| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư vào ĐBSCL chưa xứng tiềm năng

Thứ Ba 26/11/2013 , 06:15 (GMT+7)

Môi trường đầu tư vào vùng ĐBSCL ngày càng tốt hơn. Chỉ số năng lực cạnh tranh của các tỉnh trong vùng đã cải thiện khá tốt. Điển hình năm 2012 tỉnh Đồng Tháp đứng đầu 63 tỉnh thành trong cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tuy vậy, tiềm năng và lợi thế của từng địa phương vẫn chưa được khai thác hết.

Ngày 25/11, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC Vĩnh Long 2013) đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư vào ĐBSCL. Đây là hội nghị mở đầu cho Diễn đàn gồm 6 sự kiện chính diễn ra từ ngày 25-26/11/2013.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị cùng với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và lãnh đạo các tỉnh thành vùng ĐBSCL, ngành ngân hàng, các Bộ ngành.

Thế mạnh nông nghiệp

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: Môi trường đầu tư vào vùng ĐBSCL ngày càng tốt hơn. Chỉ số năng lực cạnh tranh của các tỉnh trong vùng đã cải thiện khá tốt. Điển hình năm 2012 tỉnh Đồng Tháp đứng đầu 63 tỉnh thành trong cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Đáng chú ý nhất ở ĐBSCL vẫn là giá trị SX nông nghiệp, năm 2012 đạt 122.506 tỷ đồng. Xuất khẩu trên 7,2 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 3,2 tỷ USD. Đến nay, ĐBSCL đã hình thành được các mô hình tập trung chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, tạo ra được khối lượng hàng hóa lớn.

Theo tính toán thì mức thu trên mỗi ha đất trong SX năm 2012 đạt 41 triệu đồng/năm. Ngành chế biến thủy hải sản là mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng cao nhất ở ĐBSCL.

Mặc dù, nông nghiệp ĐBSCL có lợi thế như vậy, nhưng việc quy hoạch đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái vẫn còn chậm. Đặc biệt, trong vùng có tới 90% DN vừa và nhỏ nên giá trị gia tăng thấp. Thời gian tới cần khai thác hết tiềm năng và lợi thế của từng địa phương- vẫn theo ông Nguyễn Phong Quang.


Sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL.

Theo Bộ KH-ĐT, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng 7 tháng đầu năm nay ước đạt 8,5% (năm 2012 là 9,5%). Riêng giá trị về SX nông nghiệp là 98.720 tỷ đồng, bằng 59,8% so với kế hoạch. Bộ KH-ĐT nhận xét, tăng trưởng của vùng có chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái do khó khăn chủ yếu từ ngành nông nghiệp và công nghiệp.

Đề cập đến nguồn vốn đầu tư cho ĐBSCL, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN cho biết: Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng cho ĐBSCL tính đến cuối tháng 10/2013 đạt 228.267 tỷ đồng, tăng 9,02% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động tại chỗ mới chỉ đáp ứng được 78% nhu cầu tại khu vực.

Để phát huy hết tiềm năng của ĐBSCL, thời gian tới sẽ xây dựng cơ chế đặc thù cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Đặc biệt, phối hợp với Bộ NN-PTNT xây dựng cơ chế tín dụng nhằm giảm tổn thất trong thu hoạch.

Vốn FDI đứng thứ 4 trong 7 vùng

Theo Bộ KH-ĐT, trong giai đoạn 2012-2013, tổng giá trị vốn ODA cho vùng ĐBSCL được ký thông qua các Hiệp định với các nhà tài trợ đạt khoảng 3,954 triệu USD (chiếm 6,77%) so với nguồn vốn ODA của cả nước. Kế hoạch 2013 toàn vùng bố trí 1.993,4 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài 1.239,97 tỷ đồng.

Trên địa bàn vùng ĐBSCL đã có 802 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 11 tỷ USD, đứng thứ 4/7 vùng trong cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2013, các tỉnh ĐBSCL thu hút được 45 dự án với 269 triệu USD. Vốn FDI trên địa bàn vùng ĐBSCL tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh thành ĐBSCL đã trao chứng nhận cho 23 đại diện nhà đầu tư và 4 chứng nhận chủ trương đầu tư cho: Cty TNHH MGA CUMMINS Việt Nam (An Giang); Cty TNHH TM - Dịch vụ và Du lịch Cẩm Quyên (Bạc Liêu); Cty CP Xây dựng và Phát triển nhà Trà Vinh (Trà Vinh) và Cty TNHH De Heus – Hà Lan (Vĩnh Long).

Làm gì để thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào ĐBSCL? TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ phân tích: Những trở ngại chính trong thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL thường được nhắc đến vẫn là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Công tác quảng bá hình ảnh ĐBSCL cũng chưa thật sự tích cực.

Tuy nhiên, TS Dũng cho biết, một cuộc điều tra mới đây cho thấy, trong 10 yếu tố tác động mạnh nhất đến quyết định lựa chọn quốc gia đầu tư của DN FDI, 5 yếu tố DN quan tâm thì lao động chiếm đến 2 gồm: Chi phí lao động và chất lượng lao động, nhưng hai yếu tố này lại là điểm rất yếu của ĐBSCL.

Cũng theo TS Dũng, thu hút nguồn vốn FDI gần đây đang dịch chuyển dần về các tỉnh ở gần TP.HCM, gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Điều này cho thấy Long An gần TP.HCM nên có nguồn nhân lực chất lượng. Đây cũng là một trong những nhân tố quan trọng để các tỉnh trong vùng tham khảo.

Là DN nước ngoài trực tiếp đầu tư vào tỉnh Vĩnh Long, ông Gabor Fluit, TGĐ Cty De Heus Việt Nam, nói: Tổng vốn đầu tư của De Heus tại Việt Nam là 53 triệu USD, trong đó vốn đầu tư cho thủy sản là 12 triệu USD. Năm 2014, De Heus sẽ đầu tư thêm một nhà máy SX thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Vĩnh Long với số vốn dự kiến 12 triệu USD.

Tuy nhiên, ông cũng nhận xét rằng, hiện tại những chính sách ưu đãi đầu tư cho DN không nhiều như những năm trước mặc dù tỉnh Vĩnh Long rất ưu ái. Ông kiến nghị địa phương và Trung ương cũng nên tăng cường đầu tư để nâng cao hệ thống cầu, đường.

Ông Bùi Ngọc Sương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: Việc thu hút đầu tư thời gian qua chưa có dự án lớn, thật sự tác động đến phát triển công nghiệp của ĐBSCL. Quy mô vốn dự án FDI còn nhỏ, công nghệ SX ở mức trung bình.

Ông Sương kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế liên kết điều phối vùng và cơ chế chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư. Ngoài ra, ưu đãi nhiều hơn về thuế, đất đai và tăng đầu tư cơ sở hạ tầng cho ĐBSCL…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh kết luận: ĐBSCL đầy tiềm năng và có lợi thế đặc biệt về SX nông nghiệp, thủy sản, kinh tế biển, đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước.

Thời gian qua, các địa phương đã thu hút được 802 dự án vốn đăng ký là 11 tỷ USD, vốn ODA cũng đã kêu gọi được 4 tỷ USD. Bên cạnh đó, Chính phủ đã quan tâm quy hoạch và đầu tư hạ tầng, tạo môi trường cho nhà đầu tư làm ăn thuận lợi hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được ĐBSCL vẫn chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế.

Phó Thủ tướng đề nghị, các Bộ ngành và địa phương cần chủ động rà soát quy hoạch, cơ cấu lại SX gắn với thị trường trong và ngoài nước. Tạo điều kiện cho các địa phương phát huy thế mạnh và lợi thế để thu hút đầu tư. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ vay ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu.

 

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất