| Hotline: 0983.970.780

Dấu xưa xe ngựa...

Thứ Tư 15/02/2012 , 10:21 (GMT+7)

Tại vùng Tân Đông (Tân Châu, Tây Ninh) có bến xe ngựa chở thuê, dần dà tạo nên dấu ấn khó phai đối với khu khách khi đến vùng biên viễn này.

Không còn bến đậu nên xe ngựa ra đứng cả đường để “bắt” khách

Tại vùng Tân Đông (Tân Châu, Tây Ninh) có bến xe ngựa chở thuê, dần dà tạo nên dấu ấn khó phai đối với khu khách khi đến vùng biên viễn này.

1. Anh Dương Văn Mộng, 36 tuổi, có 6 năm trong nghề, cho biết: “Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 6 giờ tui đánh xe ngựa ra bến. Chờ khách kêu là chạy. Một chuyến vài chục ngàn, có khi là vật liệu xây dựng, có khi là hàng hóa nông sản trong chợ”. Khi đang trò chuyện với chúng tôi, một người khách đến hỏi anh chở thuê một tấm đan bằng bê tông về nhà.  Lập tức, anh Mộng dong xe đi ngay.

"Người dân ở đây không chọn những phương tiện khác bởi vì xe ngựa có thể chạy vào hẻm nhỏ. Hơn nữa, giá cả thuê chuyên chở của xe ngựa rẻ hơn các loại xe khác như xe tải, xe ba gác", anh Mộng cho hay.

Còn người thuê anh Mộng chở hàng tên là Hải thì nói với chúng tôi, nhà anh đang xây dựng ở trong một con hẻm. Cho nên, những vật liệu lặt vặt, anh thường đến bến xe ngựa để thuê chuyên chở. Bởi xe ngựa tiện lợi hơn mà giá cả cũng rẻ hơn. Và còn lý do khác, đó là anh rất thích hình ảnh chiếc xe ngựa rong ruổi ở khu chợ này.

Không riêng gì người khách trên yêu thích hình ảnh chiếc xe ngựa mà những chủ xe cũng thích. Anh Châu Minh Thanh, một chủ xe ngựa đứng bến, nói: “Tui làm nghề này phần vì kiếm tiền nuôi gia đình, phần vì tui rất yêu những con ngựa và công việc này”.

Như để chứng minh lời nói của mình, anh Thanh nói: “Sau khi đứng bến về cũng tới 11 giờ trưa, cơm nước xong là phải chạy lên khu vực Tống Lê Chân để cắt cỏ cho ngựa. Chúng rất thích ăn cỏ chỉ, nên chuyện cắt cỏ cũng phải lựa chứ không phải cắt cỏ tạp đâu nghen. Ngày nào cũng phải 2 bao. Rồi còn phải tẩm bổ cho ăn thêm cám, lúa nữa".

Hôm nào mệt, không cắt cỏ được thì anh Thanh phải mua cỏ với giá 20.000 đồng/bao. Anh nhẩm tính, một ngày con ngựa kéo của anh ăn hết 2 bao cỏ, giá 40.000 đồng và tiền lúa thêm 10.000 đồng. Như vậy, trung bình một ngày, một con ngựa cũng ngốn hết 50.000 đồng, chưa tính đến công chăm sóc và tiền cám cho chúng uống bồi dưỡng mỗi khi chở hàng thuê nặng nhọc.

Mặc dù việc nuôi ngựa cực là vậy nhưng tiền kiếm ra từ công việc chở thuê lại rất bấp bênh. Ngày may mắn thì có thể chở thuê được 200 ngàn, nhưng cũng có ngày không kiếm được đồng nào. Nghề chở thuê bằng xe ngựa cũng có thời điểm thất nghiệp như chơi. “Đó là những tháng mưa, nhất là tháng 7, tháng 8. Lúc đó mưa dầm, người ta cũng ít xây cất nhà cửa và cũng ít kiếm ra tiền. Thời điểm khấm khá nhất là ra tết, khi cao su thu hoạch, nhiều chủ vườn có tiền xây nhà, sắm sửa nội thất, lúc đó xe ngựa chở mệt nghỉ. Có ngày kiếm được 500.000 đồng", anh Thanh tiết lộ.

2. Bến xe ngựa nằm cuối chợ Tân Đông tồn tại ngót nghét trên 30 năm nay, những chiếc xe ngựa ở đây vẫn chầm chậm chạy đi theo nhịp thời gian. Không ồn ào, nhưng những chiếc xe ngựa lại tạo một dấu ấn riêng cho ngôi chợ vùng biên này.

Thùng xe ngựa giống như thùng xe lôi cũ được cách tân bởi hai bánh hơi, khác với xe ngựa chở khách du lịch làm bằng bánh cây. Việc làm thùng xe ngựa như thế nhằm giúp cho việc chuyên chở trên đường được thuận lợi hơn và chở hàng cũng nhiều hơn. Đặc biệt, những con ngựa này rất ít được đóng móng.

Ông Tăng Sử, một chủ ngựa ở chợ Tân Đông, cho biết, khi nào ngựa chạy bị đau chân mới đóng móng cho chúng, còn thường ngày thì không có đóng móng. Do vậy, sẽ không ai có thể nghe được tiếng nhạc ngựa đều đều trên đường phố mà người ta chỉ thấy những chú ngựa âm thầm, lầm lũi kéo những chuyến xe đến và đi.

Hiện tại, bến xe ngựa có 15 chiếc. Những con ngựa ra đứng bến là ngựa cỏ, nhỏ thó, nên chuyện làm đẹp cho chúng cũng không mấy được chú ý. Thậm chí có con bị cắt bờm, hỏi chủ ngựa thì được biết, chúng được cắt sạch để cho…thoáng, dễ tròng bành cổ vào mỗi sáng. Con ngựa lớn nhất ở đây cũng đã làm việc được 20 năm, con “mới vào nghề" cũng đã 5-6 năm.

Tùy theo sức khỏe của ngựa mà các chủ ngựa điều khiển chúng theo đoạn đường dài ngắn. Anh Sơn, một chủ ngựa cho biết, những chú ngựa khỏe có thể chạy 20 km xuống tận ngã 3 Đồng Pan, nhưng cũng có con ngựa yếu chỉ kéo xung quanh xã nhà mà thôi.

Không những chở hàng hóa cho người dân, xe ngựa ở đây đôi lần cũng chở khách du lịch từ Sài Gòn về. “Đa số là dân tận thành phố về đây, hình như họ muốn tìm lại cảm giác ngày xưa hay sao mà chỉ kêu tụi này đánh xe chạy vòng vòng quanh xã Tân Đông thôi. Nhưng ít lắm, một năm chắc chừng 10 người và đa số là Việt kiều", anh Sơn nói.

Lịch sử bến xe ngựa này còn gắn liền với tên tuổi ông Lê Mai Sô. Là bộ đội phục viên, ông bắt đầu công việc chở thuê bằng xe ngựa ở đây đã hơn 30 năm, từ năm 1980. Khi ông đến đây làm việc thì nó đã có rồi, và chỉ có biết rằng nó tồn tại trước giải phóng. Những lớp người đầu tiên "khai sinh" bến xe ngựa cũng đã chết, hoặc nghỉ làm. Chỉ còn lại mình ông.

Nói trong nỗi nhọc nhằn, ông Lê Mai Sô bảo: “Tôi cũng không biết mình đã thay bao nhiêu đời ngựa rồi. Có con bị xe tông, có con già cỗi, có con tôi bán để mua con khác vì nó giở chứng quá. Chưa có con nào ở lại với tôi quá 5 năm. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình phải thay đổi công việc khác, có lẽ tui làm công việc này đến khi nào chết thì thôi".

Mặc cho những đổi thay của xã hội, mặc cho những nhịp sống ngày một hối hả, những chuyến xe ngựa vẫn còn đó, lộc cộc lộc cộc với những vui buồn người cầm cương. Anh Phước, người có trên 20 năm trong nghề, nói vui: “Nhiều lúc ngựa giở chứng, nó nhất quyết không chịu đi. Rồi có lúc chở vô cái hẻm gồ ghề, xe ngã. Người thì bị cây đập vào đầu, chảy máu, còn ngựa thì chổng vó, chân què lắc nhắc, nhưng đã xem nó là cái nghề rồi thì không nên trách ngựa làm gì. Thế là ngồi dậy, lại chất hàng để tiếp tục kiếp chở thuê".

3. Được biết, bến xe ngựa Tân Đông sẽ sớm được "khai tử" để xây một Trạm cấp nước. "Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương" (Bà Huyện Thanh Quan). Một chút nuối tiếc tràn trên khóe mắt của những người đã gắn bó trọn cuộc đời với xe ngựa khiến chúng tôi cũng thấy xao lòng.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.