| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn NTM: Cần bao nhiêu cứ lấy đất nhà tôi!

Thứ Năm 08/05/2014 , 07:00 (GMT+7)

Điều đặc biệt ở chỗ, người phát ngôn ra câu nói đó lại là dân thường và hiến tới trên 300 m2 đất thổ cư (hương hỏa) theo giá thị trường lúc bấy giờ gần 2 tỉ đồng.

Câu nói nổi tiếng đó đã khích lệ cả phong trào hiến đất làm đường ở huyện Thạch Thất (Hà Nội). 

Hiến cả đất hương hỏa

“Bố ạ, thôn ta đang bàn chuyện mở đường, hiến đất nhưng ngặt nỗi khó quá, chẳng vận động được ai. Đường rộng người ta cũng thích nhưng nhận tiền đền bù họ còn thích hơn. Mở đường này là mở đường cho dân làng nên chẳng có tiền đền bù, nhiều đoàn của xã đi vận động thế mà chẳng lay chuyển được ai”.

Nghe con trai nói chuyện, ông cụ ngẫm nghĩ một hồi rồi gật gù: “Đường thôn ta vốn đã chật rồi, nếu thôn cần mở rộng thì bố nhất trí hiến cả mảnh đất hương hỏa nhà mình. Hiến bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào quy hoạch của đường cần thế nào”.

Ông Nguyễn Văn Quý ở thôn 5 (xã Tân Xã, huyện Thạch Thất) nuốt từng lời nói của bố mà như mở cờ ở trong bụng. Ông quá thấu hiểu nỗi khổ của việc đường không ra đường, ngõ không ra ngõ ở làng mình.

Tân Xã là vùng bán sơn địa với những con đường mòn chạy ngoằn nghèo vắt qua các khu đồi, các khu dân cư. Đường trong làng chỗ rộng được khoảng 1,5 m, chỗ hẹp chỉ 1 m đã thế lại dốc lên, dốc xuống, đất dính như kẹo mạch nha mỗi khi trời đổ mưa.

Hồi còn đánh trống, gõ kẻng thủa hợp tác xã người ta đã tính đến chuyện nắn, mở đường nhưng vận động mãi mà người dân không thuận, không theo.

Thế nên đến tận kỷ nguyên của Internet, của nhấp chuột, lướt mạng mà biết mọi ngóc ngách trên thế giới mà người Tân Xã vẫn phải gánh lúa chín rạn cả hai vai. Xe cải tiến không di chuyển nổi trên đường làng chứ chưa nói đến công nông, ô tô tải.

Con đường hẹp đến nỗi xây nhà, ô tô chỉ tập kết được vật liệu trước làng rồi phải tăng bo gánh gồng, kéo đẩy chi phí phụ trội cứ gọi là buốt buồn buột ruột gan. Con đường hẹp đến nỗi chẳng vừa cho một cái xe tang đi nên đám ma nào người làng cũng phải khiêng quan tài ra hết thôn mới được hạ xuống.

Khi thuyết phục được bố đồng ý hiến đất, ông Quý lại phải bàn với anh em chuyện này vì biết “hôn nhân, điền thổ vạn cố chi thù” (mâu thuẫn trong hôn nhân và đất đai là lâu dài nhất).

14-23-32_dsc_7229
Ông Nguyễn Văn Quý

Nhiều người tuy hiểu rõ lợi ích của việc mở đường nhưng vẫn xót như có muối xát vào lòng, vào dạ nếu phải hiến đất. Chẳng xót làm sao được khi mất đến ¼ diện tích hương hỏa của tổ tiên? Chẳng xót làm sao được khi mỗi mét đất có trị giá 5 - 6 triệu đồng?

Hồi ấy đất cứ gọi là sốt xình xịch, “cò đất” đảo quanh thôn, ngoài xóm hơn cả đảo ngô trong chảo. Trong cốp xe ô tô của họ luôn để sẵn hàng bao tải tiền, chỉ chờ cái gật đầu của gia chủ là sang tên, đổi chủ luôn. Lắm khi buổi sáng một giá, buổi chiều một giá, chênh lệch mua đi bán lại vài trăm triệu cũng là chuyện thường.

Đám đất trên 300 m2 hiến hồi ấy có giá trị ngót 2 tỉ đồng nhưng ông Quý vẫn quyết định phá bỏ tường bao, tự tay cầm dao chặt mấy cái cây xoan đã hòm hòm cho việc làm kèo, làm cột. Nhìn đám nhựa cây ứa ra, tiếc đứt ruột mà vẫn phải kìm lòng để mặt cứ nhẹ như không.

Noi gương ông Quý, trong xóm cũng có mấy chục người đăng ký hiến đất, người ít một vài mét, người nhiều cả trăm mét. Nhiều chủ đất tuy đã đăng ký rồi nhưng khi có tác động trong, tác động ngoài vào lại bị dao động xin thôi. Đảng ủy, Ủy ban, Mặt trận Tổ quốc xã tổ chức đến vận động thì chồng đổ cho vợ, vợ đổ cho chồng, chẳng ai chịu nhận.

Thế bí trong việc mở đường lại tiếp tục. Sốt ruột quá, chẳng ai cử nhưng ông Quý vẫn đi đến từng nhà để thuyết phục: “Mình hiến đất là vì thôn, vì xóm nhưng gia đình mình là những người được hưởng lợi đầu tiên. Đường rộng, ngõ thoáng ngay mặt nhà ai cũng thích? Nhiều hộ trong làng đã hiến đất rồi, có người hiến rất nhiều mà họ vẫn vui vẻ nữa kia. Thôi thì cô, chú cứ bàn nhau rồi quyết đi nhé”.

“Tôi mong rằng ở nơi nào đó chưa có sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền trong những công việc chung thì bà con nên nhận thức sâu sắc hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với lợi ích chung, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp...

Đường làng ngõ xóm được khang trang, rộng rãi góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đó là sự đóng góp vô tư của tất cả mọi người, gia đình tôi cũng chỉ là một trong số đó” - lời ông
Nguyễn Văn Quý.

Gay go nhất là một hộ cứ khăng khăng không chịu hiến đất. Con đường cả thôn đã đổ xong nhưng cái cống thoát nước chỉ lấn vào đất nhà ông có 20 cm vẫn không thể thi công. Nào Bí thư, nào Trưởng thôn đến vận động nát nước nát cái mà ông ta vẫn lắc đầu.

Chẳng hiểu ông Quý nói năng thế nào mà làm cho chủ đất lưỡng lự nước đôi rằng: “Ông cứ để cho tôi vài ngày suy nghĩ, bàn bạc”. Giữ đúng lời hứa, mấy hôm sau đích thân chủ nhà tự tay cầm xà beng ra đập bỏ tường bao. Hai năm sau khi có con đường chạy qua thôn 5, những mét cống thoát nước cuối cùng mới được hoàn thành.

Khi lòng dân được khích lệ

Giờ đây ai vào làng cũng nắc nỏm khen về con đường rộng, chẳng kém gì trên phố. Ô tô tiến hay lùi đều thoải mái chở nông sản hay vật liệu xây dựng đi lại cứ gọi là trơn vo vo. Lòng dân được khích lệ. Đường lớn mở ra trước mắt họ vô vàn ích lợi. Xóm này đua xóm kia. Làng này ganh làng nọ.

Từ điển hình của ông Nguyễn Văn Quý hiến đất đã lan ra toàn Tân Xã với 370 hộ dân hiến theo, tổng số trên 11.000 m2. Đáng quý ở chỗ hầu hết trong số ấy hiến đều là đất thổ cư, rất có giá trị.

Trên quy mô toàn huyện, tính đến nay Thạch Thất đã huy động được 3.677 tỉ đồng từ nhiều nguồn, ngoài vốn ngân sách nhà nước còn có vốn DN (980 tỉ đồng), người dân (603 tỉ đồng trong đó có 181.239 ngày công) đóng góp.

Riêng về phong trào hiến đất, hàng loạt địa phương đã noi gương Tân Xã để tuyên truyền, vận động người dân nắn những con đường cong, mở rộng những con đường hẹp. Tiêu biểu phải kể đến như bà Đinh Thị Tình ở xã Tiến Xuân hiến 770 m2 đất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Thiện ở xã Cần Kiệm hiến 225 m2, ông Bùi Văn Trưởng hiến 375 m2…

NTM không như ai nói, đó là chuyện của một phong trào chính trị bởi người dân nhận thức ra đó chính là làm cho bản thân họ, làng xóm họ, quê hương họ. Độ đồng thuận cao nên đến hết năm 2013 toàn huyện Thạch Thất đã có 6 xã đạt tiêu chí NTM (từ 96 - 98 điểm), 16 xã đạt từ 12 - 16 tiêu chí. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người từ 17,5 triệu đồng năm 2010 tăng lên 25 triệu đồng…

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.