| Hotline: 0983.970.780

Đấu tranh quyền tự lựa chọn cám

Thứ Hai 24/06/2013 , 10:13 (GMT+7)

Cả ngàn hộ chăn nuôi bò sữa tại huyện Ba Vì (Hà Nội) đang bức xúc vì chuyện có mỗi quyền được tự do lựa chọn cám ăn cho con bò sữa cũng sắp đứng trước nguy cơ bị tước bỏ…

Cả ngàn hộ chăn nuôi bò sữa tại huyện Ba Vì (Hà Nội) đang bức xúc vì chuyện có mỗi quyền được tự do lựa chọn cám ăn cho con bò sữa cũng sắp đứng trước nguy cơ bị tước bỏ…

Cứ chiều chiều, anh Nguyễn Văn Xuân, một nông dân có 3 con bò sữa ở xóm Mít, xã Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội) lại xách sữa đến đổ cho trạm thu mua gần nhà. Xô sữa nặng, bước chân nặng, lòng người cũng nặng.

Anh Xuân than thở: “Trước đây, có nhiều công ty thu mua sữa trên địa bàn nên có sự cạnh tranh với nhau về giá cả, người dân được lợi. Nay chỉ có mỗi mình Công ty Cổ phần sữa Quốc tế (IDP), giá thu mua đã từ lâu hầu như dậm chân tại chỗ, lấy công làm lãi thôi. Nếu ba bốn năm trước tính ra bình quân mỗi tháng nuôi một con bò sữa lãi khoảng 2,5 - 2,7 triệu đồng, giờ giỏi ra lãi được 1,5 triệu đồng”.

Không chỉ có giá thu mua sữa, điều làm anh Xuân lo lắng nhất chính là vấn đề cám cho bò sắp tới. Gia đình anh đã từng thử nhiều loại cám rồi chọn thương hiệu Phú Gia để dùng lâu dài vì chất lượng vì giá cả hợp lý.


Người chăn nuôi muốn được quyền tự do lựa chọn thức ăn

Tuy nhiên, mới đây các cán bộ nông vụ của nhà máy sữa IDP lại khuyến cáo miệng rằng phải lấy cám Nam Việt có mã số 888 do chính Cty họ phân phối mới đảm bảo chất lượng. “Theo khuyến cáo, gia đình tôi có lấy 10 bao cám Nam Việt 888 để cho bò ăn thử trong vòng hơn một tháng và thấy sản lượng sữa không tăng, hàm lượng phần trăm chất béo, chất khô vẫn thế nên giá thu mua không thay đổi.

Trong khi các loại cám khác không tăng giá mấy thì cám Nam Việt cứ tăng vù vù, giờ đã là 368.000 đ/bao/40 kg nên chúng tôi lại chuyển về loại cám cũ. Cán bộ nông vụ bảo đem kiểm nghiệm cám này tốt, cám kia xấu nhưng chúng tôi là nông dân chỉ kiểm nghiệm bằng năng suất, bằng chất lượng sữa thực tế của đàn bò mà thôi”, anh Xuân bức xúc.

Nông dân Nguyễn Văn Tiến có 9 con bò sữa cả to lẫn nhỏ cho hay: “Khi tôi sử dụng cám Nam Việt 888 sản lượng sữa vẫn như cám trước đây và nhưng giá thu mua sữa đang 12.250 đ/kg giảm còn 12.150 đ/kg, sau đó chuyển sang ăn cám khác thì giá bán sữa lại đạt 12.350 đ/kg”.

Bà Kim Thị Đào, Hội trưởng Hội Chăn nuôi bò sữa xã Yên Bài (huyện Ba Vì) bức xúc: “Vừa qua Cty sữa IDP có nói rằng các cám trên thị trường hiện nay không đạt tiêu chuẩn, chỉ có mỗi cám Nam Việt 888 là tốt. Họ còn nói nếu ai dùng cám này khi thu mua sẽ tăng 200 đ/kg và nông hộ nào đạt chuẩn (đạt các tiêu chí về điều kiện nuôi theo bộ tiêu chuẩn “Sữa tươi nông trại Việt”- dòng sản phẩm mới mà IDP đang khuyến cáo) còn được thưởng thêm.

Tuy nhiên chỉ trong hai tháng, giá cám Nam Việt 888 đã tăng giá đến hai lần (trước 356.000 đ/bao tháng này đã 368.000 đ/bao) trong khi các loại cám khác giá vẫn bình ổn. Con bò vốn quen ăn một loại cám, loại cám đó nếu năng suất đạt, chất lượng sữa đạt là bà con chúng tôi dùng thôi. Về giá sữa, hồi tổng kết hợp tác ba bên, Cty IDP có nói tháng 4 năm 2013 sẽ tăng cho bà con mà tới giờ là giữa tháng 6 vẫn chưa thấy”.


Loại cám đang được ráo riết khuyến cáo sử dụng lại có giá khá cao

Ông Phí Đình Nghi, một đại lý thu mua sữa kiêm phân phối cám cho bò ở xã Vân Hòa tiết lộ: “Bán mỗi bao cám 40 kg của các thương hiệu khác tôi được 7.000 - 8.000 đ tiền lãi nhưng nếu bán cám Nam Việt 888 được 17.000 đ lãi. Tuy lãi cao nhưng tôi thấy xót ruột cho người nông dân quá bởi giá thức ăn cao như vậy, nếu nuôi ba bốn con bò coi như mỗi ngày họ mất đứt một lít sữa rồi còn gì?”.

Anh Nguyễn Văn Sơn, nông dân nuôi bò ở xã Vân Hòa cho biết: “Trước đây gia đình chúng tôi có dùng cám Nam Việt thấy năng suất sữa tốt nhưng từ hồi Cty tăng giá nhiều đã đổi sang loại cám khác tương đương, năng suất sữa vẫn thế mà mỗi tháng tiết kiệm được 280.000 đ tiền mua thức ăn”.

Ba Vì có nhiều xã nuôi bò sữa với tổng cộng số đầu con khoảng trên 7.000. Tuy không tiêu thụ số lượng nhiều như thức ăn lợn, thức ăn gia cầm nhưng thức ăn bò sữa lại đem lại tỷ lệ lợi nhuận cao cho các Cty SX. Vì thế Ba Vì trở thành một “chiến trường” để cho nhiều thương hiệu thức ăn như Nam Việt, Lái Thiêu, Phú Gia, Voi Vàng, … cạnh tranh nhau khốc liệt.

Một người trong cuộc bảo tôi, cuộc cạnh tranh dần đã trở nên không lành mạnh khi Cty sữa IDP nhảy vào cuộc, trực tiếp phân phối cám Nam Việt 888: “Cán bộ phòng nông vụ của nhà máy cứ khuyến cáo miệng tới các trạm thu mua sữa để từ đó trạm ép người chăn nuôi phải tiêu thụ cám Nam Việt 888 mới đảm bảo chất lượng, mới được tăng 200 đ/kg sữa.

Tăng 200 đ nhưng thực tế trừ đi chất béo, chất khô này nọ (những cái này nhà máy tự kiểm tra) thì tiền bán sữa nông dân thu về vẫn như cũ trong khi mỗi bao cám lại bị đắt lên gần 20.000 đ. Thực tế đó khiến cho người ta nghĩ phải chăng có sự bắt tay, ăn chia giữa cty cám và phòng nông vụ nhà máy?

Người nông dân được mỗi cái quyền tự do lựa chọn cám cho bò mà giờ đây họ cũng tước đoạt mất. Bảo cám ngoài không đảm bảo tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng sữa thì hãy kiểm tra đầu ra, nếu đảm bảo thì thu mua, còn không thì thôi".

Riêng về giá thu mua sữa, hiện nay nông dân Ba Vì không có sự lựa chọn nào khác ngoài bán cho IDP vì các Cty khác đã bị “đuổi” ra khỏi vùng rồi. Muốn tăng đàn, muốn xây dựng một thương hiệu sữa Ba Vì thật tốt nhưng hiệu quả chăn nuôi thấp nên nông dân giờ đây cũng không mạnh dạn trong đầu tư nữa.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất