

Thị trường nội địa cần được coi trọng vì đầy tiềm năng, để tránh phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.

Cần đầu tư, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại, kết nối giữa người sản xuất với nhà phân phối qua chợ đầu mối bán buôn sản phẩm có đầy đủ các phân khu chức năng và kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đến hệ thống bán lẻ, các cửa hàng tiện ích đưa sản phẩm nông nghiệp tiếp cận người tiêu dùng thuận lợi.

Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu từ “từ trang trại tới bàn ăn, từ sản xuất đến siêu thị” thông qua hoạt động Hội chợ Triển lãm với sự tham gia của cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp lớn.

Thị trường xuất khẩu, xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm chủ lực đặc biệt là các nhóm sản phẩm mới, có tiềm năng gia trị gia tăng cao.

Tổ chức quảng bá sản theo hướng tăng dần tỷ trọng các mặt hàng chế biến ở phân khúc giá trị gia tăng cao sang các thị trường “khó tính” như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Tổ chức tốt các hoạt động quảng bá sản phẩm mang nhãn mác, thương hiệu của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

    Tags:
Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.