Chính sách hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho hộ nông dân hiện đại hóa sản xuất theo hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa còn ít và còn nhiều hạn chế, nông dân Việt Nam đang thiếu sự tư vấn về quản lí trang trại, quản lí chất lượng, tổ chức sản xuất, marketing. Nhiều hộ nông dân còn thiếu định hướng SX bền vững và bị chèn ép bởi các công ty đa quốc gia, DN nước ngoài...
Việt Nam làm thế nào để thúc đẩy sản xuất, đưa sản phẩm nông nghiệp VN ra thị trường thế giới. Báo NNVN đã trao đổi với ông Vũ Trọng Bình (ảnh) – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, Bộ NN-PTNT.
ĐẦU TƯ NÔNG NGHIỆP QUÁ KHIÊM TỐN
Nông nghiệp luôn là điểm tựa của nền kinh tế mỗi khi suy thoái, vậy nhưng so với công nghiệp, dịch vụ, bất động sản… thì nguồn lực dành để thực hiện các chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp lại quá khiêm tốn. Ông đánh giá thế nào về khả năng tiếp cận chính sách của người nông dân VN hiện nay?
Nguồn tiền của Chính phủ dành cho chính sách nông nghiệp để hỗ trợ các trang trại bị phá sản, bị dịch bệnh không nhiều so với đóng góp của ngành vào GDP. Tiền cho bất động sản có thể đề cập tới những khoản vài ba chục ngàn tỉ nhưng tiền cho ngư dân bám biển, tiền để hỗ trợ nông dân tái đàn khôi phục sản xuất, tiền để hỗ trợ hạ tầng vùng chăn nuôi, vùng nuôi trồng thủy sản thì chưa thật tương xứng với đóng góp về mặt KT, XH, xóa đói giảm nghèo của các ngành này.
Điều này cho thấy vai trò của ngành nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Bất động sản bây giờ mới xuống, kêu lỗ và đòi hỗ trợ nhưng ngành nông nghiệp thì lỗ từ lâu rồi, nông dân của chúng ta từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản đều bị lỗ đã nhiều lần. Thử đặt câu hỏi đã có bao nhiêu trang trại chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt bị thiệt hại do gặp dịch bệnh, sụt giá thị trường được “cứu” như cách đặt vấn đề của nhiều chuyên gia với bất động sản? Rõ ràng có sự mất cân đối trong đặt vấn đề của các chuyên gia tài chính về chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng khác nhau trong xã hội.
Cũng có những chính sách hỗ trợ đôi khi không đến được người nông dân mà chính những doanh nghiệp trung gian hưởng lợi. Vậy cần thực thi chính sách như thế nào để khắc phục tình trạng này?
Theo kinh nghiệm quản lý ở các nước tiên tiến, có hai cách để triển khai chính sách hỗ trợ đến với từng hộ dân. Trong trồng trọt, người ta hỗ trợ theo diện tích. Người nông dân sở hữu bao nhiêu diện tích sản xuất, nếu gặp thiên tai nhà nước có thể hỗ trợ theo diện tích mà anh sở hữu.
Đây là phương pháp hỗ trợ trực tiếp đơn giản nhất, cách này cũng khuyến khích việc sử dụng đất trở nên minh bạch hơn bởi người đang sử dụng đất thực sự sẽ luôn có nhu cầu được hỗ trợ khi gặp rủi ro. Trong trường hợp thuê, mượn họ vẫn đòi hỏi sự minh bạch để đảm bảo quyền lợi.
Trong chăn nuôi, họ thường áp dụng theo hai cách: I) hỗ trợ phổ thông, cả cho các hộ nghèo, qui mô nhỏ, thông qua chính quyền; II) hỗ trợ gắn với các điều kiện quản lí hiện đại; hỗ trợ theo hồ sơ quản lý đến từng hộ trang trại. Trên cơ sở hồ sơ quản lý nhà nước sẽ xác định thiệt hại của từng trang trại và đưa ra mức hỗ trợ. Trang trại nào không thực hiện quản lí đúng qui định của nhà nước sẽ không được nhận hỗ trợ rủi ro.
Việt Nam chưa thể đạt ngay được đến trình độ quản lý này. Nhưng nhà nước cần tiến hành thử nghiệm với những trang trại qui mô lớn, nâng cao năng lực quản lý cho các chủ trang trại, quản lý trên số đầu con, qui trình kĩ thuật chăm sóc, vệ sinh, thú y… để đến khi xảy ra vấn đề, nhà nước sẽ có cơ sở để hỗ trợ.
Theo tôi, để chính sách thực sự đến với người dân, góp phần định hướng sản xuất, nhà nước cần phân loại 2 đối tượng cần hỗ trợ: sản xuất phân tán nhỏ lẻ phổ thông và sản xuất trang trại, quy mô lớn trong đó loại hình sản xuất trang trại muốn được hỗ trợ phải gắn với điều kiện quản lí tốt.
Hiện nay ở nước ta thường hỗ trợ sau khi bị thiệt hại mà chưa xác định hỗ trợ theo điều kiện quản lí trang trại tốt. Đối với trang trại không chỉ là hỗ trợ tài chính mà có thể hỗ trợ bằng đánh giá kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ mua bảo hiểm vật nuôi… Bảo hiểm nông nghiệp của chúng ta hoạt động chưa hiệu quả là vì ta chưa có quản trị nông nghiệp minh bạch.
CHỐNG ĐỘC QUYỀN VÀ VẤN ĐỀ THỊ TRƯỜNG
Lấy ví dụ thực trạng ngành chăn nuôi hiện nay, một số ít DN nước ngoài đang nắm phần lớn thị phần, trong khi hàng trăm DN Việt Nam phải chia nhau thị phần nhỏ bé còn lại. Vậy làm thế nào để vực DN trong nước phát triển, hạn chế sự lệ thuộc DN nước ngoài?
Doanh nghiệp nước ngoài hơn chúng ta hẳn về tài chính, kĩ thuật công nghệ, năng lực quản trị, họ có khả năng vươn tới nhiều thị trường trên thế giới, vì vậy nhà nước cần có giải pháp để khống chế về mặt thị trường, chống độc quyền DN.
Muốn thế thì phải minh bạch thông tin từng dòng sản phẩm để ta kiểm soát tốt khối lượng hàng trên thị trường, hoàn chỉnh cơ chế quản lí thị trường chống độc quyền, tạo sân chơi cho DN khác. Cách thứ hai nữa là chúng ta có thể sử dụng công cụ thuế giá trị gia tăng để điều hòa giá cả, tránh một số DN đẩy giá quá cao để đạt lợi nhuận siêu khủng trong điều kiện họ độc quyền.
Cả hai cách này chúng ta cũng chưa làm được, ví dụ vụ trứng của C.P chẳng hạn. Dư luận tạo sức ép nên Cty C.P mới phải rút giá xuống nhưng xét về mặt quản lý thì nhà nước không thể kiểm soát được lượng trứng trên thị trường của C.P là bao nhiêu?
Tôi nghĩ nhà nước nên ủy thác cho một công ty tư vấn độc lập nghiên cứu thị trường. Họ sẽ đánh giá xem ông C.P hiện nay đưa ra bao nhiêu trứng vào thị trường, nếu quá bao nhiêu %, ví dụ cần bàn xem quá 30% hoặc 50% thì ta đánh thuế độc quyền. Xử lý được độc quyền thì các DN vừa và nhỏ mới có cơ hội phát triển.
Nhưng nói đến sự phát triển mạnh mẽ của DN nước ngoài cũng phải nhìn lại chiến lược phát triển sản xuất trong nước, xét xem vì sao năng lực cạnh tranh của chúng ta còn kém. Về nguyên tắc, sản xuất phải gắn với thị trường, có thể nói thị trường là cái đầu kéo sản xuất lên. Nhưng hiện nay hoạt động của chúng ta chỉ tập trung vào sản xuất, bỏ khuyết thị trường, chưa coi thị trường là thực địa.
Thử hỏi hiện nay chúng ta có bao nhiêu cán bộ, chuyên gia thường xuyên lăn lộn ở Nhật, ở EU, ở Mĩ để đánh giá thị trường, hoạt động xúc tiến thương mại? Ta cần có chính sách hỗ trợ cho mỗi địa bàn thị trường quốc tế chiến lược có một nhóm chuyên gia giỏi hoạt động tìm hiểu thị trường để hiểu thị trường TQ thế nào, hiểu thị trường Nhật thế nào, nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng ở EU khác với Mĩ ra sao. Thị trường cần sản phẩm gì, ta sản xuất bán sản phẩm đó.
Nếu thiếu thông tin nghiên cứu thị trường sẽ rất khó trong định hướng chỉ đạo sản xuất.
Nông sản nước ta chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu. Có thể thấy, so với các nước, năng lực chế biến của chúng ta còn yếu nên khả năng khai thác thị trường cũng bị hạn chế?
Cần xác định thị trường bán buôn, bán lẻ. Ta phải xác định sản phẩm nào lợi thế để xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu DN để từ đó có chính sách hỗ trợ cho thương hiệu đó, cho dòng sản phẩm đó.
Ở Pháp người ta xây dựng thương hiệu quốc gia “Nhãn đỏ - Label rouge” cho các sản phẩm nông nghiệp cao cấp. Họ ra tiêu chí điều kiện để sử dụng Nhãn đỏ, từ sản xuất đến thị trường, ra điều kiện ràng buộc các DN, hộ nông dân, tổ chức nghề nghiệp nếu đáp ứng được các điều kiện thì nhà nước sẽ cấp “nhãn đỏ” và quảng bá giúp sản phẩm ấy trên cả nước. Tương tự, thương hiệu “nhãn xanh” dành cho những sản phẩm đáp ứng tiêu chí môi trường…
Tại sao Việt Nam không làm như vậy? Ví như gạo, ta có thể bán buôn số lượng lớn, nhưng trong đó sẽ dùng 20-30% gạo chất lượng cao bán với thương hiệu. Nhà nước sẽ quy định 20-30% ấy là gạo gì, doanh nghiệp nào đăng kí vào chương trình ấy và nhà nước phải xây dựng chính sách hỗ trợ từ sản xuất, chế biến, phân phối, marketing để đưa dòng gạo ra chiếm lĩnh thị trường.
Việc xây dựng thương hiệu không nên nhầm lẫn chỉ là đăng kí nhãn hiệu hàng hóa mà là cả một chuỗi nông nghiệp – thực phẩm từ sản xuất đến tay người tiêu dùng, tạo ra ấn tượng, chỗ đứng trong hành động lựa chọn mua sản phẩm của người tiêu dùng.
Xin cảm ơn ông!