| Hotline: 0983.970.780

Dạy chồng

Thứ Tư 30/07/2014 , 08:20 (GMT+7)

Hơn 8 giờ tối vẫn chưa thấy chồng mang cơm cho, chị Khiêm vừa đói vừa bực. 

Từ khi sinh, chị được miễn trực đêm. Nay con đã lớn, cơ quan bố trí cho chị trực trở lại. Và hôm ấy là buổi trực đầu tiên sau 3 năm được miễn. Lúc chuẩn bị đi, chị đã dặn chồng:

- Hôm nay anh nghỉ một buổi. Hết tiết dạy anh sang nhà trẻ đón con, tắm rửa cho con rồi nấu cơm. Hai bố con ăn xong thì mang cơm ra viện cho em. Nhớ nhá.

- Biết rồi. Em cứ đi đi.

Bệnh viện huyện đóng ngay trên địa bàn xã mình nên vợ chồng chị Khiêm rất “có điều kiện”. Từ ngày học xong trường trung cấp Y rồi được nhận vào bệnh viện làm việc, chị chưa phải ăn cơm tập thể bữa nào. Lấy chồng cùng xã. Chồng giáo viên. Vợ là điều dưỡng viên. Nhà cửa bố mẹ cho. Cuộc sống của vợ chồng chị sẽ chẳng còn điều gì phải phàn nàn, nếu như…

Nếu như ở mọi làng quê khác, đàn ông là trụ cột, là người gánh vác hết mọi việc nặng nhọc trong gia đình để kiếm tiền nuôi vợ con, thì xã Đồng Lớn của chị lại được gọi bằng cái tên là xã “sống trên lưng đàn bà”, hay “xã tầm gửi”.

Cái “mỹ tục” này không biết có từ bao giờ. Chỉ biết ở đây, mọi việc trong gia đình, từ ruộng vườn, buôn bán, lợn gà cơm nước cho chí chăm con…, tất cả đều trút lên vai người phụ nữ. Còn đàn ông? Đêm ngủ nướng cho đến bẩy tám giờ sáng mới uể oải dậy. Đánh răng rửa mặt xong là đi thẳng ra quán cháo lòng tiết canh hay quán phở, quán thịt chó...

Gần trưa các ông chồng mới liêu xiêu về hạch vợ: "Cơm đâu?”. Bất kể đó là mùa vụ, bốn năm giờ sáng vợ đã phải cắm mặt gặt hay cấy ngoài đồng. Vợ dọn cơm lên, ních căng bụng xong là đổ uỵch xuống giường. Bốn năm giờ chiều mở mắt ra lại đi thẳng đến quán. Từ quán ra là sà vào bài bạc, có khi đến tảng sáng mới về.

Không người nào khác người nào. Tiền nhậu nhẹt hay cờ bạc ấy, tất tật đều được lần từ cạp váy vợ. Không lần được thì “cắm”, và hàng tháng chủ quán cứ việc đến tìm vợ mà nã. Thi thoảng hoặc có anh thương vợ thương con, mó tay mó chân đỡ đần vợ con một chút thì ngay lập tức bị hứng trọn cơn bão táp của lũ tầm gửi kia. Các quán nhậu trong xã mỗi sáng mỗi chiều đều đặc người…

Chồng Khiêm, dù là giáo viên, cũng không thoát khỏi cái kiếp nạn đó. Cánh này hình thành một “nhóm nhậu” do thầy hiệu phó tổ chức (vì hiệu trưởng là nữ), cứ luân phiên mỗi ngày một người làm “chủ chi”.

Trống tan trường buổi chiều vừa nổi là cả bọn trực chỉ quán bia. Hôm ấy, chị Khiêm bảo chồng “nghỉ một buổi” là nghỉ nhậu chứ không phải nghỉ dạy.

Đói không chịu nổi, chị Khiêm bấm máy gọi chồng:

- Sao anh chưa mang cơm cho em?

- Ờ…ờ…Em ra quán ăn tạm vậy. Anh…

- Anh ở đâu đấy. Con đâu?

- Anh đón con, gửi bà ngoại rồi. Anh bận chút.

Cơn giận như một nắm bông nút chặt lấy cổ khiến Khiêm sặc lên. Chị bảo bác sỹ phụ trách kíp trực đêm:

- Anh cho em nghỉ hai tiếng.

Không chờ bác sỹ trả lời, Khiêm đi thẳng đến quán bia mà chị biết nhóm của chồng vẫn tụ tập hàng ngày. Quán đặc người. Bia rượu đã sơn mặt cả lũ thành đủ các màu. Cái đỏ. Cái tím. Cái tái…

Miệng người nào cũng nứt toác ra để “chém gió”, khiến quán ồn ào như chợ vỡ. Bàn của cánh giáo viên ở ngay giữa quán. Đến trước mặt thầy hiệu phó, Khiêm chắp tay vái lấy vái để:

- Em lạy thầy. Em cắn rơm cắn cỏ em lạy thày. Thày tha cho chồng em, từ nay thày đừng bắt chồng em vào cái chỗ tán gia bại sản, chia vợ rẽ chồng này nữa.

- Ơ hay cái cô này. Ra đây hay không là ở chú ấy, chứ tôi bắt làm sao được.

Thấy chuyện lạ, bọn sâu rượu trong quán trố mắt nhìn rồi cười rộ lên. Chồng Khiêm vừa xấu hổ vừa hốt hoảng, vội đứng dậy đẩy vợ ra:

- Em về đi. Chốc nữa anh về.

Gạt phắt chồng sang một bên, Khiêm tiếp tục chắp tay hướng về phía thày hiệu phó:

- Em lạy thày. Thày làm phúc tha cho chồng em. Từ nay mà thày còn rủ chồng em ra đây nữa thì đừng trách em.

Dứt lời, chị túm áo chồng kéo xềnh xệch dọc làng, vừa kéo vừa la lối. Trước cơn tam bành của vợ, thày giáo tức đầy ruột nhưng không dám ho he, bởi đã biết tính vợ, bình thường rất lành nhưng đã bực lên thì “giời cũng không bằng gói bim bim”.

Ấn chồng vào nhà, khóa trái cửa ngoài rồi, chị Khiêm mới trở lại bệnh viện. Cơn đói đã biến mất từ lúc nào chẳng biết.

Từ hôm sau, cứ trống tan trường buổi chiều nổi, là thày giáo đã thấy vợ đợi sẵn ngoài cổng trường, áp tải thày cùng đi đón con rồi cùng về nhà cơm nước. Hôm nào phải trực đêm, chị nhờ mẹ đẻ đến đón con, cho con ăn ngủ hộ rồi ra trường chờ chồng, lôi thẳng chồng đến viện. Mua cơm để vợ chồng ăn xong, chị chỉ cái ghế ngoài phòng trực:

- Anh ngồi đấy. Nếu buồn ngủ thì nằm luôn xuống ghế mà ngủ. Bệnh viện đã phun thuốc rồi. Không có ruồi muỗi gì cả.

Đang chăn ấm nệm êm, nên sau mấy đêm phải nằm trên ghế băng ở hành lang bệnh viện, thày giáo thấm đòn, phải hứa lên hứa xuống rằng không bao giờ còn dám tụ tập rượu chè nữa, thày mới được vợ tha.

Bây giờ, dù ai có tốt mời đến đâu, thày cũng lắc đầu lia lịa.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm