| Hotline: 0983.970.780

Đất Thành Nam hoa tươi, người héo

Thứ Tư 22/04/2020 , 11:14 (GMT+7)

Mỗi bó hoa cúc 50 bông, người dân chỉ bán được với giá 15.000 - 25.000 đồng, thậm chí còn thấp hơn nữa.

Người dân thôn Hồng Hà thu hoạch hoa cúc trong tậm trạng buồn rười rượi . Ảnh: Mai Chiến.

Người dân thôn Hồng Hà thu hoạch hoa cúc trong tậm trạng buồn rười rượi . Ảnh: Mai Chiến.

Đó là những gì đang diễn ra ở làng hoa Mỹ Tân (xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định).

Mỹ Tân là xã thuần nông nằm ven bờ sông Hồng. Với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các loại hoa, nên người dân đã chuyển đổi những diện tích đất ruộng 2 vụ lúa kém hiệu quả sang trồng hoa. Trong đó, chủ lực là hoa cúc (chiếm khoảng 80% diện tích), còn lại là hoa ly, dơn, cát tường, hồng, loa kèn…

Những vụ trước, thời tiết ủng hộ, giá bán ổn định, thị trường không bấp bênh, người dân trồng hoa bán còn có lãi, có vốn để xoay vòng sản xuất. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường hoa nơi đây biến động, giá bán xuống thấp kỉ lục, khiến cho người trồng hoa buồn bã, chán nản.

Ông Nguyễn Văn Phương (thôn Hồng Hà 1, xã Mỹ Tân) cho biết, gia đình ông đang canh tác gần 6 sào (360m2/sào) hoa cúc vàng, trắng. Để có hoa cung cấp ra thị trường đều đặn, gia đình ông trồng theo hình thức gối vụ.

Trước đây, khi chưa xảy ra đại dịch, mỗi vụ, gia đình ông bán ra thị trường hàng vạn bông hoa cúc, với giá dao động 2.000 - 2.500đ/bông. Có thời điểm lên 3.000 - 4.000đ/bông, nếu hoa đẹp, đạt chất lượng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông đút túi hàng chục triệu đồng.

Song, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, có diễn biến phức tạp đã tác động đến thị trường hoa nơi đây. Các chợ lớn, chợ bé đều cấm họp, cấm tụ tập đông người. Nhiều cửa hàng kinh doanh hoa phải đóng cửa, không được buôn bán. Thương lái thu mua hoa trong và ngoài tỉnh hạn chế đi lại nên hoa không thể xuất đi được, ùn ứ tại vườn.

Người dân xếp đầy hoa ở hai bên đường, chờ thương lái đến thu mua; nhưng chờ hoài vẫn chưa thấy thương lái nào ngó nghiêng tới. Ảnh: Mai Chiến.

Người dân xếp đầy hoa ở hai bên đường, chờ thương lái đến thu mua; nhưng chờ hoài vẫn chưa thấy thương lái nào ngó nghiêng tới. Ảnh: Mai Chiến.

Việc hoa tươi “bế tắc” đầu ra đã kéo theo giá bán giảm sâu. Vừa thu hoạch hoa, vợ ông Phương vừa than: “Chán lắm chú ơi. Hoa nở vàng rực cả khu vườn, mà chưa bán đi được, ế chỏng chơ. Do ảnh hưởng của Covid-19, hiện một bông hoa bán được có 100 - 200đ. Bông nào đẹp thì may ra được 500đ, nhưng số lượng không có nhiều”.

Theo tính toán của gia đình ông Phương, để có được những luống hoa đẹp, gia đình ông phải chăm sóc ròng rã 4 tháng trời, tính từ khi xuống giống cho đến khi được thu hoạch. Ngoài ra, tiền giống, thuốc BVTV và một số chi phí khác đã lên khoảng 7 triệu đồng/sào. “Với giá bán rẻ mạt như thế này thì lời lãi làm gì có, thâm hụt nặng rồi”, vợ ông Phương giãi bày.

Cách đó không xa là vườn hoa cúc rộng 7.000m2 của gia đình chị Vũ Thị Thúy. Theo quan sát của chúng tôi, vườn hoa đang trong giai đoạn nở rộ, nếu không thu hoạch nhanh, gia đình chị có nguy cơ mất trắng.

Chị Thúy lắc đầu ngao ngán, vứt bỏ đi thì tiếc công sức mình làm ra, mà cắt đem đi bán thì chẳng có lãi. Suy đi, tính lại, hai vợ chồng quyết định thu hoạch, đem ra đầu dốc đê để bán. Gỡ gạc được đồng nào hay đồng đó.

Theo chị Thúy, thời điểm này, thương lái đến thu mua hoa chưa nhiều nên không phải ai thu hoạch xong cũng bán được. Đã có những hộ, thu hoạch hoa rồi đem lên chợ để bán, nhưng ngồi bán cả buổi sáng chẳng có ai ngó nghiêng tới, đành vứt bỏ đi, bởi đem về cũng chẳng biết bán cho ai…

“Gia đình tôi, thu nhập chính chủ yếu từ vườn hoa này. Hai vợ chồng cặm cụi, chăm sóc từ sáng đến tối nhiều tháng trời, đến ngày thu hoạch thì giá bán lại rẻ mạt, ế chỏng chơ. Buồn ơi là buồn. Chỉ mong dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi, cuộc sống trở về trạng thái bình thường, không bị đảo lộn. Có như vậy, người nông dân mới yên tâm sản xuất”, chị Thúy nói.

Vườn hoa cúc đang trong giai đoạn nở rộ nhưng chưa thể xuất bán được, ùn ứ tại vườn. Ảnh: Mai Chiến.

Vườn hoa cúc đang trong giai đoạn nở rộ nhưng chưa thể xuất bán được, ùn ứ tại vườn. Ảnh: Mai Chiến.

Cùng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Hằng (thôn Hồng Hà 2) chia sẻ, gia đình chị chủ yếu xuất hoa đi các tỉnh lân cận theo ô tô khách, nhưng hiện tại các tuyến xe khách đang tạm dừng hoạt động nên hoa bán chậm, kéo dài thời gian.

Chị bảo, giờ thuê xe tải để vận chuyển hoa đi đến các mối quen ở các tỉnh lân cận thì chi phí bỏ ra rất lớn, mà lời lãi chẳng được bao.

Trao đổi với PV Báo NNVN, ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân bộc bạch, làng nghề trồng hoa tại địa phương phát triển mạnh khoảng 10 năm trở lại đây. Đến nay, diện tích trồng hoa toàn xã có khoảng hơn 100ha, tập trung nhiều ở thôn Hồng Hà 1, Hồng Hà 2.  

Hiện thị trường tiêu thụ hoa của địa phương chủ yếu trong và ngoài tỉnh. Song, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xe khách liên tỉnh tạm dừng hoạt động nên mức tiêu thụ hạn chế, giá bán giảm sâu.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất