| Hotline: 0983.970.780

Đâu là nguyên nhân khiến Phú Quốc ngập nặng?

Thứ Bảy 10/08/2019 , 12:08 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu gây thời tiết cực đoan, hệ thống thoát nước cũ kỹ, quá tải và xây dựng lấn chiếm sông, suối… được xác định là nguyên nhân gây ngập úng, biến đảo ngọc Phú Quốc thành "đảo ngập".

Trong vòng 7 ngày, Phú Quốc xảy ra 2 trận ngập lịch sử, nhiều nơi chìm trong biển nước, gây thiệt hại rất lớn về tài sản.

Sáng nay 10/8, UBND tỉnh Kiên Giang đã lập đoàn cùng các Sở, ngành liên quan, như: Tài nguyên - Môi trường, Giao thông, NN - PTNT, Khoa học - Công nghệ, Kế hoạch  - Đầu tư… đi khảo sát, tìm nguyên nhân, khắc phục hậu quả, cũng như đề xuất các giải pháp chống ngập lâu dài cho đảo.

Lượng mưa lớn kỷ lục đã biến đảo ngọc Phú Quốc thành "đảo ngập".

Ông Trần Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, mưa lớn kỷ lục, lại xảy ra trong thời gian rất ngắn, đã gây nên tình trạng ngập úng cục bộ nhiều nơi trong huyện. Trong đó, bị thiệt hại nặng nhất là thị trấn Dương Đông và xã Cửa Dương.

Tổng số có 34 km đường bị ngập với độ sâu từ 0,6 đến 1,5 m. Mưa dông gây sập và tốc mái 14 căn nhà, 3.874 căn nhà bị ngập nước, hư hỏng nhiều tài sản, nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản và gia cầm bị thiệt hại. Ước tổng thiệt hại hơn 68 tỷ đồng.

Toàn huyện có 34 km đường giao thông bị ngập sâu từ 0,6 đến 1,5 mét.

Về nguyên nhân, ông Thắng cho biết, biến đổi khí hậu đã gây ra lượng mưa kỷ lục lớn, diễn ra trong thời gian ngắn, lại trùng với thời điểm nước triều dâng cao, gây thoát nước từ sông, suối ra biển bị cản trở rất nhiều. Hệ thống thoát nước trên đảo đã được đầu tư nhiều năm, cũ kỹ, quá tải, không còn đảm bảo.

Mặt khác, nhiều ao hồ điều hòa tự nhiên bị san lấp, tôn nền, các hố ga thoát nước thường xuyên bị đầy, tắc nghẽn vì rác thải và đất từ công trình xây dựng, dốc núi đổ xuống. Địa hình Phú Quốc có nhiều đồi núi dốc, nhưng thời gian qua tốc độ đô thị hóa quá nhanh, làm thu hẹp diện tích thấm, cộng với tình trạng người dân tự ý xây dựng lấn chiếm sông, suối, làm ảnh hưởng lớn đến việc thoát nước từ dốc núi ra biển.

Huyện đã huy động toàn bộ nhân lực, phương tiện để giúp người dân bị ảnh hưởng.

Giải pháp trước mắt của huyện là huy động toàn bộ nhân lực, phương tiện, để giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng. Tập trung xử lý các khu vực sông, suối bị lấn chiếm, nhất là các điểm nóng như: rạch Ông Trì, rạch SOMACO.

Về lâu dài, kiến nghị UBND tỉnh quy hoạch,  nâng cấp hệ thống cống thoát nước trong nội đô cho phù hợp với tốc độ phát triển của huyện hiện nay. Nghiên cứu đầu tư làm hồ điều tiết nước cho khu vực thị trấn Dương Đông, xây dựng kè chống lấn chiếm rạch Ông Trì, rạch SOMACO và sông Dương Đông.

Tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến hệ thống thoát nước bị quá tải được xác định là một trong những nguyên nhân gây ngập úng tại huyện đảo Phú Quốc.

Tối 9/8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có công điện khẩn gửi tỉnh Kiên Giang cảnh báo về mưa rất to trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc, đồng thời chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp ứng phó.

Xây dựng lấn chiếm trên địa bàn huyện.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 2 - 9/8, trên địa bàn huyện Phú Quốc có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa đạt trên 1.100 mm. Riêng từ 19 giờ ngày 8/8, đến 13 giờ ngày 9/8, lượng mưa đạt trên 355 mm. Mưa lớn sẽ gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, làm thiệt hại lớn về nhà cửa và tài sản của nhân dân, đặc biệt là trên đảo đang tập trung đông khách du lịch và có nhiều công trình đang xây dựng.

Xây dựng lấm chiếm đất đai, sông, suối làm hạn chế dòng chảy, hạn chế đường thoát nước từ dốc núi ra biển khiến Phú Quốc bị ngập nặng những ngày qua.

Thông báo diễn biến tình hình thời tiết đến chính quyền, người dân biết để chủ động ứng phó, vì theo dự báo trong những tới còn tiếp tục xảy ra mưa lớn.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu tỉnh Kiên Giang triển khai ngay các biện pháp an toàn cho người dân, du khách trên đảo. Tổ chức lượng lượng hướng dẫn, phân luồng đảm bảo an toàn giao thông qua những khu vực bị chia cắt, ngập sâu nguy hiểm. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Huy động lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để cứu trợ những nơi bị ngập sâu, chia cắt, không để người dân bị đói rét. Tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường ngay sau khi nước rút, tiêu độc, tẩy trùng không để xảy ra dịch bệnh. 

 

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).