| Hotline: 0983.970.780

“Đất vô chủ” và cuộc chiến không khoan nhượng

Thứ Sáu 10/02/2012 , 10:26 (GMT+7)

Trước sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền, trước thực trạng đất mặt biển ngày càng có giá khiến ở nhiều nơi xảy ra những cuộc chiến tranh giành vô cùng khốc liệt.

Ông Mạnh bên bãi triều đang tranh giành
Trước sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền, trước thực trạng đất mặt biển ngày càng có giá khiến ở nhiều nơi xảy ra những cuộc chiến tranh giành vô cùng khốc liệt.

Xã hội đen cũng ra biển “nuôi ngao”

Trong một cuộc trò chuyện với chúng tôi, một vị lãnh đạo huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã nói rằng: “Vùng bãi triều ven biển Nga Sơn mới phát triển, chưa có gì thu hoạch được cả nhưng tình hình đã phức tạp lắm rồi”. Sự phức tạp mà vị cán bộ này nói bắt đầu từ năm 2009, khi đất mặt biển ở Nga Sơn bắt đầu có thể nuôi ngao, bắt đầu có giá. Ban đầu chỉ là những tranh chấp về ranh giới. Cãi cọ, kiện cáo. Nhưng sự tranh chấp lên đỉnh điểm khi nhiều chủ đầm lôi kéo cả xã hội đen vào cuộc để tranh giành.

Trên thực tế, trong 1.000 ha đất mặt biển ven đảo Nẹ chỉ có khoảng 20 chủ đầm có hợp đồng với UBND huyện. Tuy nhiên số chủ đầm nuôi ngao có lúc lại lên tới hàng ngàn. Vài năm trước chỉ có mấy người dân địa phương đầu tiên ra khai hoang lấn biển, đến bây giờ dải đất này có đủ loại chủ đầm. Người địa phương khác kéo về, thậm chí nhiều ông là công chức nhà nước hẳn hoi cũng mạnh dạn lao vào thua đủ với con ngao. Biển sôi động, nhưng cũng bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn.

Vụ đầu tiên xẩy ra vào khoảng tháng 8/2011. Trên diện tích đất mặt biển ông Vũ Văn Mạnh đã thuê từ 3 năm trước đột nhiên xuất hiện thêm một bản hợp đồng của ông Trần Văn Nhân ở xóm 10, xã Nga Tiến do Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn Trần Ngọc Quyết ký. Nghịch lý ở chỗ, đất mặt biển ông Nhân được giao chính là nơi anh em ông Mạnh đã đầu tư không biết bao nhiêu công sức, tiền của từ nhiều năm nay.

 Người nào cũng bảo đất của mình có hợp đồng với huyện, thế là tranh chấp. Đấu tranh mãi cho đến tháng 10 năm ngoái, khi khu vực nuôi trồng của anh em nhà ông Mạnh bỗng xuất hiện đám người từ đâu đến hùng hùng hổ hổ dong thuyền “tuần tra”. “Họ sẵn sàng gây sự mỗi khi chúng tôi ra đầm. Đất của mình đầu tư bao năm nay tự nhiên trở thành đất người khác mà không làm gì được cả”. Ông Mạnh kể. Cũng từ đó, anh em ông chỉ biết làm đơn, hi vọng vào động thái của chính quyền chứ không dám đấu tranh tay đôi nữa.

Nhìn lại quá trình khai hoang lấn biển của những người dân Nga Sơn đầy rẫy những xót xa. Trước nay, các xã ven biển hầu hết đều nghèo. Thành ra công việc lấn biển khó gấp bội phần so với nhiều vùng quê khác. Một người đứng ra hợp đồng thuê đất với UBND huyện nhưng thực tế phải 5-6 người chung sức, chung tiền vào mới có thể cải tạo đất mặt nước để có thể nuôi ngao. Công sức, tiền của không tính xuể.

Vậy mà, đến hôm nay, công lao ấy bị đem ra thách thức, tranh giành. Chủ đầm cũ lấy công lao với biển để đấu tranh, chủ đầm mới dùng tiền, “chính sách mới” của huyện và thế lực xã hội đen để làm vũ khí.

Sau “phát súng” đấu tranh đòi quyền lợi của anh em nhà ông Mạnh, những người có công khai khẩn biển Nga Sơn cũng đứng lên. Họ làm đơn kêu gào mãi nhưng không được giải quyết bèn huy động hết anh em trong gia đình ra giữ đất. Trường hợp của mấy chủ đầm ở xóm 5, xã Nga Liên là một ví dụ.

Năm 2008, khi nghe loa đài truyền thanh của huyện kêu gọi người dân khai hoang lấn biển, 3 anh em gồm Trần Văn Đạo, Trần Văn Lượng, Nguyễn Tiến Dũng bèn làm đơn xin thuê 100 ha đất mặt nước để đầu tư nuôi ngao. Biết nghề nuôi ngao lắm rủi ro nhưng ở mảnh đất này không biết làm nghề gì khác nên họ quyết tâm cùng nhau bám biển. Chỉ riêng tiền đổ cát, mỗi ha nuôi ngao tốn 100 triệu đồng, tổng cộng tròn 10 tỷ đồng. Mỗi năm, dù chưa thu hoạch được gì thì 100 ha đất này cũng phải trích ra cho UBND huyện 150 triệu đồng tiền thuê đất.

 Chưa kể, hợp đồng của ba anh em nhà Đạo chính là những bản hợp đồng cuối cùng mà huyện Nga Sơn giao đất nên khu vực này muốn nuôi ngao được phải đầu tư thêm để cải tạo luồng lạch. Vay mượn ngân hàng, thế chấp nhà cửa, nhưng cũng phải đến năm ngoái số diện tích đất của họ mới có thể thả vụ đầu tiên. Công lao không kể hết. Trớ trêu thay vụ ngao đầu tiên thả xong cũng là lúc UBND huyện Nga Sơn tổ chức đo lại ao đầm. 100 ha trong 3 bản hợp đồng chỉ còn lại có 80 bởi 20 ha đã thuộc về một người khác ở Thành Công.

Hóa ra, giữa mênh mông sóng biển, hơn 3 năm trời anh em Đạo cải tạo biển cho người khác, đóng tiền thuế cho người khác… Để rồi đến thời điểm có thể bắt đầu nuôi ngao họ bị chính quyền cắt bớt mà chẳng hiểu vì sao.

 “Chỉ riêng tiền thuế cũng đã lấy mất của chúng tôi 30 triệu đồng. Đầu tư đổ cát vào tầm 20 tỷ nữa. Toàn tiền vay mượn cả mà thu hoạch thì chưa được bao nhiêu. Bây giờ tranh chấp không được thì chúng tôi chỉ có con đường chết thôi. Vì vậy cho dù có phải đổ máu thì chúng tôi vẫn phải đòi cho được quyền lợi của mình”. Đạo tuyên bố.

Quản lý lỏng lẻo

Chồng lấn diện tích, xẩy ra tranh chấp đặt vùng đất mặt nước nuôi ngao ở Nga Sơn trong thực trạng báo động. Trong lá đơn gửi tới chính quyền, nhiều chủ đầm đã cảnh báo “có thể mất an ninh trật tự do tranh chấp xẩy ra”. Nhưng đáp lại những mối lo ngại ấy chính quyền huyện Nga Sơn lại tiếp tục thể hiện sự “đơn giản hóa vấn đề”. Bởi như lời của ông Phạm Văn Thành, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Nga Sơn thì “tất cả đều do dân cả”.

Theo ông Thành, ranh giới không rõ ràng cũng do dân lấn chiếm. Tranh chấp nhau cũng vì dân bán qua bán lại diện tích nuôi trồng cho người này người khác mà ra. Vậy vai trò quản lý của huyện ở đâu? Ông Thành một mặt thừa nhận có sự lỏng lẻo trong khâu quản lý nhưng chưa có giải pháp nào thích hợp để giải quyết.

Để đánh giá những lời phát biểu của ông Trưởng phòng Nông nghiệp huyện chúng tôi xin lật lại vấn đề về quá trình khai hoang lấn biển của người dân Nga Sơn. Lật lại để thấy rằng, có nhiều thời điểm chính quyền huyện "quan tâm" đến mức diện tích đất mặt nước ven biển Nga Sơn chẳng khác nào đất vô chủ.

Bên cạnh “chính sách mới” tăng tiền thuê đất mặt biển từ 1,5 triệu đồng lên 15 triệu đồng/ha chính quyền huyện Nga Sơn cũng đã tổ chức đo đạc, quy hoạch lại diện tích nuôi ngao. Mặc dù vậy, vô số bất cập vẫn cứ nảy sinh như việc giao đất chồng lấn lên nhau. Mốc ranh giới không được quy định rõ ràng và thường xuyên bị xê dịch. Người có công khai hoang lấn biển bị thiệt thòi còn chủ đầm đến sau được thừa hưởng những thành quả đầu tư trước đó. Thậm chí có những người bỏ tiền tỷ mua cả chục ha chuẩn bị mang ngao giống ra thả thì mới phát hiện đất của mình đã được huyện giao cho người khác.

Sau khi đứng chủ hợp đồng và nhận được đất, ông Vũ Văn Mạnh phải huy động thêm 7 người nữa góp vốn vào để khai hoang phục hóa. Đó cũng đang là thời điểm rất khó xác định mốc ranh giới bởi đất bờ biển rộng mênh mông, tứ bề đều là nước. Đến nỗi diện tích được giao trong hợp đồng so với thực tế nhiều lúc chênh nhau đến cả chục ha cũng chẳng ai quan tâm. Chỉ đến lúc cát được đổ vào, ngao có thể sống, đất mặt nước có thời điểm được định giá 150 triệu đồng/ha thì việc phân chia mới được quan tâm.

 Nhưng ban đầu cũng chỉ có mấy chủ đầm quan tâm với nhau thôi chứ chính quyền gần như cũng không để ý đến. Phải đến lúc có đơn thư kiện cáo tranh chấp thì họ mới bắt đầu vào cuộc. Liên quan đến việc tranh chấp giữa nhóm anh em ông Mạnh và ông Nhân, trong một cuộc họp gồm các chủ vây cũng như Chủ tịch UBND các xã Nga Tân, Nga Liên, Nga Tiến, Nga Thủy, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn Bùi Đình Cam từng tuyên bố: Yêu cầu ban quản lý vùng triều không giao đất cho ông Nhân trùng lên diện tích đã giao cho ông Mạnh. Sau những tuyên bố ấy của ông Chủ tịch huyện, những chủ đầm như ông Mạnh khấp khởi lắm. Họ mừng vì công sức mình bỏ ra không bị người ta cướp trắng.

Vậy mà, niềm vui ấy cứ tàn lụi dần bởi: “Chúng tôi vẫn kiên trì chờ người ta thực hiện chỉ đạo của ông Chủ tịch huyện. Nhưng hình như “trên bảo dưới không nghe” hay sao ấy. Từ tháng mười năm ngoái đến nay chẳng thấy ai thực hiện cả. Tranh chấp thì vẫn tranh chấp thôi”. Ông Mạnh buồn rầu.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.