| Hotline: 0983.970.780

Đất trăm nghề đang gặp khó bởi Covid

Thứ Tư 30/09/2020 , 08:11 (GMT+7)

Chưa bao giờ các làng nghề ở thủ đô lại phải đối diện với nhiều khó khăn như hiện nay, khi dịch Covid kéo quá dài và rất cần sự trợ giúp

Hà Nội có 1.350 làng có nghề trong đó có 309 làng đã được UBND thành phố công nhận danh hiệu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn với thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Tuy vậy, các làng nghề ở Thủ đô đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải nội tại như ô nhiễm môi trường, mặt bằng sản xuất chật hẹp, thiết bị công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ theo tính chất hộ gia đình là chủ yếu, khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, chưa xây dựng được các thương hiệu thực sự mạnh...

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều làng nghề bị đình trệ nhất là bị bế tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ.

Đổ nguyên liệu vào khuôn. Ảnh: NNVN.

Đổ nguyên liệu vào khuôn. Ảnh: NNVN.

Làng nghề khảm trai ở xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên gần như không xuất khẩu được khiến doanh thu giảm còn khoảng 30-40%, buộc phải cắt bớt lao động. Làng nghề mộc của xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất có khoảng 3.000 gia đình đang hành nghề nhưng tình cảnh cũng rất ảm đạm. Đơn hàng gần như chỉ bằng một phần nhỏ cùng kỳ năm trước khiến cho sản xuất chỉ cầm chừng, doanh thu không đáng kể trong khi đó hàng tháng các cơ sở vẫn phải trả tiền lãi vay, tiền thuê nhân công, tiền thuê mặt bằng…

Làng nghề Dư Dụ của xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai có hơn 300 hộ làm nghề điêu khắc tượng, đồ mỹ nghệ, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu, doanh thu của nhiều gia đình giảm 60-70% so với cùng kỳ năm 2019.

Bà Hà Thị Vinh-Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho hay: “100% các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều bị ảnh hưởng bởi dịch covid, không loại trừ bất cứ một ai. Với nhóm làm hàng xuất khẩu, cả chính ngạch đi Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan…lẫn tiểu ngạch đi Trung Quốc đều bán rất chậm. Đây là quãng thời gian để cho họ sắp xếp lại sản xuất, thiết kế thêm mẫu mã cho thị trường trong nước.

Một tín hiệu khá vui là các nước đang làm quen với trạng thái kinh tế mới, chuẩn bị đón Noel và Tết Tây nên cần các mặt hàng trang trí, nội thất giúp các thành viên trong hiệp hội phục hồi được khoảng 50% đơn hàng so với cùng kỳ năm ngoái. Với nhóm làm hàng nội tiêu thì do nền kinh tế yếu kém nên sức tiêu thụ cũng giảm sút rõ rệt, chỉ còn khoảng 70% so với cùng kỳ nhưng cũng đã bắt đầu vào mùa chạy hàng cuối năm”.

Một xưởng gốm ở Bát Tràng. Ảnh: DT.

Một xưởng gốm ở Bát Tràng. Ảnh: DT.

Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng nhiều lao động tiểu thủ công nghiệp đã phải làm bán thời gian hoặc mất hẳn việc, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phải chật vật để trả lãi suất vay chứ chưa nói đến nợ gốc. Điều cần thiết lúc này là thành phố cần nghiên cứu chính sách cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của làng nghề tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giãn nợ đối với các gói vay trước đây, xúc tiến thương mại tìm thị trường, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất, kinh doanh...

“Với vào gói hỗ trợ hiện nay là khá khó với nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ bởi quy định phải bao nhiêu lao động hoàn toàn không có việc làm, phải nằm trong diện được đóng bảo hiểm trong khi thực tế những điều kiện đó là khó. Hơn thế về lập thủ tục hỗ trợ nhiều người cũng không có kinh nghiệm nên phải chạy đi chạy lại nhiều nơi thành ra ngại. Phải nới lỏng các điều kiện hơn nữa thì họ mới dễ dàng tiếp cận được”. Bà Vinh chia sẻ tiếp.   

Còn ông Nguyễn Văn Chí-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn thì cho hay kế hoạch năm nay thành phố sẽ hỗ trợ 10 làng nghề trong việc xây dựng thương hiệu với mức 500 triệu đồng/làng nhưng trước nhu cầu thực tế đã đề nghị nâng lên 20 làng. Song song với đó, thành phố tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giúp họ dần dần có thể vượt qua được những khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, sự tự lực cánh sinh, chủ động của doanh nghiệp cũng như cơ sở sản xuất vẫn là một yếu tố quan trọng nhất.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất