| Hotline: 0983.970.780

Đau đáu vùng cao Kỳ Sơn, bán bò học đại học, về lại... chăn bò

Thứ Ba 02/08/2016 , 15:01 (GMT+7)

Trở lại câu chuyện với ông Lỳ Giống Dìa, ông bảo, tìm đâu xa, hai con trai ông toàn tốt nghiệp cử nhân sư phạm giờ cũng ở nhà thả dê, chăn bò. Số nợ ngân hàng nuôi con ăn học lên tới 200 triệu. Con ra trường đã mấy năm, số nợ mới trả được một nửa...

Kỳ Sơn (Nghệ An), một mảnh đất mà chỉ cần nghe cái tên cũng đủ cảm nhận sự xa xôi, cách trở. Lần đầu đặt chân, tôi kỳ vọng sẽ tìm thấy những cuộc đời tươi sáng, cuộc sống ấm no. Nhưng, cho tới khi rời đi, trong tôi chỉ đọng lại sự ám ảnh, một nỗi đau đáu.

Giữa muôn trùng mây, nơi vách đá cheo leo lạnh ngắt trên cao là những bản của người Mông ở Kỳ Sơn. Nơi đó, khi hơi sương còn đặc quánh đã có những bàn chân nhỏ bé rời bản tìm con chữ. 80 cây số là quãng đường nhiều học sinh từ xã Keng Đu đi bộ xuống thị trấn Mường Xén học trường nội trú. Có nơi khó khăn như xã Đoọc Mạy, không có trường học, học sinh phải băng rừng, vượt núi 20 cây số tới lớp “gặt” con chữ.

Nghèo cũng phải học

Để biết cái sự học ở Kỳ Sơn gian nan thế nào, chỉ còn cách lên đường và tự cảm nhận. Xách ba lô về xã Đoọc Mạy, chúng tôi chỉ phải hỏi đường một lần duy nhất tại bản trung tâm, ngã ba xã Huồi Tụ. Theo con đường độc đạo, vượt qua xã Na Loi với bụi mù đất đỏ, nắng vừa tới đỉnh đầu, chúng tôi tới được trụ sở UBND xã Đoọc Mạy.

09-57-21_5
Đường vào bản Noọng Hán xa xôi, hiểm trở

 

Vì các bản đều nằm xa trung tâm, hầu hết cán bộ xã đều nghỉ lại để chiều làm việc tiếp. Mở đầu câu chuyện, ông Già Nỏ Chống, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết, đất đai ở Đoọc Mạy được phân chia thành 6 bản, tương ứng với 6 dòng họ với 100% là đồng bào người Mông. Một bản do chưa có đường vào, học sinh phải đi tắt qua núi sang học nhờ ở xã Huồi Tụ. 5 bản còn lại, toàn bộ học sinh phải đi học ghép tận dưới xã Na Loi. Bản xa nhất đi bộ cách trường 20 cây số.

Hỏi về cái sự học ở Đoọc Mạy, ông Lỳ Giống Dìa, Chủ tịch UBND xã đầy tự hào cho biết, 100% các cháu trong độ tuổi đi học đều đến trường đầy đủ. Theo ông Dìa, trước đây, Đoọc Mạy cũng có một điểm trường, nhưng do ít học sinh, huyện quyết định ghép chung với xã Na Loi.

09-57-21_1
Những đứa trẻ ở bản Noọng Hán luôn vượt lên khó khăn tìm lấy con chữ

 

Ngày đầu học ghép, nhiều gia đình phản đối, không cho con cái đi bộ xuống trường vì quá xa xôi, đường đi lại hiểm trở. Thế là cả cán bộ xã, giáo viên tập hợp nhau lại, xuống từng thôn bản, vào từng hộ dân vận động.

“Nói mãi rồi họ cũng xuôi, dù rằng để các cháu đi bộ 20 cây số đường rừng xuống trường là nguy hiểm, nhưng chẳng lẽ bỏ học? Mà quyết định học ghép ban rồi, xã phải chấp hành thôi”, ông Dìa tâm sự.

Sau bữa trưa chớp nhoáng với một cái bánh mì và hộp sữa đậu nành, chúng tôi vào bản Noọng Hán - nơi có tiếng là hiếu học nhất xã Đoọc Mạy. Đường vào Noọng Hán cao vời vợi, một bên núi đá cheo leo, một bên là vực thẳm. Ngay cả người dân ở Noọng Hán, nếu phải đi xe máy ra trung tâm cũng phải một người đẩy, một người vít ga chứ chẳng thể ngồi chung. Một nơi 4 không “điện đường trường trạm” theo đúng nghĩa.

Trưởng bản Noọng Hán Lỳ Chìa Chư thấy có khách vội thay quần áo rồi rót nước. Cái nhất ở Noọng Hán là có số học sinh theo học các cấp, kể cả đại học, cao đẳng nhiều nhất xã Đoọc Mạy. Ông Chư nhẩm tỉnh, toàn bản có 30 em đang theo học trường bán trú dưới xã Na Loi. Rồi mỗi năm, có khoảng 15 - 16 em thi đỗ vào trường dân tộc nội trú ở thị trấn Mường Xén. Số đang theo học đại học, cao đẳng gần chục em.

Anh Lỳ Nỏ Mỳ (SN 1976) có 6 người con, 1 đang học cấp 3 Mường Xén, 2 con (lớp 6 và 9) học bán trú ở Na Loi. Gia đình Mỳ thuộc hộ nghèo, mỗi năm một vụ lúa, được gần 50 bao thóc, chỉ đủ ăn. Nhưng không vì thế, hai cô con gái Lỳ Y Hoa và Lỳ Y Pâu phải bỏ học. Đầu tuần, Y Hoa và Y Pâu đều đi bộ từ nhà xuống Na Loi để học. Sau bữa sáng, hai em đi bộ một mạch tới trường thì vừa tối.

09-57-21_3
Anh Lỳ Nỏ Mỳ bảo dù có nghèo đói vẫn phải nuôi các con ăn học

 

Tôi hỏi Mỳ, liệu anh có cho các cháu học tiếp không? Nhìn chăm chăm vào bếp lửa, Mỳ thủng thẳng, chúng nó có khả năng học, chắc xét tuyển thì vẫn được học ở cấp 3 Mường Xén. Thời gian đầu học ghép, chúng kêu xa quá xin bỏ học, bố mẹ phải động viên mãi. Thỉnh thoảng nhớ quá, vợ chồng Mỳ lại rủ nhau xuống thăm con gái.

Để nuôi con ăn học, Mỳ đi vay 20 triệu, mua một con bò giống. Dự định, cuối năm bò đẻ thì bán đi dành tiền nhập học cho cậu con trai Lỳ Bá Phe. Phe vừa đi nương về ngồi bệt bên bếp củi. “Em vừa thi xong, đang chờ xét tốt nghiệp cấp 3. Em không muốn học đại học nữa đâu. Gia đình khó khăn quá, chắc em về nhà làm nương, nuôi bò giúp bố mẹ thôi”, Phe nói giọng buồn buồn.

Bán bò học đại học, về lại... chăn bò

Trời nhá nhem tối, ông Lỳ Lềnh Chư, 62 tuổi đứng thẫn thờ nhìn về phía dãy núi trước nhà. Con trai ông Chư là Lỳ Bá Dê (SN 1989), cử nhân sư phạm Địa, Đại học Tây Bắc, tốt nghiệp năm 2011. Dê từng là một tấm gương sáng về sự hiếu học ở bản Noọng Hán. Suốt những năm tháng nuôi con ăn học, dù thuộc diện được giảm 50% học phí, ông Chư vẫn không nhớ nổi phải bán bao nhiêu con gà, bao nhiêu con lợn, mấy con bò… Mỗi tháng, ông gom góp gửi cho con từ 3 - 4 triệu. Rồi năm cuối, Dê đi thực tập ở cơ sở, ông Chư lại oằn mình “bắt tép nuôi cò”.

09-57-21_2
Ông Lỳ Lềnh Chư có con trai tốt nghiệp đại học nhưng phải ở nhà nuôi bò

 

Ra trường, Dê cầm tấm bằng đi nhiều nơi xin việc nhưng đều vô vọng. Năm 2012, anh xin vào dạy hợp đồng tại trường cấp 2 xã Mường Lống (cùng huyện Kỳ Sơn), mức lương 2,9 triệu/tháng. Đường sá xa xôi, buộc Dê phải thuê nhà trọ. Mức lương anh thầy giáo bản không đủ sống, Dê đành xin nghỉ việc.

“Giờ thì nó ở nhà làm nương rẫy. Hết mùa vụ thì đi chăn bò, nuôi gà phụ giúp gia đình. Năm nay nó cũng gần 30 tuổi rồi, giục mãi nhưng chưa buồn lấy vợ. Xin việc ở đâu bây giờ ít nhất cũng 100 triệu đồng, không có tiền thì không được”, ông Chư thở dài.

Con út ông Chư là Lỳ Bá Dờ, năm học tới cũng bước vào lớp 12. Mỗi tháng, ông gửi cho con 500 nghìn đồng, một ít gạo, măng lấy trong rừng. Ông Chư bảo, kệ thôi, nó mà thi đỗ đại học thì vẫn cho đi học, chuyện ra trường tính sau.

09-57-21_6
Một bản người Mông nằm giữa lưng chừng mây

 

Bi đát nhất là hoàn cảnh của Lỳ Bá Dì (SN 1989), thuộc diện được cử tuyển Đại học Y Thái Bình. Bố mẹ mất sớm, một tay anh trai Lỳ Giả Dìa nuôi Dì khôn lớn, cho ăn học. Anh Dìa bị câm bẩm sinh lấy vợ cũng bị câm, thuộc diện hộ nghèo nhất bản.

Hai vợ chồng anh Dìa nuôi hết con trâu này tới con bò khác, bán lấy tiền nuôi em ăn học. 5 năm trời đằng đẵng, Dì tốt nghiệp ra trường nhưng không xin được việc, đành đi buôn bán đồ chơi trẻ em. Rồi Dì cưới vợ ở xã Mường Lống, con nhỏ vừa tròn 1 tuổi. Chán cảnh nghèo đói, Dì dẫn vợ con vào Đăk Nông làm kinh tế mới, cả năm chưa thấy về.

Trở lại câu chuyện với ông Lỳ Giống Dìa, ông bảo, tìm đâu xa, hai con trai ông toàn tốt nghiệp cử nhân sư phạm giờ cũng ở nhà thả dê, chăn bò. Số nợ ngân hàng nuôi con ăn học lên tới 200 triệu. Con ra trường đã mấy năm, số nợ mới trả được một nửa. Theo ông Dìa, hầu hết các cơ quan nhà nước giờ đều đủ người nên xin việc rất khó. Ở cấp xã, 3 năm huyện mới cho tuyển thêm một chỉ tiêu, hồ sơ xin việc thì chất đống và ngày một dày thêm.

Ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết, tỷ lệ học sinh học đến trình độ cấp 3 chỉ đạt 46%. Nhiều em học hết lớp 9, thậm chí bỏ ngang để đi làm công nhân, lấy chồng. Một phần cũng vì tâm lý học lên, ra trường cũng chẳng xin được việc. Từ đó, vấn nạn tảo hôn càng trở nên nhức nhối…

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất