| Hotline: 0983.970.780

Đâu rồi cá lăng sông Hiếu

Thứ Sáu 23/09/2011 , 10:42 (GMT+7)

Thẫn thờ nhìn sông Hiếu đang bị bức tử mà lòng tôi da diết nhớ ngày qua. Cảnh thanh bình trên sông Hiếu bây giờ đã đi vào dĩ vãng.

Sông Hiếu bắt nguồn từ thượng lưu miền biên ải Quế Phong (Nghệ An) và nước bạn Lào. Từ đây suốt chiều dài hơn 300 km, sông Hiếu chảy qua huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thái Hoà rồi đổ vào sông Con ở huyện Tân Kỳ để xuôi ra biển cả. Trước đây, ở sông Hiếu cá tôm và các sản vật quý hiếm như cá leo, cá ngạnh, cá lăng nhiều vô kể.

Sông Hiếu ngày qua

Tôi còn nhớ như in hồi mới học xong lớp 10, cha tôi bảo: "Nghỉ hè rồi cha con ta cùng ngược nguồn sông Hiếu để chặt nứa về bán nha". Tôi hăm hở mang vác đồ nghề cùng cha đi bộ hai ngày đường mới đến được bến sông Đò Ham ở huyện Quỳ Châu. Tại đây cha mua lại một chiếc bè hành (khoảng dăm chục cây nứa kết lại) rồi chèo chống trên sông thêm một ngày nữa. Đợt ấy cha con tôi cắm trại cùng với dân Nghĩa Đàn chặt nứa được hơn mười ngày. Thức ăn hàng ngày chúng tôi chỉ việc ra bến sông là lúc nào cũng mua được cá lăng.  

Cá lăng trên sông Hiếu nay chỉ được lưu giữ trên... Internet  

Thịt cá lăng rắn chắc và rất béo ngậy, chỉ kho với muối không thôi cũng đã vô cùng hấp dẫn. Hồi ấy dân chài lưới trên sông Hiếu chủ yếu cũng ở trên các bè nứa. Ngay từ sáng sớm, dân chài đã rất sôi nổi ngược xuôi buông câu, thả lưới trên sông. Sản vật thu được, một phần nhỏ họ bán rải rác cho dân khai thác lâm thổ sản, còn lại phần lớn đều phải xuôi thuyền về nhập cho các lái buôn ở chợ Bến Dạ thuộc huyện Nghĩa Đàn.

Chợ Bến Dạ hồi đó nằm kề bên cầu sông Hiếu. Ngày ngày tấp nập cảnh bán buôn trên bến dưới thuyền. Dân miền xuôi đến đây tìm mua đặc sản như măng giang, vầu, sa nhân, mộc nhĩ. Các cửa hàng phục vụ ăn uống và dân buôn bán giàu có thì phục mua bằng hết cá lăng.

Cách đây ba năm, anh Quyền và hai người bạn ở làng chài Liên Thắng mang đến gia đình tôi một con cá lăng nặng cỡ 2 kg. Vợ tôi hớn hở giới thiệu các anh đây đều là đồng đội cũ cùng ở chung một đại đội, sau khi phục viên rồi mỗi người mỗi ngả... Bữa rượu dọn ra với đĩa cá lăng hấp cách thuỷ dậy mùi đã nhanh chóng làm cho chúng tôi trở nên thân thiện.

Quyền bảo: Trước đây trên sông Hiếu loại cá lăng này ngày nào mỗi thuyền cũng kiếm được mươi, mười lăm con nặng từ một đến hai cân. Tuy nhiên các gia đình không ai dám ăn vì đây là một loại đặc sản đắt tiền, con nặng một cân đã có giá 350 ngìn đồng nên phải để giành bán cho khách. Thế mà bây giờ thì đã bị cạn kiệt. Mỗi tháng thuyền nào may lắm mới vướng lưới được một con. Tụi em là dân chuyên nghề chài lưới, nhưng lâu lắm rồi mới bắt gặp được con này. Sợ rồi từ nay trở đi sông Hiếu sẽ không còn cá lăng nữa nên hôm nay tụi em mang đến đây để cùng nhau thưởng thức.  

Thuyền chài của dân Liên Thắng sau mỗi chuyến đi phải trở về không

Sông Hiếu ngày nay

Vào những ngày thượng tuần tháng 9/2011, tôi có việc phải lên xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu. Chú Phong, em trai tôi làm trang trại ở đây chở tôi đi đến các bến sông để tìm mua đặc sản, nhưng không có. Buồn, Phong còn thuê cả xuồng máy xuống sông Hiếu để cùng tôi ngược ghềnh Bá, ghềnh Chàng rồi lại xuôi bãi Kè, thác Cóc... Trên suốt cả chặng đường, mỗi khi trông thấy dân vạn chài là Phong bẻ lái cho thuyền sáp đến, tuy vậy các thuyền cũng chỉ đánh bắt được cá mè và cá rô phi.

Thẫn thờ nhìn sông Hiếu đang bị bức tử mà lòng tôi da diết nhớ ngày qua. Cảnh thanh bình trên sông Hiếu bây giờ đã đi vào dĩ vãng. Tiếc một thời chưa xa,  sông Hiếu trong xanh quanh năm nước chảy hiền hoà, cứ mỗi chiều hè khi hoàng hôn buông xuống là dân Thái Hoà lại dập dìu rủ nhau ra bến sông để thoả sức vẫy vùng ngụp lặn. Nơi thôn dã, ngược nguồn từ Tân Kỳ cho đến Quế Phong, cạnh những bến sông lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng cười tiếng ca.

Yên ả bởi đó là nơi để cho người lao động trút bỏ mọi ưu phiền sau một ngày chân lấm tay mùn mệt nhọc. Trên dòng sông xanh nước lững lờ trôi là cảnh dân chài yên bình thả lưới buông câu. Mới ngày nào đó thôi, sông Hiếu đang tuyệt đẹp như một bức tranh ngọc bích sơn thuỷ hữu tình, vậy mà bây giờ sông đã tan hoang.

 

Nước sông Hiếu bây giờ ngày đêm đỏ ngầu đặc quánh bùn đất do nạn khai thác đá trắng và quặng thiếc từ thượng nguồn Quỳ Hợp đổ về. Từ Nghĩa Đàn, rồi ngược huyện Quỳ Châu, Quế Phong sỏi đá của dòng sông luôn bị đào lên, xới xuống bởi máy xúc máy đào của dân thập phương đi khai thác vàng sa khoáng. Thêm vào đó là lực lượng kinh doanh vật liệu xây dựng ngày đêm nổ máy đổ dầu để hút, sàng sỏi, cát…

Cuối tuần qua tôi đánh xe đến làng chài Liên Thắng thuộc thị xã Thái Hoà. Tiếp chuyện tôi, chị Nguyễn Thị Nhân rầu rĩ: Cả làng Liên Thắng trước đây chủ yếu sống vào nghề buông câu thả lưới trên sông Hiếu, vậy nhưng bây giờ không còn cá tôm nữa nên đa phần đã chuyển nghề sang đan lát. Tuy nhiên do tiếc nuối nghiệp nghề nên hiện làng Liên Thắng vẫn có trên 10 hộ duy trì cảnh lênh đênh trên sông nước. 

Nhà anh Quyền có 7 anh em, 6 trai, một gái, nay tất cả vẫn nghề chài lưới. Hơn một tháng nay vợ chồng anh Quyền vẫn chưa về nhà, chắc là không có chi thu nhập. Phần chị Nhân, suốt cả tháng trời lênh đênh trên sông Hiếu, nhưng cá tôm bắt được cũng chỉ đủ cho hai vợ chồng sinh sống. Ba đứa con đang ăn học ở nhà phải đi vay gạo láng giềng. Hôm nay vợ chồng chị phải về là để lo tiền đóng góp cho các con vào năm học mới đã bị muộn.

Chị Nhân bảo: Trước đây trên sông Hiếu các loại  cá leo, cá ngạnh, cá lăng nhiều lắm, các làng chài ven sông Hiếu ở các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn hôm nào cũng bắt được cá leo để bán. Giống cá này giống như con cá trê phi, nhưng giá cả thì đắt lắm. Bởi đây là  đặc sản, đàn ông ăn vào  khoẻ hẳn. Và để duy trì nguồn cá quý hiếm này, ngày trước tất cả các làng chài trên sông Hiếu đã thống nhất một điều là không bao giờ thu hoạch loại cá lăng cỡ nhỏ từ ba, bốn lạng trở xuống. Khách mua cũng không ưa chuộng loại này vì chất bổ không có mấy.

Vậy nhưng bây giờ thì cá lăng trên sông Hiếu không còn nữa. Kể cả các loại khác như cá leo, cá ngạnh cũng đã bị tuyệt diệt bởi dòng nước bị ô nhiễm nặng, cộng vào đó là dân kích điện ngày đêm dong thuyền đi càn quét… 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.