| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư lò sấy lúa quy mô lớn

Thứ Sáu 03/08/2012 , 09:51 (GMT+7)

Trong các công đoạn nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch lúa gạo, khâu phơi sấy được xem là mắt xích yếu nhất. Hiện các DN đang có xu hướng chuyển mạnh đầu tư lò sấy có quy mô công suất lớn.

 Vụ HT 2012, các tỉnh vùng ĐBSCL thu hoạch lúa gặp mưa dầm kéo dài, lúa ướt nhưng khâu phơi sấy vẫn còn bị động. DN kinh doanh lúa gạo lo nhất là nếu phơi sấy không đạt, chất lượng hạt gạo giảm sút, tổn thất càng cao.

2 năm, tăng 2.000 lò sấy

Trong các công đoạn nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch lúa gạo, khâu phơi sấy được xem là mắt xích yếu nhất. Hiện một số tỉnh còn trở ngại về vốn nên tốc độ đầu tư chậm. Tuy nhiên xu hướng đang chuyển mạnh đầu tư lò sấy có quy mô công suất lớn.

Theo TTKN 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, đến vụ HT 2012 toàn vùng có 9.600 lò sấy, đáp ứng 45-50% lúa được sấy. Trong đó An Giang dẫn đầu với 2.327 lò sấy, đáp ứng 70% nhu cầu; kế đến Kiên Giang 2.293 lò, đáp ứng 65% nhu cầu; Long An 1.356 lò…


Lò sấy lúa nhộn nhịp vụ HT

Th.S Tống Hữu Thuẩn có thời gian dài là cán bộ chuyên trách thực hiện dự án xử lý sau thu hoạch của dự án DANIDA (Đan Mạch) ở ĐBSCL nhận xét: Trong 15 năm qua các giải pháp kỹ thuật sấy lúa được ứng dụng trong vùng phổ biến nhất là lò sấy vĩ ngang. Đến năm 2006 ĐBSCL có 7.352 lò sấy, trong đó lò sấy công suất 4 tấn/mẻ chiếm 80%, 8 tấn mẻ chiếm 10%; 15-25 tấn/mẻ chiếm 3% và thường phát triển ở các vùng sấy lúa nếp ở Phú Tân (An Giang); Chợ Gạo (Tiền Giang).

Đặc biệt trong 5 năm qua do yêu cầu thị trường XK và tiêu thụ gạo nội địa đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, dịch vụ sấy có nhu cầu lớn trong SX lúa, từ đó số lò sấy đầu tư tăng mạnh. Nhiều nhất là trong 2 năm qua (2010-2011) hầu hết các chủ cơ sở sấy lúa xây lắp lò sấy vĩ ngang có công suất 30-40 tấn/mẻ, mỗi cơ sở đầu tư 6-10 lò sấy và dịch vụ, đáp ứng chủ yếu cho đối tượng khách hàng là hàng xáo (thương lái mua bán lúa gạo). Theo ước tính trong 2 năm qua toàn vùng tăng thêm khoảng 2.000 lò sấy, quy ra công suất 20 tấn/mẻ.

Mặt khác, trước xu hướng chuyển dịch lao động nông thôn và thu hoạch máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng lớn, sân phơi không đáp ứng nhu cầu, đa số nông dân thu hoạch xong bán lúa tươi cho hàng xáo. Hàng xáo thu mua chở đến cơ sở lấy lúa theo ẩm độ đạt yêu cầu xay xát của các DNXK gạo.

Do đó chủ đầu tư lò sấy là những người chuyên làm dịch vụ sấy lúa cho hàng xáo; sấy dịch vụ kết hợp kho tồn trữ lúa; NM xay xát lúa gạo và một số DN kinh doanh XK gạo thực hiện đủ điều kiện đầu tư từ chế biến, kho trữ đến lò sấy đạt tiêu chuẩn.

Loại dịch vụ phát triển nhanh

Một DN tại Cần Thơ cho biết, thực hiện Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh XK gạo, trong đó có yêu cầu đầu tư lò sấy. Với một NM xay xát công suất 250 tấn/ngày đêm cần đầu tư 4 lò sấy cống suất trên 25 tấn/mẻ, chi phí đầu tư thiết bị trên 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hướng mở lò sấy làm dịch vụ cho thấy hiệu quả đang phát triển nhanh.

Ông Trần Văn Năm, chủ cơ sở sấy lúa tại ấp phường Thuận An, quận Thốt Nốt (Cần Thơ) đầu tư 31 lò sấy vĩ ngang với các mức công suất 13 lò sấy loại 20 tấn/mẻ; 10 lò loại 30 tấn mẻ và 8 lò loại 40 tấn/mẻ… kèm theo các thiết bị phụ trợ băng tải lên xuống lúa, máy thổi trấu vào kho, hệ thống gạt trấu tự động cho lò đốt.

Trong năm 2011 các lò sấy của ông Năm chuyên làm dịch vụ sấy lúa cho hàng xáo đạt 30.000 tấn, trong đó lúa HT đạt 13.000 tấn. Với giá sấy lúa tươi 130.000 đ/tấn, trừ chi phí (chưa tính lãi suất ngân hàng, thuế và khấu hao máy) còn lãi 54.000 đ/tấn.

Theo Quyết định 65/2011/QĐ-TTg (sửa đổi Quyết định 63/2010/QĐ-TTg) về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 2/12/2011 thì tổ chức hộ gia đình, cá nhân được vay vốn và hỗ trợ lãi suất khi mua máy móc để phục vụ cho SXNN sẽ được vay vốn ngân hàng bằng chính số tiền mua máy. Người mua được ưu tiên không có lãi suất trong 2 năm đầu và năm thứ 3 lãi suất chỉ bằng một nửa so với quy định.

Tuy nhiên, theo ông Năm khó khăn nhất của cơ sở là vốn đầu tư. Ông đã đi đến các ngân hàng để mong tiếp cận được vốn vay theo các quyết định hỗ trợ vay ưu đãi, nhưng yêu cầu phải có thế chấp bằng đất ruộng chứ không thế chấp bằng nhà cửa hoặc máy móc… Vì vậy cơ sở khó phát triển rộng hơn.

Ông Phạm Văn Quỳnh, GĐ Sở NN-PTNT Cần Thơ cho biết: Cần Thơ có 853 lò sấy lúa, đáp ứng 40% nhu cầu. Trước đây công suất phổ biến 4-8 tấn/mẻ, nhưng gần đây một số DN tư nhân đầu tư vay vốn ưu đãi theo Quyết định 65/2011/QĐ-TTg lựa chọn thiết bị sấy công suất 20-50 tấn/mẻ. Cần Thơ hiện có khoảng 400 lò sấy loại này.

Thế nhưng, một cán bộ chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Cần Thơ cho biết, bênh cạnh chủ trương ưu đãi theo quyết định 65/2011/TTg, HĐND TP Cần Thơ còn có Nghị quyết cho vay ưu đãi đầu tư các loại máy nông nghiệp phục vụ sau thu hoạch. Đối tượng được vay là nông dân, chủ cơ sở, DN trên địa bàn 4 quận và 4 huyện. Trong 2 năm qua, tính số tiền lãi ưu đãi Nhà nước chi ra hơn 3 tỷ đ/năm. Tuy nhiên, các đối tượng vay đầu tư chủ yếu là trang bị máy gặt đập liên hợp, còn lò sấy chưa nhiều…

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.