| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn NTM: Ở nơi không kêu khó

Thứ Hai 28/04/2014 , 06:42 (GMT+7)

Trong khi nhiều địa phương đang kêu khó trong xây dựng NTM thì lãnh đạo huyện Nam Đông, tỉnh TT-Huế lại khẳng định việc xây dựng NTM ở địa phương không mấy khó khăn.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 90 xã xây dựng NTM. Sau 3 năm triển khai chương trình, đã có 2 xã Hương Giang và Hương Hòa (huyện Nam Đông) cán đích NTM vào cuối năm 2013 (hoàn thành trước 2 năm so với mục tiêu). Theo ông Ngô Văn Chiến (ảnh), Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, thì việc xây dựng NTM ở địa phương không mấy khó khăn.

17-14-56_ong-ngo-vn-chien-chu-tich-ubnd-huyen-nm-dong

Trong khi nhiều địa phương đang kêu khó trong xây dựng NTM thì chúng tôi thấy lạ trước cụm từ "không mấy khó khăn" của ông Chiến. Từ đây, chúng tôi tìm hiểu để cắt nghĩa xem thực tế đó như thế nào. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là Nam Đông làm NTM không chạy đua phong trào, thành tích.

Chọn cái dân biết để làm

Là huyện miền núi với 43% đồng bào dân tộc ít người thì việc dùng các biện pháp hành chính, hô hào sẽ khó khả thi. Giải pháp mà huyện Nam Đông đưa ra là động viên, cầm tay chỉ việc và trực tiếp làm để đồng bào làm theo.

Trên địa bàn có 6 xã đặc biệt khó khăn, Huyện ủy, UBND huyện đã thành lập 6 Ban Chỉ đạo gồm những người có chuyên môn, hiểu tập quán để có thể “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào. Trong đó, chủ yếu điều động các cán bộ lĩnh vực nông nghiệp. Huyện đã bố trí mỗi xã 2 cán bộ khuyến nông. Trên cơ sở rà soát của các Ban Chỉ đạo, huyện quyết định lựa chọn mô hình làm điểm.

Tất cả bắt đầu từ cái ăn, cái mặc. Lựa chọn địa bàn nào có lợi thế cái gì thì tập trung vào việc đó. Chẳng hạn như phát triển trồng chuối, trồng cau và nuôi gà. Những thứ đó, phần lớn người dân đều làm được. Còn bài toán tăng giá trị và tính đầu ra cho sản phẩm thì việc đó, theo ông Chủ tịch huyện, không ai khác, chính quyền phải làm cho dân.

Từ chỗ chưa đầy 100 vườn chuối, người dân trồng ra chỉ để ăn, đến nay toàn huyện đã có hơn 200 vườn chuối với doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Để có được kết quả này, UBND huyện đã nhờ Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) vào hỗ trợ kỹ thuật. Từ đó, chuối đều chín vào dịp trung tuần tháng 12 để đồng bào bán được giá vào dịp Tết Nguyên đán. Ngày trước, buồng chuối chỉ bán được 1 - 2 trăm ngàn đồng thì nay đã bán được 3 - 5 trăm ngàn đồng.

Cuối năm 2012, Nam Đông được chuyển 45 ha đất lúa sang trồng ngô, đến nay toàn huyện có 198 ha SX ngô. Lý do lựa chọn trồng ngô, theo lãnh đạo huyện Nam Đông là vì các vùng đó khó chủ động được nguồn nước.

“Làm 2 vụ lúa tốt chỉ được 50 triệu đồng/ha còn ngô được 100 triệu đồng. Thế thì tại sao không trồng ngô? Giá bán cao bởi vì chi phí đầu tư không nhiều bằng lúa. Đặc biệt, với việc phát triển chương trình nuôi gà trên địa bàn đã góp phần nâng cao giá trị của ngô. Chúng tôi lấy ngô làm thức ăn cho gà. Thức ăn của gà là ngô, không dùng các loại thức ăn công nghiệp. Cho nên gà Nam Đông trở thành đặc sản. Giá bán tại địa phương ở mức 150.000đ/kg, đưa về TP. Huế bán 300.000đ/kg”, Chủ tịch huyện Nam Đông khoe.

Không có lao động thất nghiệp

Từ những việc nhỏ như thế, dần dần đời sống của người dân được nâng lên cao. Cái ăn đã đủ, cái mặc đã sang, nhận thấy nhiều hộ dân có khát vọng đổi đời bằng chính nguồn lực hiện có như đất rừng, đồi hoang, vậy nên cán bộ huyện đã "tầm sư học đạo", tìm kiếm các loại cây thực sự phù hợp với vùng đất, khí hậu của địa bàn để đưa vào cho người dân trồng.

Đến nay toàn huyện đã có 3.538 ha cao su. Hiện số cao su đã cho khai thác là 2.100 ha, đạt sản lượng khoảng 7.000 tấn quy khô. Nếu vụ nào được giá cũng đạt trên 100 tỷ, còn như hai năm lại nay đạt xấp xỉ 80 tỷ đồng. Ngoài ra toàn huyện có 4.000 ha keo và nhiều loại cây trồng khác.

17-14-56_ong-don-trong-phuc-ben-phi-dng-kiem-tr-rung-keo-cu-gi-dinh
Anh Đoàn Trọng Phúc (bên phải) đang kiểm tra rừng keo của gia đình

Nhiều địa phương đang đến Nam Đông học tập xây dựng NTM. Cách mà Nam Đông làm là gắn kết giữa đồng bào dân tộc ít người với đồng bào Kinh. “Chúng tôi đã có một khảo sát và đánh giá trên cơ sở khoa học rằng, ở đồng bào dân tộc ít người vốn dĩ họ không có tích lũy nhưng sống rất cộng đồng. Từ thực tế đó, đặt ra cho chúng tôi bài toàn là phải gắn kết các đồng bào lại với nhau để có sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là chia sẻ kinh nghiệm và tập tục văn hóa”, ông Ngô Văn Chiến đúc kết.

Tiếp xúc với những người nông dân ở Nam Đông, chúng tôi nhận thấy họ có một khát khao làm giàu cháy bỏng. Họ đã mạnh dạn biến đồi hoang thành những cánh rừng xanh trù phú. Chẳng hạn như anh Hồ Văn Nha  ở thôn 2 xã Thương Quảng và anh Đoàn Trọng Phúc ở thôn 3 xã Hương Lộc.

Ngoài 3 ha cao su đã cho thu hoạch tiền tỷ mấy năm nay thì cuối năm ngoái 2 ha keo mà anh Nha mới nhận cũng đã cho thu hoạch. Anh Nha bảo, làm lúa chân lấm, tay bùn, quần quật mãi mà chẳng đủ ăn. Nay trồng rừng thấy thu nhập khá nên vui sướng lắm. Có điều kiện cho con cái học hành. Đứa con lớn của anh hiện đang học đại học.

Còn anh Phúc thì lựa chọn trồng keo trước rồi mới trồng cao su sau. Cách mà anh Phúc làm đến nay đã có hàng ngàn người dân đến học tập làm theo. Từ chỗ chỉ có 7 ha keo đến nay anh đã làm chủ 50 ha rừng keo.

Trồng keo cứ 4 - 5 năm cho thu hoạch một lứa. Vì gối vụ nên năm nào anh Phúc cũng có keo để bán. Anh bảo, cứ 10 ha keo thu hoạch cho lãi ròng 300 triệu đồng. Cùng với keo, anh Phúc có 4 ha cao su đã cho khai thác 3 năm nay. Ngoài ra, anh còn trồng được 2.000 cây gió trầm. Riêng năm nay, anh Phúc sẽ trồng 500 cây kền kền trong kế hoạch trồng 2.000 cây đến năm 2016.

“Trồng keo để lấy tiền tiêu, trồng cao su để tích lũy, còn trồng kền kền mới là giàu sang. Tôi nhận thấy mình đang đầu tư đúng hướng”, anh Phúc nói. Cuối năm ngoái, anh đã mua được chiếc xe ô tô trị giá 1 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Phúc còn giải quyết việc làm cho 20 lao động trong xã với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Tại địa phương có nhiều việc để làm nên người dân Nam Đông không ly hương, không có lao động thất nghiệp. Vài năm trở lại đây nhiều lao động ở thị thành dần rút về quê để làm ăn.

Theo ông Ngô Văn Chiến thì toàn huyện có 13.000 lao động. Cứ 1 ha cao su hoặc keo thì có 1 lao động. Ngoài 8.000 ha keo và cao su, toàn huyện còn có hơn 5.000 ha các loại cây trồng khác. Việc thu hoạch 2.100 ha cao su và hàng ngàn ha keo gối vụ quanh năm đã giải quyết căn bản việc làm cho lao động địa phương.

Trong lần gần đây về thăm và làm việc ở tỉnh TT – Huế, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đến kiểm tra việc xây dựng NTM ở huyện Nam Đông. Sau khi thị sát địa bàn, tiếp xúc với người dân, tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của huyện, Phó Thủ tướng kết luận: Nam Đông đừng đề xuất xin Chính phủ gì nữa. Thế này là cơ bản, tốt lắm rồi. Để dành kinh phí cho các nơi khó khăn như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên...

Trong khi tiếp xúc với người dân, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh có hỏi một ông cụ 81 tuổi rằng, hằng năm người dân có phải đóng góp gì cho xã không? Ông cụ đáp, không phải đóng góp gì nữa vì điện, đường, trường, trạm đều đã được xây dựng kiên cố, khang trang cả rồi. Tuy vậy, nếu Nhà nước có vận động đóng góp để xây dựng quê hương thì một vài triệu đồng chúng tôi luôn sẵn sàng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm