| Hotline: 0983.970.780

Dấu xưa xe ngựa...

Thứ Năm 18/08/2011 , 10:39 (GMT+7)

Nhiều người cho rằng sẽ không lâu nữa, hình ảnh những chiếc xe ngựa sẽ đi vào dĩ vãng, tiếng vó ngựa chỉ còn vang vọng trong quá khứ…

Xe ngựa là phương tiện vận tải hữu dụng và nổi tiếng một thời. Tuy nhiên số người ở Phú Yên hiện còn sống với nghề chạy xe ngựa chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Những người làm nghề này hầu hết đều nối nghiệp gia đình và có niềm đam mê mãnh liệt.

MỘT THỜI VANG BÓNG

Phú Yên là xứ ngựa nổi tiếng một thời. Theo các tài liệu, ngày xưa người dân các địa phương trong tỉnh Phú Yên đều nuôi ngựa. Lúc đó nhà nào có con ngựa cũng như bây giờ có xe máy. Ngựa nuôi dùng để thồ hàng, phục vụ nhu cầu đi lại và bán cho các vùng khác. Ngựa Phú Yên từng được xem là giống ngựa tốt, thường được chọn dâng triều đình làm “ngựa dụng”.

Thời kỳ chống giặc ngoại xâm, hàng ngàn con ngựa ở Phú Yên cũng được huy động tham gia tải gạo, thực phẩm, đạn dược ra chiến trường. Sau này, khi đường sá thông thoáng, người dân bắt đầu đóng xe cho ngựa kéo, rồi hình thành nghề vận tải bằng xe ngựa và thịnh hành trong thời gian dài. Nổi tiếng nhất là khu vực Phú Lâm (thuộc các phường Phú Thạnh, Phú Đông, Phú Lâm của TP. Tuy Hòa ngày nay) với số người tham gia nghề này đông đảo nhất tỉnh. Ở các địa phương trong tỉnh đều hình thành các bến xe ngựa, trong đó có hai bến lớn nhất là bến xe Phú Lâm và bến xe nội tỉnh.

Ngày nay, nhiều địa phương trong tỉnh còn có các địa danh gắn với ngựa, như xóm Ngựa (thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa), bến Ngựa (thôn Phú Diễn, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa). Theo những người hành nghề chạy xe ngựa, cả tỉnh có khoảng vài chục xe còn lăn bánh, rải rác ở các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa. Còn các địa phương khác như Tuy An, Đồng Xuân thì người dân chủ yếu nuôi ngựa để thồ hàng.

 NHỮNG HẬU DUỆ ÍT ỎI

Thỉnh thoảng vào những buổi sáng, người ta vẫn nghe tiếng nhạc ngựa quen thuộc của ông Thái Văn Hiểu (thường gọi là Sáu Hiểu, 56 tuổi, ở thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1) xuôi ngược trên ĐT 645.

Tìm đến nhà ông Sáu Hiểu không khó, vì ông là người duy nhất ở huyện Tây Hòa còn hành nghề chạy xe ngựa. Gia tộc ông Thái Văn Hiểu cũng có năm đời truyền nhau làm nghề vận tải bằng sức ngựa. Riêng ông, đến nay đã thâm niên 38 năm trong nghề. Ông Sáu Hiểu tâm sự: “Nghề chạy xe ngựa đã quá lỗi thời trước sự phát triển của các phương tiện vận tải hiện đại, nhưng như một mối lương duyên, tôi không thể bỏ nghề này được”.

Có điều ông Sáu Hiểu cảm thấy cô đơn vì những người đồng nghiệp ở xóm Ngựa và cả huyện Tây Hòa đều lần lượt giải nghệ, tìm việc khác sinh nhai. Ông Sáu Hiểu trải lòng: “Mê lắm! Khi xưa, những người chạy xe ngựa chúng tôi thường có hội, có nhóm. Sáng nào cũng đánh xe về các bến xe ngựa Phú Lâm, Tuy Hòa để chờ chở khách hoặc chạy hàng. Khi đó, những người chủ xe ngựa chúng tôi có thời gian ngồi uống cà phê khoe với nhau về con ngựa chiến của mình hoặc chia sẻ những chuyện buồn vui trong cuộc sống. Bây giờ thì buồn và lẻ loi quá”.

Cũng như huyện Tây Hòa, một thời ở huyện Đông Hòa cũng rất nổi tiếng về nghề chạy xe ngựa. Nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hiện địa phương này chỉ còn 14 người trụ với nghề này. Họ đều là những người làm nghề từ lâu.

Buổi sáng tinh mơ, chúng tôi gặp hai anh em Nguyễn Bá Trưng (36 tuổi) và Nguyễn Bá Tòng (31 tuổi) ở thôn Phước Lộc 2, xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) đang “đứng bến” tại vựa gỗ của ông Lê Trung Hiếu (xã Hòa Thành). Với hơn 10 năm trong nghề, anh Trưng và anh Tòng là hậu duệ đời thứ 5 của một gia đình sống bằng nghề vận tải xe ngựa. Anh Trưng kể: “Từ đời ông cố, rồi tiếp đến đời ông nội, ông ngoại của tôi đều sống bằng nghề ngựa thồ (thồ hàng thuê bằng ngựa). Sau đó, cha, chú và các cậu tôi phát triển thành nghề chạy xe ngựa”.

Hiện nay, hầu như những người chạy xe ngựa ở huyện Đông Hòa và Tây Hòa đều hợp tác với các chủ vựa gỗ để vận tải gỗ cho khách hàng. Còn ở huyện Phú Hòa thì những người chạy xe ngựa chỉ dựa vào các nhà máy xay xát để vận chuyển lúa, gạo cho nông dân.

MÊ NGỰA

Ngựa là động vật thông minh và rất mực trung thành, trí nhớ của chúng khá tốt, có thể nhớ được mặt chủ sau nhiều năm xa cách. Nhờ có sức dẻo dai, một con ngựa có thể lao động cho chủ trong khoảng 20 năm. Một con ngựa tơ được mua về chỉ mất khoảng một tuần huấn luyện là có thể thuần thục kéo xe, thồ hàng. Giá trị của ngựa cũng vô cùng. Một con ngựa hay, giống tốt có khi vài chục triệu đồng. Còn ngựa giống cỏ ở tuổi trưởng thành thường có giá 15 triệu đồng. Ngày nay, ngựa Phú Yên không còn thuần giống, hầu hết được mua về từ tỉnh Lâm Đồng hoặc các tỉnh phía Nam.

Từ chỗ lao động mang lại thu nhập nuôi sống gia đình những người nuôi, ngựa đã trở thành người bạn thân tình của giới nuôi ngựa. Ngựa thường được chăm sóc rất kỹ lưỡng, vì muốn có sức để làm lâu ngày thì cần phải bồi dưỡng cho ngựa, như: lúa ngâm, gạo lức, mật đường, cám tinh và cỏ thơm. Những hôm nào có hàng chạy thì chủ phải dậy sớm cho ngựa ăn no nê và chuẩn bị thức ăn dự trữ cho ngựa ăn dọc đường.

Nhiều người cho rằng sẽ không lâu nữa, hình ảnh những chiếc xe ngựa sẽ đi vào dĩ vãng, tiếng vó ngựa chỉ còn vang vọng trong quá khứ…

Anh Nguyễn Bá Tòng tâm sự: “Có lần tôi định giải nghệ, nhưng bán đi cái xe ngựa thì dễ, chứ bán đi con ngựa là một điều khó khăn. Vì nó đã gắn bó với mình lâu rồi, mình xem nó như là một thành viên trong gia đình”.

Còn ông Sáu Hiểu thì cho biết, dù không khuyến khích con cái ông nối nghề này, nhưng hiện tại con trai út của ông đang quyết theo nghề cha. Đó là anh Thái Văn Phi (25 tuổi), đã cầm cương thay phiên cho cha mình gần 5 năm nay. Anh Phi nói: “Có lẽ từ nhỏ tôi hay theo cha lái xe ngựa nên đam mê hồi nào không hay. Điều khiển ngựa có nhiều cái hay mà người ta phải mê. Lái xe ngựa hoặc cưỡi ngựa sẽ tập cho mình sức dẻo dai và hình thành được những phản xạ nhanh nhạy cho cơ thể, nhất là đôi mắt để có thể nhận ra những phản ứng của ngựa khi gặp phải chướng ngại vật”.

Không biết sau thế hệ của những người hành nghề chạy xe ngựa hiện nay có còn ai nối nghiệp nữa không? Nhưng theo giới chạy xe ngựa, ai muốn vào nghề này thì cũng sẽ gặp khó khăn. Vì hiện không còn nơi nào đóng xe ngựa mới. Nếu ai đó đi tìm mua lại xe cũ cũng không dễ, do một số người ở thành phố đã về các làng quê tìm mua chúng về để làm vật trang trí hoặc làm góc bảo tàng cho quán cà phê, nhà hàng của họ.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cần Thơ điều chỉnh, ban hành lại quy chế họp báo gây tranh cãi

Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ sẽ tham mưu UBND thành phố tiếp tục điều chỉnh một số nội dung trong quy chế họp báo và ban hành lại cho phù hợp.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm