| Hotline: 0983.970.780

Dấu tích phu cao su

Thứ Tư 07/12/2011 , 11:51 (GMT+7)

Chỉ còn một vài dấu tích ít ỏi về cuộc đời họ còn tản mát, lẩn khuất đâu đó giữa những vùng cao su bạt ngàn ở Đông Nam Bộ.

Ông Thắng giới thiệu về ngôi nhà phu công tra mà mấy thế hệ gia đình ông đã ở từ hơn 80 năm nay

"Lỡ lầm vào đất cao su/ Chẳng tù thì cũng như tù chung thân". Đó là một trong những câu ca dao đầy xót xa về thân phận phu đồn điền - lớp công nhân cao su đầu tiên ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Thời gian đã lùi xa, những phu đồn điền từ lâu thân xác đã lẫn vào cát bụi. Chỉ còn một vài dấu tích ít ỏi về cuộc đời họ còn tản mát, lẩn khuất đâu đó giữa những vùng cao su bạt ngàn ở Đông Nam Bộ.

1.Ở ấp Hoà Hiệp, xã Minh Hoà (Dầu Tiếng, Bình Dương), có những chỗ nhà cửa, đất đai không có vẻ lộn xộn, đất nhà này rộng, đất nhà kia hẹp, đất nhà này méo, đất nhà nọ vuông…, như ở nhiều làng quê khác hay thậm chí là như ở nhiều chỗ khác trong ấp, trong xã. Mà phần đất nhà nào nhìn cũng khá vuông vắn, đều đặn như đất nền ở mấy khu dân cư, khu đô thị mới vậy.

Ông Hồ Văn Thắng, một người dân ấp Hoà Hiệp lý giải “là do người Pháp đó. Ngày xưa, họ đưa phu cao su đến đây, vạch ra từng lô đất vuông như nhau. Trên mỗi lô đất, họ xây nhà cho phu cao su ở, gọi là nhà phu công tra. Mỗi nhà có có diện tích 28 mét vuông, cho từ 1 đến 2 hộ phu ở. Nhà phu công tra được xây tường bằng đá khai thác từ núi Cậu ở huyện Dầu Tiếng, ngói lợp được chở từ Pháp sang”.

Nói rồi, ông Thắng dẫn tôi đi xem ngôi nhà phu công tra được xây dựng cách nay khoảng 80 năm mà đến giờ gia đình ông vẫn đang sử dụng. Đó là một ngôi nhà nhỏ bé xây bằng đá, tường dày tới 40 cm, nhưng chiều cao của bức tường chưa tới 3m. Mái ngói cũ của ngôi nhà đã bị hỏng và thay từ lâu bằng một cái mái tôn. Bên trong ngôi nhà, một số chi tiết xây dựng vẫn còn giữ nguyên dạng như 80 năm trước. Đó là những bức tường trát vôi vữa lâu đời, đang tróc lở từng mảng vì thời gian.

Ông Thắng bảo nhà này ngày xưa người Pháp ngăn làm đôi, cho 2 hộ ở. Mỗi hộ làm cửa ra vào ở mỗi đầu nhà. Nền nhà ngày xưa trát xi măng. Ngôi nhà chỉ có 28 mét vuông, chia làm đôi, mỗi hộ chỉ được 14 mét, mà lại làm nên xi măng, tường thì thấp, chẳng có cửa sổ gì cả, thành ra ăn ở rất chật chội, nóng nực, khó chịu. Ông Thắng đùa: “Chẳng biết có phải vì nóng nực, chật chội, ban đêm đâm ra khó ngủ, nên cặp vợ chồng phu cao su nào cũng… đông con. Nhà ít thì 5 đứa. Nhà nhiều tới trên 10 đứa. Nhà tôi ngày xưa cũng thế, anh em đông lắm”. 

Một ngôi nhà phu công tra ở ấp Hòa Hiệp, xã Minh Hòa

2. Ông Thắng là đời thứ 3 của một gia đình phu công tra đầu tiên ở Dầu Tiếng. Ông bà nội của ông, nghe đâu là dân gốc Hà Nam Ninh (cũ). Dân vùng chiêm trũng, đói khổ quá, chịu không nổi, nên khi thấy mấy hãng cao su của Pháp ra Bắc mộ phu, các cụ đã đăng ký vô đây làm phu cao su và được ở trong một nửa ngôi nhà phu công tra nói trên.

Ông Thắng nhớ lại, chủ đồn điền người Pháp quản lý dân phu ngặt nghèo lắm. Đồng lương chỉ đủ để công nhân có cái ăn, giữ sức lao động để tiếp tục làm thuê cho họ. Không nhà nào để dành được tiền. Đã thế, công nhân còn hay bị đánh đập rất tàn bạo. Đàn ông bị đánh theo kiểu đàn ông, đàn bà bị đánh theo kiểu đàn bà. Đám cai, ký người Việt, thậm chí cả mấy tay gác giăng mà “chức tước” chưa bằng mấy ông bảo vệ bây giờ, cũng hùa theo chủ Pháp, sẵn sàng đánh phu cao su không thương tiếc. Vì thế, đời sống của người công nhân cao su rất cơ cực.

Cuối năm ngoái, ở làng 14 thời Pháp, nay thuộc xã Định An, huyện Dầu Tiếng, Cty Cao su Dầu Tiếng đã khởi công xây dựng khu trưng bày di tích lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc, trong đó có mô hình nhà phu công tra.

Khổ là thế nhưng phu cao su vẫn buộc phải gắn đời mình với các đồn điền, bởi không để dành ra được đồng nào, thì khi đã thoát ra ngoài, biết bám vào cái gì mà sống. Muốn trở về quê cũ cũng không thể vì đường xá quá xa xôi, mà nhà cửa, ruộng vườn ngoài quê cũng đã đem gán nợ hết rồi. Bởi vậy, cứ đời này qua đời khác buộc phải gắn mình với những ngôi nhà phu công tra nhỏ bé, nực nội, phải đổ mồ hôi, máu và nước mắt dưới những gốc cao su. Và cũng có lẽ vì thế, mà trong phong trào đấu tranh của công nhân trước Cách mạng Tháng 8, công nhân cao su luôn là những người tham gia tích cực nhất.

3. Mãi đến sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, phu cao su mới bắt đầu thoát ra khỏi cuộc đời cơ cực, thoát ra khỏi những làng phu công tra đã giam cầm họ từ đời này qua đời khác. Rồi mấy chục năm chiến tranh, bom đạn tơi bời, cũng xóa xổ nhiều ngôi nhà phu công tra. Nhưng theo ông Thắng, chính những ngôi nhà phu công tra đó, cũng đã cứu mạng cho khá nhiều người nhờ những bức tường đá dày tới 40 cm. Chỉ những ngôi nhà nào bị pháo chụp thẳng vào thì những ẩn nấp trong nhà mới bị ảnh hưởng tới tính mạng.

Sau năm 1975, nhất là từ khi cả nước bước vào nền kinh tế thị trường, kinh tế dần phát triển, nhiều hộ dân đã đập bỏ dần những ngôi nhà phu công tra để xây cất những ngôi nhà mới. Những nhà phu công tra còn lại cũng đã bị thay đổi ít nhiều về kiến trúc nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Đến nay, ở xã Minh Hòa còn gần 20 ngôi nhà phu công tra. Ông Thắng cho biết mấy năm trước, Cty Cao su Dầu Tiếng đã vào thương lượng với người dân để mua lại một ngôi nhà phu công nhà nhằm giữ gìn dấu tích của một thời phu cao su, nhưng nghe đâu cuộc thương lượng không thành công.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm