| Hotline: 0983.970.780

Dấu mốc quan trọng nông nghiệp Việt Nam

Thứ Năm 04/09/2014 , 10:46 (GMT+7)

Ngày 27/8/2014, Bộ TN-MT chính thức cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho sự kiện MON 89034 của Cty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto).

Nhân đây, NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Chính (ảnh) - Giám đốc đối ngoại của đơn vị này…

17-29-12_dsc_8094

Với tư cách là công ty đầu tiên ở VN được cấp giấy an toàn sinh học cho cây trồng biến đổi gen, ông có thể nói thêm cho độc giả hiểu rõ hơn vấn đề?

Để đưa được một giống ngô chuyển gen ra thương mại cần nhiều thứ. Về an toàn sinh học cần hai yếu tố. Thứ nhất là công nhận giống đó đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, cái này Bộ NN-PTNT đã phê chuẩn.

Thứ hai là an toàn sinh học để có thể đưa vào môi trường, cái này Bộ TN-MT đã phê chuẩn. Thông thường thủ tục đó với thế giới là đủ nhưng với VN đặc biệt hơn vì có thêm hệ thống đăng ký giống cây trồng mới (hệ thống đó đang áp dụng với những giống không chuyển gen ngày hôm nay).

Bài toán đặt ra là khi tích hợp các sự kiện chuyển gen này vào những giống đang được thương mại hóa hiện nay sẽ được quản lý thế nào? Cục Trồng trọt đang soạn dự thảo sửa đổi thông tư 23 về công nhận đặc cách giống cây trồng chuyển gen. Theo định hướng của Bộ NN-PTNT thì vẫn cần khảo nghiệm, vẫn phải đăng ký. Cái đó sẽ xảy ra hai tình huống.

Thứ nhất gen đã được công nhận chuyển vào giống đã được công nhận, ở nhiều quốc gia họ đồng ý cho phép thương mại hóa mà không đòi hỏi bất kỳ một khảo nghiệm nào khác. Tình huống thứ hai gen đã được công nhận chuyển vào giống hoàn toàn mới, chưa được đăng ký và công nhận thì phải khảo nghiệm, đánh giá như một giống mới.

Tình huống thứ hai không có vấn đề gì nhưng đối với tình huống thứ nhất mà vẫn yêu cầu phải khảo nghiệm để chứng minh giống chuyển gen không khác biệt so với giống đã đăng ký. Với động thái như thế, sẽ phải mất một năm nữa mới thương mại hóa được giống chuyển gen tại Việt Nam…

Hiện có ba công ty tham gia vào khảo nghiệm biến đổi gen ở VN với khoảng hơn 10 giống đang nằm trong tình huống thứ nhất. Với tốc độ phát triển giống như những năm vừa qua rất nhanh, mỗi năm lại có các giống mới ra đời, giống mới tốt hơn giống cũ. Nói cách khác, chỉ trong vòng 2-3 năm tới các giống này sẽ được thay thế bởi các giống mới vượt trội hơn. Nên chăng, thay bằng bắt buộc khảo nghiệm chúng ta nên mở ra để bà con tiếp cận với giống chuyển gen và sau một vụ, một năm chúng ta có thể đánh giá qua thực tế sản xuất.

Công ty đã chuẩn bị gì nhân chuyện được công nhận an toàn sinh học?

Đối với nông dân rất đơn giản, anh chứng minh được đó là giống tốt, khi trồng thực tế tăng năng suất hơn thì họ sẽ mua. Chi phí sản xuất hiện nay quá cao, nếu cái gì thay đổi được điều ấy chính là hạt giống bởi những biện pháp kỹ thuật nông dân đang làm khá tốt.

Chúng tôi coi giống chuyển gen cũng chỉ như một giống mới, tất nhiên ở tầm quan trọng hơn vì đòi hỏi cách tiếp cận chuyển giao kỹ thuật cho nông dân nhiều hơn. Ít nhất là trong vụ đầu tiên công ty sẽ tiến hành hàng loạt những điểm trình diễn, thông qua đó để tập huấn nông dân, giúp nông dân trải nghiệm giá trị mà hạt giống chuyển gen mang lại, cải thiện thu nhập ngay từ vụ đầu tiên sử dụng loại hạt giống này.

Chuyện thương mại đối với Monsanto trong một hai năm đầu sẽ không đặt thành vấn đề. Khi những người nông dân đang sử dụng giống Monsanto hiện nay sẵn sàng đổi sang sử dụng giống biến đổi gen, đó sẽ là thành công về mặt triển khai giống biến đổi gen của công ty vào thực tế sản xuất.

Theo dự thảo, mỗi điểm khảo nghiệm diện rộng sẽ không quá 1 ha, công ty có thể tiến hành với một vài giống trọng điểm, mỗi vùng sẽ triển khai một vài mô hình, thậm chí càng nhiều càng tốt trong năm đầu tiên. Tại thời điểm hiện tại, để thực hiện được những mô hình này công ty sẽ phải xin giấy phép nhập khẩu để có thể nhập khẩu hạt giống.

Việc này sẽ mất chừng hai tháng nên sớm nhất có thể vào tháng 1 năm 2015 giống sẽ về VN. Vụ ngô chính của Sơn La, Tây Nguyên, Đông Nam bộ rơi vào tháng 4 còn vụ trồng tháng 1, tháng 2 sẽ hợp với đồng bằng sông Hồng, trung du Bắc bộ.

gen-118441845Trao đổi kinh nghiệm và tính ưu việt của các giống ngô biến đổi gen, được trồng khảo nghiệm trên vùng đất đồi của huyện Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: Đình Huệ

Những ngộ nhận thường gặp về cây trồng biến đổi gen là gì?

Về giá của giống sẽ được tính dựa trên lợi ích gia tăng của ngô biến đổi gen đem lại. Lợi ích gia tăng trực tiếp, đo đếm được ngay như dùng các loại thuốc trừ cỏ thông thường phun một, hai, ba lần chuyển sang cây trồng chuyển gen chỉ áp dụng phun một đến hai lần, đúng thời điểm nên chi phí rẻ hơn, tiết kiệm công hơn.

Về sâu, rất nhiều vùng nông dân đang phải dùng thuốc trừ sâu bỏ vào ngọn cây khi ngô xoáy nõn để quản lý sâu đục thân. Khi trồng ngô biến đổi gen nông dân không phải làm việc này nữa. Trước đây nông dân bị mất năng suất do sâu nhưng có thể họ không nhận ra, điều này sẽ được thể hiện rõ ràng khi giống chuyển gen và không chuyển gen được so sánh trên đồng ruộng.

Một bên, cây trồng được bảo vệ ngay từ lúc còn nhỏ, sức sống khỏe hơn, không bị cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn sẽ tạo nên năng suất tốt hơn. Đó là tác động cộng gộp giữa kiểu gen và môi trường.

Một điều nông dân cần hiểu rõ ràng đó là hạt giống chuyển gen kháng sâu chỉ kháng các loại sâu hại chính trên cây ngô, thuộc bộ cánh vảy chứ không phải kháng tất cả các loại sâu hại. Điều cuối cùng, chỉ có những nhà chế biến thức ăn chăn nuôi mới biết là ngô nhập khẩu có chất lượng đồng đều, tốt hơn bởi tỷ lệ nhiễm nấm hại sẽ giảm khi trồng cây biến đổi gen, từ đó, tỷ lệ độc tố phát sinh do nấm gây ra sẽ giảm đi rõ rệt.

Ngoài gia tăng về thu nhập, người ta còn kỳ vọng gì vào cây trồng biến đổi gen?

Về lâu dài cây trồng biến đổi gen không đơn thuần là gia tăng thu nhập cho nông dân. Hiện phần lớn ngô của Việt Nam trồng trên đất dốc. Nông dân dọn sạch cả mảng đồi, đợi mưa xuống thì cày, sau đó đợi mưa đủ ẩm mới mang hạt ra gieo. Mỗi lần như thế hiện tượng rửa trôi, xói mòn đất xảy ra hết sức nghiêm trọng.

Làm thế nào để bảo vệ đất, đặc biệt là tài nguyên đất dốc về lâu dài? Ngô chuyển gen, nhất là chuyển gen kháng thuốc trừ cỏ cho chúng ta cơ hội thay đổi biện pháp làm đất từ làm đất toàn bộ sang làm đất tối thiểu. Cỏ dại mọc lên không cày nữa mà phun thuốc trừ cỏ, vẫn đảm bảo cỏ chết, ngô sinh trưởng bình thường mà tầng đất mặt không bị rửa trôi. Đồng thời, thay đổi thói quen canh tác của nông dân, giúp nông dân hiểu và tránh việc đầu tư cho phân bón, cho thuốc trừ sâu quá mức cần thiết, chỉ cần hợp lý là tối ưu hóa được thu nhập.

Xin cảm ơn ông!

Để được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học (ATSH), mỗi sự kiện biến đổi gen cần được xem xét và đánh giá rủi ro kỹ lưỡng bởi Tổ chuyên gia và phải được chấp thuận bởi Hội đồng ATSH Quốc gia là An toàn đối với môi trường và đa dạng sinh học theo đúng trình tự quy định trong Thông tư 08/2013/TT-BTNMT. 

Trước khi được cấp Giấy chứng nhận ATSH tại Việt Nam, sự kiện MON 89034 đã được cấp chứng nhận ATSH tại 8 quốc gia trên thế giới, bao gồm: Canada (2008), Hoa Kỳ (2008), Nhật Bản (2008), Brazil (2009), Ác hen ti na (2010), Nam Phi (2010), Phillipines (2010) và Honduras (2010)… Các quyết định của Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT trong thời gian qua đánh dấu một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong tiến trình ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại Việt Nam. 

Hy vọng, trong thời gian tới khi giống ngô biến đổi gen đã được cấp phép đủ điều kiện gieo trồng rộng rãi sẽ góp phần giúp VN chủ động hơn trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện đang phụ thuộc vào nhập khẩu.

 

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất