| Hotline: 0983.970.780

Đấu giá đất lúa là hoàn toàn đúng đắn

Thứ Sáu 10/12/2010 , 08:59 (GMT+7)

Bộ TN-MT cho biết, bộ này hoàn toàn thống nhất với đề nghị của Bộ NN-PTNT trong Dự thảo báo cáo Quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa toàn quốc đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Trong công văn phúc đáp của Bộ TN-MT mới đây gửi Bộ NN-PTNT về dự thảo Nghị định quản lý đất lúa, ông Phùng Văn Nghệ - Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ TN-MT) - cho biết, bộ này hoàn toàn thống nhất với đề nghị của Bộ NN-PTNT trong Dự thảo báo cáo Quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa toàn quốc đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Đất lúa giảm theo từng năm

Thưa ông, xin ông cho biết khái quát thực trạng quản lý đất lúa hiện nay ở các địa phương? Cứ đà lấy đất làm công nghiệp, đô thị thế này thì liệu chúng ta có thể giữ được 3,8 triệu ha lúa?

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, từ năm 2000 đến năm 2009, diện tích đất lúa giảm 378,7 nghìn ha, bình quân giảm 1%/năm. Diện tích đất lúa giảm tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng, vùng ven đô thị do chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây khác và sang mục đích phi nông nghiệp. Đứng đầu danh sách vùng có diện tích đất lúa giảm nhiều nhất là ĐBSCL với 217,9 nghìn ha, chiếm 57% tổng diện tích đất lúa giảm trên toàn quốc. Vùng Đông Nam bộ tuy đứng thứ 2 trong danh sách này với 71,3 nghìn ha nhưng lại có tỷ lệ giảm cao nhất, ở mức 3,2%/năm. ĐBSH ở vị trí thứ 3, giảm 29,4 nghìn ha, chiếm 14,4%.

Việc chuyển đất lúa sang mục đích khác có mặt tích cực nhưng mặt tiêu cực rất nặng nề. Đó là sản lượng lúa giảm, an ninh lương thực ở cấp hộ hiện không bền vững. Tổng cục Quản lý đất đai đã cử đoàn công tác điều tra tại một số tỉnh. Chúng tôi xác định, ngoài nguyên nhân chuyển đổi đất lúa sang trồng cây, con khác, thì tỷ lệ lớn là chuyển sang làm công nghiệp, đô thị và đất ở. Cứ đà này thì khó giữ được diện tích 3,8 triệu ha đất lúa như Bộ NN-PTNT quyết tâm thực hiện, mà cần có nhiều giải pháp mạnh.

Quan điểm của Bộ TN-MT thế nào đối với dự thảo Nghị định về quản lý đất lúa mới đây nhất mà Bộ NN-PTNT vừa soạn thảo và đang xin ý kiến các Bộ, ngành, thưa ông?

Chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT, trong đó thống nhất hoàn toàn với đề nghị của Bộ này về Dự thảo báo cáo Quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa toàn quốc đến năm 2020, tầm nhìn 2030, để đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ, đến năm 2020 quy hoạch đất trồng lúa được xác định là 3.810 nghìn ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước là 3.220 nghìn ha.

Cần chú trọng sản xuất nông nghiệp

Theo ông, với giải pháp thực hiện đấu giá đất lúa khi chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, đất làm công nghiệp, liệu có thể giữ được đất lúa?

Về diện tích hiện trạng và quy hoạch đất trồng lúa của từng tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, chúng tôi đã đề nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục làm việc với Bộ TN-MT để cập nhật số liệu mới theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2010, đảm bảo việc đánh giá thực trạng sử dụng đất lúa đến thời điểm năm 2010 và phân khai chỉ tiêu quy hoạch cho các địa phương được thống nhất.

Sau khi có số liệu chính thức, Bộ TN-MT sẽ cùng với Bộ NN-PTNT thống nhất đề xuất với Chính phủ các giải pháp giữ đất lúa, trong đó chú trọng đến việc đấu giá. Tôi cho rằng, như vậy chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo diện tích 3,8 triệu ha lúa đến năm 2020.

Một số địa phương cho rằng, khi áp dụng Nghị định 69, do giá đất đền bù đội lên cao nên khó thu hút đầu tư. Nay nếu áp dụng thêm biện pháp đấu giá đất lúa, thì có mâu thuẫn với công tác thu hút đầu tư của các tỉnh?

Rõ ràng là sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý rằng, việc giữ đất lúa là góp phần đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế bền vững. Như vậy, cùng với phát triển công nghiệp, chúng ta hoàn toàn phải chú trọng đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, vì xét cho cùng, cả hai mục đích trên đều quan trọng, và giữ đất lúa là giải pháp có tầm nhìn xa và cần thiết phải thực hiện.

“Khi dự thảo Quy hoạch này được phê duyệt, lần đầu tiên, đất lúa sẽ có một phương án quy hoạch riêng, được tính toán căn cơ hơn, đảm bảo lâu dài cho đất nước về an ninh lương thực quốc gia. An ninh lương thực chỉ khả thi khi có quy hoạch sản xuất rõ ràng, quy mô canh tác lúa phải đạt diện tích nhất định và đặc biệt, phải nghiêm minh trong giám sát thực hiện quy hoạch”, ông Phùng Văn Nghệ.

Để thực hiện quy hoạch, ngoài việc phải thống nhất nhận thức, hành động về bảo vệ, quản lý, sử dụng hiệu quả đất lúa đã được quy hoạch nhằm bảo đảm an ninh lương thực là nhiệm vụ chiến lược của các cấp, ngành và người dân cả nước, Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT sẽ đề nghị Thủ tướng giao UBND các tỉnh, TP xây dựng quy hoạch chi tiết sử dụng đất lúa. Quy hoạch chi tiết sử dụng đất lúa ở các địa phương phải được công khai tới người dân. Trước mắt, kiến nghị các bộ, ngành chức năng cần điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng chủ yếu lấy đất đồi và đất cát ven biển.

Với việc đấu giá đất lúa, nhiều người cho rằng dễ nảy sinh tiêu cực khi các nhà đầu tư liên kết với nhau để bỏ thầu (thông thầu). Theo ông, làm thế nào để hạn chế việc này?

Liên quan đến việc xây dựng văn bản pháp luật về bảo vệ, quản lý, sử dụng đất lúa, Chính phủ cần ban hành Nghị định về bảo vệ, quản lý, sử dụng đất lúa và chính sách đối với sản xuất lúa gạo, trong đó, cần có chính sách tài chính đặc thù với các địa phương giữa đất lúa. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tập trung kiến nghị việc sửa đổi Luật Đấu thầu, trong đó nhận mạnh đến tính minh bạch trong hoạt động này. Các địa phương cũng cần phải có biện pháp mạnh để ngăn chặn việc thông thầu, vốn đã rất phổ biến trong đấu thầu xây dựng công trình hạ tầng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.