| Hotline: 0983.970.780

Đau đầu mua xe chạy phí

Thứ Hai 27/12/2010 , 15:26 (GMT+7)

Không ít người đứng chơi vơi trong tình trạng: Không biết nên mua xe lúc này hay để đến sang năm.

Hý hửng vì thuế nhập khẩu giảm, nhiều người chờ qua thời điểm 1/1/2011 mới mua xe. Đùng một cái có thông tin phí trước bạ có thể lên mức kịch trần 20%, phí cấp biển số cũng tăng tới 10 lần, áp dụng cùng thời điểm.

Khách hàng hối hả lo mua xe trong bối cảnh càng gần đến Tết lãi suất ngân hàng cho vay giữ ở mức cực cao. Không ít người đứng chơi vơi trong tình trạng: Không biết nên mua xe lúc này hay để đến sang năm.

Chị Hà ở Đống Đa, Hà Nội kể, hai vợ chồng chị có kế hoạch mua xe để kịp đi chơi Tết. Sau khi chạy ngược chạy xuôi gom đủ số tiền 63.000 USD để mua chiếc xe nhập khẩu, lẽ ra chị có thể mua ngay từ tháng 11. Thế nhưng, do có thông tin thuế nhập khẩu ôtô giảm từ 80% xuống còn 77%, chị quyết định chờ.

Sở hữu xe hơi vẫn là niềm mơ ước của đại bộ phận người tiêu dùng Việt

Vẫn đi khảo sát giá, tuy nhiên thay vì nhận xe ngay trong tháng 12, chị quyết định sau ngày 1/1/2011 mới thương thảo hợp đồng. Thời điểm này, theo quy định mới của Bộ Tài chính, thuế các dòng xe nhập khẩu giảm phổ biến từ mức 83% xuống 82%, hoặc từ 80% xuống 77%...

Thế nhưng, mấy hôm nay chị Hà canh cánh nỗi lo các loại phí sẽ tăng vào đầu năm tới. Bởi Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư cho phép tăng phí cấp biển số xe từ 2 triệu đồng nên mức 20 triệu đồng. Chưa hết, cơ quan này còn đang trình Chính phủ phương án tăng phí trước bạ từ mức 10-15% lên 15-20%. Còn Tổng cục Hải quan lại chuẩn bị áp dụng biểu giá tính thuế mới đối với các loại xe nhập khẩu.

“Lâu nay, thuế phí cứ tăng đột ngột và khó dự đoán. Có thời điểm Bộ Tài chính nói không tăng thuế, đùng một cái hầu hết các loại thuế và phí được điều chỉnh", chị Hà cho biết.

Theo nhẩm tính của chị Hà, chiếc Camry 2.4 nhập khẩu có giá dao động 62.000-63.000 USD. Nếu áp dụng theo biểu thuế nhập khẩu mới có hiệu lực thi hành từ 1/1/2011, giá chiếc Camry này giảm khoảng 297 USD. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo biểu giá tính thuế mới, mỗi chiếc xe này bị đội lên khoảng 2.020 USD. Ngoài ra, nếu phí trước bạ lên mức kịch trần 20%, chiếc xe này sẽ gánh thêm ít nhất 40 triệu đồng. Chưa kể, với phí cấp biển số mới do Bộ Tài chính ban hành, mỗi chiếc xe, người mua có thể phải trả thêm khoảng 18 triệu đồng nữa.

"Người thì khuyên tôi nên mua xe ngay, số khác lại bảo cứ chờ sau ngày 1/1/2011. Nói thật, giữa cái nên và không nên, tôi rơi vào trạng thái rối bời", chị Hà nói.

Anh Xuân - nhân viên công ty viễn thông lớn ở Hà Nội mấy ngày nay cũng khổ vì bà xã giục mua xe, với nỗi lo các loại phí sắp tăng. Vừa mua nhà cách đây vài tháng, nợ vừa trả xong, anh Xuân chỉ còn rất ít tiền trong tài khoản. Do vậy, để có tiền mua xe, anh buộc phải tìm đến ngân hàng để vay tiền theo hình thức trả góp. Ngân hàng chấp nhận cho anh vay 70% trên giá trị xe, với lãi suất 20% một năm.

"Nói thật, tôi đang rơi vào trạng thái không biết tính toán thế nào. Nếu mua ngay và phải vay ngân hàng thì lãi suất 20% bị xem là 'cắt cổ', còn nếu chờ đủ tiền để mua phải đến sang năm. Khi ấy, các loại phí mà tăng lên thì số tiền bị đội thêm cũng lên tới cả trăm triệu đồng", anh Xuân nói.

Trào lưu mua xe chạy phí rộ lên trong mấy ngày qua khi Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn cho phép hai thành phố lớn gồm Hà Nội, TP HCM được tăng phí cấp biển xe mới lên 20 triệu đồng, thay cho mức 2 triệu đồng. Trước đó vài tuần, cơ quan này cũng gửi văn bản xin ý kiến các bộ ngành về việc tăng phí trước bạ từ mức 10-15% lên 15-20%.

Thị trường xe ngoại bỗng thoát cảnh chợ chiều khi những người có tư tưởng chưa vội mua xe để chờ đến ngày 1/1/2011 - thuế nhập khẩu mới có hiệu lực, bỗng quay trở lại showroom. Chủ một hãng kinh doanh xe hơi có tiếng tại TP HCM cho hay trong 2 ngày cuối tuần, lượng khách đến salon ôtô tăng gần gấp đôi so với bình thường. Tuy nhiên, do các thông tin liên quan đến việc tăng phí chưa rõ ràng nên người tiêu dùng vẫn rất hoài nghi. Họ đến chủ yếu thăm dò và tìm hiểu thông tin chứ chưa ký hợp đồng.

"Tôi cho rằng phải sau ngày Mùng 3 Tây, sau khi bà con đi nghỉ Tết Dương lịch về, thị trường ôtô mới thực sự sôi động", chủ doanh nghiệp này nói.

Theo ông, chưa năm nào thị trường ôtô lại chịu nhiều xáo động như dịp cuối năm 2010. Thông thường, các tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu mua xe cao nhất. "Thế nhưng, thị trường chưa kịp khởi sắc thì việc thuế giảm lại khiến sức mua giảm thê thảm", ông này nói.

Chủ một salon ôtô tại Hà Nội thì cho rằng: Các nhà nhập khẩu xe hơi thời gian qua cứ kinh doanh theo kiểu ăn đong - sống hôm nay mà chẳng biết ngày mai. Thuế thì chẳng biết khi nào tăng khi nào hạ, cứ bất thình lình lên - rồi cũng đùng đùng giảm xuống. Và trong mỗi lần điều chỉnh chính sách ấy không chỉ người tiêu dùng mà khối doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh "khóc dở mếu dở" khi đưa hàng ồ ạt về thị trường mà thuế không chịu lên. Hoặc ngược lại hý hửng chờ thị trường khởi sắc thì việc thuế giảm khiến khách hàng cũng chẳng chịu đến salon mà chờ thời điểm thuế có hiệu lực.

Giới kinh doanh ôtô cho rằng cuối năm không chỉ người tiêu dùng có nhu cầu mua xe mà các salon cũng mong bán được hàng. Do vậy, nhiều showroom đang treo biển giảm giá hoặc hỗ trợ phí trước bạ, thủ tục đăng ký xe. Các thủ tục mua bán cũng được đại lý cửa hàng tư vấn và hỗ trợ một cách tối đa nhất.

Theo nhân viên SeaBank, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, rất nhiều người tìm đến ngân hàng này để nhờ tư vấn mua ôtô theo hình thức trả góp. Đúng là vào cuối năm, lãi suất cao và thủ tục cũng không đơn giản hơn bình thường.

Thông thường, vay tiền mua xe trả góp tại các ngân hàng vào thời điểm này, khách hàng phải trả lãi suất dao động 18-20%.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm