| Hotline: 0983.970.780

Đau đầu chất lượng tôm giống

Thứ Sáu 29/08/2008 , 08:45 (GMT+7)

Giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá tôm giảm mạnh, tình hình dịch bệnh có chiều hướng phát triển đã đẩy người nuôi tôm phải đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất... Trong thời điểm hiện nay, họ rất cần có con giống tốt!

Giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá tôm giảm mạnh, tình hình dịch bệnh trên tôm đang có chiều hướng phát triển đã đẩy người nuôi tôm cùng lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất...Trong thời điểm hiện nay, người nuôi tôm rất cần có con giống tốt!

Tính đến ngày 22/8 sản lượng thu hoạch tôm của cả nước đạt 197.241 tấn, trong đó tôm sú chiếm phần lớn đạt 168.234 tấn và sản lượng tôm chân trắng chỉ khoảng 29.007 tấn. Tuy nhiên, giá tôm sú năm nay giảm trung bình từ 20- 30.000/kg so với năm 2007 trong khi giá TĂCN tăng đến 80% khiến người nuôi tôm các tỉnh ven biển  lao đao. Khó khăn không chỉ dừng lại ở đó, năm nay nhiều tỉnh bị tổn thất nặng nề do tôm sú và tôm thẻ chân trắng bị nhiễm virus đốm trắng và bệnh lây lan trên diện rộng.

Dịch bệnh khiến tỉnh Cà Mau mất đến 47.470 ha , Sóc Trăng 9.000 ha, Trà Vinh mất trên 10.000 ha, Bạc Liêu 7.719 ha… tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại trên cả nước lên tới 75.723 ha. Để hỗ trợ cho người nuôi tôm và duy trì sản xuất nuôi trồng thuỷ sản ổn định, ngày 28/8 Bộ NN- PTNT đã tổ chức họp bàn với lãnh đạo Sở NN- PTNT, Sở Thuỷ sản các tỉnh ven biển tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Theo các địa phương, bệnh do virus đốm trắng trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng là bệnh xảy ra phổ biến và gây chết tôm nhiều nhất nhưng hiện nay chưa có thuốc hay liệu pháp phòng trị bệnh này hiệu quả. Bên cạnh đó, kĩ thuật nuôi, công tác kiểm soát, phòng dịch trong nuôi trồng thuỷ sản, cũng như công tác kiểm soát chất lượng con giống còn rất nhiều vướng mắc, nguy cơ rủi ro luôn thường trực và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Cụ thể thứ nhất, phần lớn lượng giống tôm của ta được nhập vào qua các con đường tiểu ngạch, không qua kiểm dịch, không được thẩm định chất lượng. Tại Quảng Ninh, số lượng con giống tôm nhập khoảng 478 triệu nhưng nếu qua kiểm dịch chỉ chiếm từ 5-7%. Đặc biệt tại khu vực TX Móng Cái và các huyện miền Đông của tỉnh người dân chủ yếu nuôi tôm giống nhập lậu từ TQ vì giá giống rẻ, lại được nợ tiền giống, nợ tiền thức ăn…Khu vực miền Trung cũng được đánh giá là thị trường nhập lậu con giống sôi động. Thống kê từ một số doanh nghiệp đầu mối lớn từ đầu năm đến nay nhập khoảng 7500 cặp giống bố mẹ của Mĩ, Thái Lan với giá chỉ 25 USD/cặp. Vậy nhưng, trung bình 2 tháng năng suất mỗi cặp đẻ được 1,7 triệu con. Số liệu trên cho thấy một nguồn cung giống khổng lồ từ thị trường này…mà vấn đề kiểm định chất lượng bố mẹ đang bị bỏ ngỏ.

Thứ hai, việc dập dịch đang gặp khó khăn vì Nhà nước chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ rủi ro cho người dân nuôi tôm. Vì vậy, khi phát hiện đầm tôm bị bệnh, nếu tôm đã đủ độ tuổi khai thác các chủ đầm tôm tiếc của sẵn sàng xả nước, khai thác bán tháo khiến dịch bệnh lây lan rộng hơn. Thứ ba, môi trường và kĩ thuật nuôi tôm của người dân cũng là vấn đề bức xúc cần được cải thiện. Do môi trường vùng nuôi tôm lâu năm đã bị suy thoái, các sản phẩm thải của tôm tích tụ lâu ngày tiềm ẩn dưới nền đáy kèm theo rất nhiều vi sinh vật gây bệnh, người dân ở một số địa phương thì nóng vội không tuân thủ thời vụ nuôi, thả giống sớm nên tôm bị yếu, sốc môi trường dễ nhiễm bệnh và chết.

Bàn về giải pháp khắc phục ông Nguyễn Văn Khởi, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho rằng cần phải nhanh chóng thắt chặt quản lý kiểm soát chất lượng giống cũng như chính sách hỗ trợ rủi ro cho người nuôi tôm. Nếu không kiểm soát được dịch bệnh và định hướng, chính sách tốt thì chỉ trong thời gian ngắn nữa diện tích nuôi tôm sẽ giảm vì người nuôi tôm không có lợi nhuận. Trên thực tế, ở một số địa phương người nuôi tôm đang mang nợ lớn. Vừa qua, tỉnh TT- Huế cũng đã phải chuyển đổi hơn 600 ha nuôi tôm không hiệu quả sang nuôi trồng giống khác.

Lắng nghe ý kiến đóng góp từ các địa phương và chia sẻ khó khăn với người nuôi tôm, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Nguyễn Việt Thắng cho biết, hiện Chính phủ đã có chủ trương xây dựng phương án hỗ trợ cho các diện tích nuôi tôm bị rủi ro. Bộ đã giao Cục Nuôi trồng thuỷ sản nghiên cứu xây dựng phương án theo đó, sau khi được Chính phủ phê duyệt những diện tích nuôi tôm thiệt hại sẽ được hỗ trợ khoảng 50%.

Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh công tác quản lý chất lượng giống, Cục phải kiểm soát được chất lượng giống đầu vào của các Trung tâm giống, cần làm lại tiêu chuẩn chất lượng cho con giống vì tiêu chuẩn chất lượng cũ hiện nay đã không phù hợp đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y cùng các địa phương trong kiểm dịch, kiểm soát giống nhập lậu. Hôm nay, ngày 29/8 Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng sẽ đi thị sát tình hình nhập lậu giống tôm tại Quảng Ninh.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.