| Hotline: 0983.970.780

Dấu tích trong những căn nhà cổ

Thứ Ba 20/05/2014 , 07:30 (GMT+7)

Hơn 20 căn nhà cổ ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) có "tuổi đời" trên 200 năm không chỉ có giá trị về kiến trúc mà trong mỗi căn nhà còn thấp thoáng bóng dáng của đội hùng binh Hoàng Sa, những chiến binh đầu tiên hy sinh mạng sống để bảo vệ chủ quyền biển đảo./ Máu thịt Hoàng Sa

Những căn nhà trăm tuổi

Chuyến công tác ra Lý Sơn lần này đang mùa nắng nóng gay gắt thế nhưng vừa bước vào ngôi nhà 200 tuổi của ông Nguyễn Quốc Chinh ở thôn Đông xã An Hải (Lý Sơn), chúng tôi có cảm giác như vừa bước vào căn nhà có gắn máy lạnh.

Tôi nói ra ý này, ông Chinh cười hiền, bảo: "Ông bà mình ngày xưa giỏi thật, kiến trúc ngôi nhà kiểu gì mà mùa lạnh thì ấm mà mùa nóng thì mát. Do quá lâu đời, căn nhà xuống cấp nghiêm trọng nên phải sửa chữa nhiều lần. Tuy nhiên, những phần quan trọng của căn nhà vẫn còn được giữ nguyên vẹn”.

Theo ông Chinh, căn nhà này do cố nội của ông là cụ Nguyễn Văn Tuy thừa hưởng của tổ tiên. Căn nhà được cụ tổ cao, 1 trong 7 vị tiền hiền, những người đầu tiên lập nghiệp tại xã An Hải xây dựng cách nay khoảng trên 200 năm.

"Bây giờ, dù đã qua nhiều lần sửa chữa nhưng căn nhà vẫn còn 24 trụ gỗ, trước đó còn nhiều hơn nữa. Những trụ cái ở giữa nhà còn to hơn nhưng dù gỗ có tốt đến mấy mà trải qua mấy trăm năm cũng bị mục dần”, ông Chinh cho biết.

Nói xong, ông Chinh dắt tôi vào căn buồng nhỏ, đứng trên bàn để nhìn được những vỉ kèo, xiên được làm bằng kỹ thuật rất cao, kết nối với nhau bằng mộng, ngàm; đầu kèo được chạm khắc công phu.

"Do vách đất và mái tranh bị hư nên giờ phải thay bằng tường xây và mái tôn. Mái tôn giữ nhiệt nóng quá nên phải đóng trần cho mát, do đó làm khuất mất giàn vỉ kèo, xiên trên mái”, ông Chinh chia sẻ. Cái trang thờ mà ông Chinh đang còn lưu giữ có độ tuổi cùng với căn nhà, hiện vẫn còn bóng loáng.

12-27-12_2
Trang thờ 200 tuổi ông Chinh đang thờ tự hùng binh Hoàng Sa trong dòng họ

Căn nhà cổ của cụ Võ Hiển Đạt ở thôn Tây, xã An Vĩnh còn khá nguyên vẹn. Cụ Đạt cho biết: “Căn nhà này được ông cố tôi xây dựng cách nay khoảng 170 năm. Hồi trước, nghe ông bà kể lại, ông cố mua gỗ quý từ Quảng Nam đưa về bằng đường biển, công phu lắm.

Thợ mộc làm nhà cũng được thuê từ Kim Bồng ở Hội An (Quảng Nam). Căn nhà này làm hơn 2 năm mới hoàn thành. Chi phí xây dựng tính bằng tiền hồi đó giờ mình tính không ra, vàng phải cả rổ”.

Kể về lai lịch căn nhà cổ của mình, ông Dương Quang Định (70 tuổi), ở thôn Tây, xã An Hải, cho hay: "Hơn 400 năm trước, tổ tiên tôi cùng với 6 vị tiền hiền từ làng chài huyện Bình Sơn vượt biển ra đảo Lý Sơn khai làng, lập ấp. Nhiều người trong tộc họ đã gia nhập vào các đội dân binh ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật theo lệnh vua ban".

Theo ông Định, căn nhà cổ mà ông đang thừa hưởng được xây dựng cách đây khoảng 150 năm theo kiểu nhà rường đắp đất, với hệ thống cột kèo "rau muống" chạm khắc hình rồng, các hoành phi, câu đối chạm khắc công phu.

Theo diễn giải của chủ nhà, nhà rường là theo cách gọi của từng vùng, có nơi gọi là nhà mái chái, trần nhà được đắp thêm một lớp đất giữa hai mái để giảm bớt bức xạ nhiệt từ ánh nắng mặt trời, giúp ngôi nhà luôn thoáng đãng vào mùa nóng, ấm hơn trong mùa đông.

Ở đảo Lý Sơn hiếm đất nên chất liệu đất được thay bằng cây cỏ đế, san hô. Kiểu thiết kế này vừa phù hợp với thời tiết khắc nghiệt trên đảo vừa phòng tránh được hỏa hoạn.

Ngoài căn nhà cổ, ông Định còn đang lưu giữ một chiếc trang thờ mà theo ông, nó có tuổi thọ không dưới 200 năm, được tổ tiên truyền lại. Trang thờ này ông Định làm nơi thờ tự các dân binh đội Hoàng Sa.

Khẳng định chủ quyền

Trong những căn nhà cổ ở Lý Sơn đang còn lưu giữ những tài liệu, hình ảnh về đội thủy quân Hoàng Sa, Trường Sa; những cứ liệu quan trọng về chủ quyền của Việt Nam trên 2 vùng biển này.

Ông Dương Quang Định tâm sự: “Bốn thế hệ của dòng họ Dương đã từng sinh sống trong ngôi nhà này để bám biển Hoàng Sa mưu sinh và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngoài là nơi sinh sống của gia đình, căn nhà này còn là nơi thờ tự những dân binh đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải của dòng họ”.

Trong căn nhà cổ của cụ Võ Hiển Đạt trang trí rất nhiều bức hoành phi, câu đối nêu công đức của các vị tiền hiền có công khai phá đảo Lý Sơn và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Có lẽ, không khí thiêng liêng đầy ắp kỷ niệm về những bậc tiền nhân trong dòng họ, từng vinh dự được đứng vào hàng ngũ đội lính Hoàng Sa trong của căn nhà cổ đã khiến cụ Võ Hiển Đạt cả đời gắn với lính Hoàng Sa năm xưa.

12-27-12_3
Cụ Võ Hiển Đạt thừa hưởng căn nhà cổ do tổ tiên truyền lại

"Những căn nhà cổ trên đảo Lý Sơn xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVII-XVIII mang phong cách thuần Việt, theo kiến trúc của những căn nhà cổ ở miền Trung Trung bộ. Các họa tiết, hoa văn chạm trổ tứ linh (long, lân, quy, phụng), thể hiện tâm linh văn hóa Việt", ông Phạm Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn.

Cụ Đạt chuyên làm mô hình thuyền câu, phương tiện của hùng binh Lý Sơn cách đây mấy trăm năm dong buồm ra Hoàng Sa cắm mốc bảo vệ chủ quyền của biển đảo.

Mỗi một căn nhà cổ ở Lý Sơn được ví như một bảo tàng thu nhỏ, trong đó lưu giữ nhiều chứng cứ và tài liệu khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, đã được các tộc họ trên đảo Lý Sơn gìn giữ qua hàng trăm năm.

Nhiều tài liệu cổ và quý liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa như: Tờ lệnh ban hành ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (tức năm Giáp Ngọ 1834), điều động đội binh thuyền của các tộc họ trên đảo Lý Sơn đi Hoàng Sa thi hành công vụ.

Tờ lệnh này được tìm thấy ở 1 trong 24 ngôi nhà cổ ở đất đảo, được gia tộc họ Đặng ở Lý Sơn cất giữ gần 200 năm, nay đã được hiến tặng Nhà nước ta để phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Theo các nhà sử học, châu bản xưa có ghi lại cái nôi của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải là ở An Vĩnh và An Hải. Cai đội kiêm quan thủ ngự ở cửa biển Sa Kỳ có nhiệm vụ chống giặc, an ninh biển Đông. Lý Sơn là quê hương của những cai đội, dân binh đội Hoàng Sa, do đó ở huyện đảo này vẫn còn lưu dấu tích của họ.

Trong những dấu tích ấy, dễ nhận thấy là những nhà thờ họ, hàng chục ngôi nhà cổ gần như vẫn còn nguyên vẹn tại Lý Sơn. Nổi tiếng nhất là nhà thờ họ Phạm Quang, nơi thờ vị cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh, người từ năm 1815 đã tung hoành trên biển Đông, ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình.

Nổi tiếng không kém ở Lý Sơn là nhà thờ họ Phạm Văn, gia tộc có vị suất đội thủy quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật. Năm 1854, Phạm Hữu Nhật mất tích trên biển Đông. Sau đó, gia tộc đã an táng ông bằng một ngôi mộ gió tại thôn Đông, xã An Vĩnh.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.