| Hotline: 0983.970.780

Dâu tây - cây trồng mới cho vụ đông

Thứ Tư 16/01/2008 , 15:18 (GMT+7)

KS. Nguyễn Hữu Khương, Trưởng văn phòng đại diện Công ty hạt giống Nông Hữu (Đài Loan) tại Hà Nội cho biết, 2 năm qua anh đã trực tiếp liên kết, liên doanh với các cán bộ khuyến nông và bà con nông dân ở một số địa phương vùng ĐBSH đưa trồng thử nghiệm một số giống dâu tây nhập nội từ Mỹ, Nhật Bản và Tây Ban Nha.

* Có thể cho thu hàng chục triệu đồng/sào Bắc bộ 

Thu hoạch dâu tây ở Văn Đức-Gia Lâm-Hà Nội.Một ngày đầu năm chúng tôi về thăm mô hình trồng hơn 1 vạn cây dâu tây tại thôn Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội hiện đang vào thời kỳ thu hoạch.

Nhìn những luống dâu tây lá lên xanh mướt, cây nào cây nấy lúc lỉu quả xanh, quả chín đỏ tươi nằm chen giữa những bông hoa trắng nhỏ xinh nổi bật trên mặt luống phủ kín nilon trông đến vui mắt.

Dừng tay hái quả, bác Trần Xuân Hợi cho hay: Nghe theo lời khuyến cáo của anh Khương, gia đình nhận trồng thử mô hình dâu tây trên đất vườn với diện tích gần 1 sào Bắc bộ. Công ty hướng dẫn cách trồng, cách chăm bón.

Dâu tây dễ trồng, ít sâu bệnh hại, chăm sóc đơn giản nhưng đòi hỏi phải tỷ mỉ, đúng cách. Cây lên khỏe, nhanh cho quả và cho quả đều. Chỉ sau trồng 30 ngày đã bắt đầu cho thu hoạch, sau đó cứ 1-2 ngày lại thu 1 lứa (chọn những quả chín) và thu liên tục cho tới tháng 3, tháng 4 khi nắng lên, cây sẽ tàn.

Theo tính toán của bác Hợi, nếu thu hết cả chu kỳ mỗi cây cho khoảng 400g, 1 sào trồng 4.000 cây sẽ cho thu hoạch từ 1,5-1,6 tấn, bán cho các đầu mối với giá 30.000 đồng/kg sẽ thu về từ 45 đến 50 triệu chỉ trong 3-4 tháng vụ đông, một khoản thu ít cây trồng nào đuổi kịp.

Vụ đông năm 2006, Cty hạt giống Nông Hữu cũng đã thành công khi phối hợp với chính quyền và bà con thôn Nghĩa Vũ, xã Minh Tân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đưa giống dâu tây nhập nội về trồng thử nghiệm trên đất 2 vụ lúa. Theo báo cáo của xã: Chỉ sau 6 tháng trồng thử nghiệm nhiều hộ gia đình đã có mức thu nhập rất cao từ loại cây trồng mới này và khẳng định cây dâu tây có thể phát triển tốt trên đất 2 vụ lúa vùng ĐBSH trong vụ đông.

Hỏi về chi phí đầu tư và đầu ra tiêu thụ, bác Hợi cho biết chủ yếu tiền mua cây giống hơi đắt (2.000 đồng/cây) vì mình trồng ít, nay mai nhiều người trồng với diện tích lớn chắc chắn giá nhập giống sẽ hạ. Đầu tư phân bón không đáng kể, chủ yếu phân chuồng hoai mục và phân vi sinh. Dâu tây không ưa bón quá nhiều phân hóa học, đặc biệt là phân đạm, cây sẽ ra nhiều lá, kém ra hoa, quả ăn không thơm, không ngọt. Sau khi bón lót, khi cây đã lên xanh mỗi tuần bác dùng 1kg phân “đầu trâu” hòa nước tưới cho 1 sào Bắc bộ. Chú ý nên tưới nước lã trước rồi mới tưới nước phân tránh làm cho cây bị “sốc” kém ra hoa. Tháng 2, tháng 3 cần làm vòm nilon trắng để che mưa, sương muối cho cây khỏi bị bệnh phấn trắng và thối gốc, thối quả.

Dâu tây giống mới quả to, được hưởng thời tiết lạnh vụ đông nên chín đều, thơm hơn dâu Đà Lạt và dâu Trung Quốc nên khách hàng ưa chuộng, dễ bán. Dâu tây Văn Đức được trồng theo đúng qui trình “sạch” trong vùng SX RAT của thành phố, được cấp chứng chỉ sản phẩm an toàn nên đầu ra ổn định, hiện tại không đủ hàng cung cấp cho các đầu mới. Rời nhà bác Hợi chúng tôi ra thăm các hộ khác trồng dâu tây trên đất bãi cũng đang thu hoạch. 

KS. Khương cho biết, ngoài Văn Đức là vùng trồng rau truyền thống của Hà Nội với loại đất phù sa màu mỡ rất phù hợp với cây dâu tây thì các anh còn tiếp tục làm nhiều mô hình trên nhiều loại đất, điều kiện khác nhau để có thể mở rộng diện tích dâu tây, trở thành một mặt hàng mới giá trị cao trong cơ cấu cây trồng vụ đông.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.