| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 12/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 12/03/2015

Đầy ắp tình người

Chuyện xảy ra từ năm 2012, nhưng những hình ảnh về nó thì mới lan truyền trên kênh truyền hình ANTV và nhiều cơ quan thông tin đại chúng vài ngày nay

Và lập tức những hình ảnh đó đã làm thổn thức con tim của hàng triệu độc giả cũng như khán giả truyền hình.

Sau 5 năm ròng chạy chữa khắp nơi, đến năm 2012 thì vợ chồng chị Trần Thị Nga cũng đã có được đứa con đầu đời nhờ thụ tinh nhân tạo. Nhưng khi mang thai đến tháng thứ 5 thì chị Nga bất ngờ bị một cơn đau. Vào viện, chị mới biết mình đã bị ung thư ở giai đoạn cuối, những tế bào ung thư đã di căn.

Thật là “sét đánh ngang tai”. Còn với các bác sỹ thai sản của bệnh viện Từ Dũ, thì đây là ca “có một không hai”. Việc giữ tính mạng cho cháu bé là cực kỳ khó khăn, vì cháu mới ở tháng thứ 5, trong khi tính mạng của người mẹ thì chỉ còn được tính từng ngày.

Trước đề nghị của gia đình thai phụ là cố cứu lấy cháu bé, bệnh viện đã từ chối, vì thấy quá sức mình, và khuyên gia đình chuẩn bị tâm lý để đón cái chết của cả hai mẹ con. Chưa hết hy vọng, gia đình sản phụ đã đưa chị đến bệnh viện quân y 175.

Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng trên, việc đầu tiên mà những người lính mặc áo blu là tập trung toàn bộ tâm sức của mình tìm cách kéo dài sự sống cho người mẹ, chờ thai nhi đủ tháng để cứu cháu bé.

Nhưng cũng chỉ kéo dài được đến tháng thứ 7, thì người mẹ đã ở vào tình trạng kiệt quệ hoàn toàn, suy hô hấp nặng, sự sống trở nên rất mong manh. Với sức khỏe này, sản phụ không thể sinh nở theo cách thông thường.

Sau rất nhiều cuộc hội chẩn, các bác sỹ của bệnh viện quân y 175 dường như đứng giữa “ngã rẽ tử thần”. Rất khó để quyết định liệu có nên mạo hiểm để cứu cháu bé? Nhỡ cả mẹ cả bé đều tử vong thì sao? Sức khỏe của sản phụ có chịu nổi ca phẫu thuật này không?

Cuối cùng, thì họ đã có được quyết định của riêng mình: Tiến hành phẫu thuật bằng cách gây mê toàn bộ sản phụ. Sự gây mê này đã tác động rất lớn đến sản phụ, khiến không khí trong phòng mổ như cô đặc lại. Thời gian tưởng kéo dài đến hàng năm.

Và như một phép màu. Chỉ 3 phút kể từ nhát kéo đầu tiên, cháu bé đã được lấy ra khỏi người mẹ, cất tiếng khóc chào đời, trong niềm vui vỡ òa của cả kíp mổ.

Nhìn hình ảnh khi đứa con được kíp mổ đặt nằm bên cạnh mình, người mẹ lặng lẽ rơi nước mắt, nhưng miệng vẫn nở nụ cười yếu ớt, không ai cầm được nước mắt. 7 ngày sau ca mổ, chị TrầnThị Nga trút hơi thở cuối cùng. Hiện nay, cháu bé đã 4 tuổi, vẫn sống khỏe mạnh cùng cha ở quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh).

Không hiểu sao đến bây giờ, những hình ảnh ấy mới được công bố. Nhưng dẫu muộn, thì chúng vẫn không cũ. Trong khi ở không ít các bệnh viện khác, tình trạng các y, bác sỹ, do tắc trách hay do thiếu trách nhiệm, đã để xảy ra tình trạng cả mẹ lẫn con sản phụ chết tức tưởi, khiến xã hội phẫn nộ, thì những hình ảnh trên chính là một điểm son chói lọi, một bài ca bất tử về tình mẫu tử, về y đức của những người thày thuốc Xã hội Chủ nghĩa, xứng đáng là một tấm gương để đội ngũ thày thuốc trên cả nước noi theo.