| Hotline: 0983.970.780

"Đây là Đỗ Chu"

Thứ Năm 17/05/2012 , 10:35 (GMT+7)

Đặt tên bài viết như thế, tôi không dám coi như sẽ nói hết về nhà văn tài năng trời phú này; thậm chí, chỉ mong như là một cách giúp bạn lật trang văn của ông.

Đặt tên bài viết như thế, tôi không dám coi như sẽ nói hết về nhà văn tài năng trời phú này; thậm chí, chỉ mong như là một cách giúp bạn lật trang văn của ông.

>> Lê Văn Thảo thao thức
>> Vài nét Hữu Thỉnh

Duyên do: Đỗ Chu nổi tiếng từ thời còn đang học phổ thông với truyện ngắn Hương cỏ mật của ông đăng ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1963 làm xao xuyến văn đàn. Khi đó, các nhà văn lớn về sau như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu còn đang chập chững vào nghề một cách vất vả, vô cùng vất vả. Có lẽ vì vậy, tôi chưa thấy ông phục ai trong thế hệ mình trở xuống về truyện ngắn, trừ hai người.

Người thứ nhất là Phạm Thị Minh Thư, khi cô nhà văn trẻ này đến nhận Giải nhất của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Đỗ Chu đã cầm vại bia đi từ phía bên kia của dãy bàn, đến trước chỗ cô tân khoa ngồi, vẫn ngón tay cái cầm vại bia, đốt ngón tay cái trên cùng cong vắt lại chỉ vào ngực mình, nói:

 - Đây là Đỗ Chu

Gặp nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư (khi ấy Tư chưa có Cánh đồng bất tận) ở Hội nghị Nhà văn Trẻ mươi năm trước ở Khách sạn La Thành Hà Nội, ông cũng cầm vại bia y như thế đến trước mặt Tư, đốt ngón tay cái trên cùng cong vắt lại, chỉ vào mình, nói:

- Đây là Đỗ Chu

Đấy là cách những tài năng ra mắt nhau, không chúc tụng, không vồn vã, không sấn vào chụp ảnh với người đang nổi tiếng, nhưng rất trọng thị. Cách trọng thị của người có thể suống sã với tất cả, trừ văn chương.

Có lần tôi thắc mắc, hỏi anh nghĩ sao về Nguyễn Huy Thiệp? Đỗ Chu kín đáo đỏ mặt:

 - À, đấy là người có tài

Rồi lái ngay sang chuyện khác. Tôi trộm nghĩ, hoặc là hành vi khuất thân đến chào người mới kia là hành vi ga lăng, hoặc là với Thiệp, Đỗ Chu có chỗ tương đố? Thực ra thì mươi năm sau, vào những lúc bình tâm nhất, Đỗ Chu có nói: “Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Vàng Anh, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Ngọc Tư… và rất nhiều người nữa đều đã có những đóng góp đáng kể, tôi hy vọng sự chững lại của họ mấy năm gần đây chỉ là một sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để có những bước vạm vỡ trong thời gian tới”.

Nếu khái niệm nhà văn chuyên nghiệp, ngoài tài năng và lượng bạn đọc lớn, nhất thiết phải có nội hàm chuyên nghiệp viết, thì ở nước Nam ta, Đỗ Chu là thứ nhất, rồi sau mới đến Nguyễn Mạnh Tuấn và Nguyễn Nhật Ánh. Cả đời Đỗ Chu không làm gì, ngoài viết văn. Hồi xóa bao cấp đến độ gay gắt, có người mách với lãnh đạo Hội, rằng Đỗ Chu chơi hơi kỹ, cho nghỉ hưu non bây giờ thì cơ quan giảm được một người. Ông Nguyễn Khoa Điểm bảo, Hội Nhà văn thì phải có người như Đỗ Chu đi ra đi vô, nó mới thành ra Hội. Chứ không thì thành ra trụ sở doanh nghiệp hay hợp tác mất.

Vận động mãi, Đỗ Chu nhận chức Trưởng ban Nhà văn Trẻ khóa VI. Nhưng suốt 5 năm ông không làm gì, văn phòng của Ban cứ khóa để đấy, đến nỗi khóa thì rỉ mà chìa cũng không biết mất ở đâu; mọi việc đều do Phó trưởng ban Hữu Ước làm tất ở văn phòng bên ấy, ngay cả Hội nghị Nhà văn Trẻ lần thứ VI ông cũng đi ra đi vô, chứ không ngồi ghế Chủ tịch đoàn, không phát biểu gì, trừ khi chạm cốc với Nguyễn Ngọc Tư: “Đây là Đỗ Chu!”.


Nhà văn Đỗ Chu

Tại Hội thảo Văn học Việt Mỹ ở một Resort trên Hòa Bình, trong một bữa nhậu đêm, người dịch không làm sao để nhà thơ Kevin Bowen, Giám đốc Trung tâm William Joiner (Mỹ) hiểu công việc ăn lương của Đỗ Chu thực ra là gì, tôi bèn nói, rằng ở các nước phương Đông, các triều đại đều có ít nhất một hai nhà văn nhà thơ thực tài, vua nuôi cho chuyên sáng tác, Ví dụ Đường Minh Hoàng trả lương đại phu cho Lý Bạch, như một cách nói rằng triều đại này rất trọng văn chương. Mà trọng văn chương là trọng nhân ái rồi, vì văn chương là công cụ tình yêu của xã hội.

K. Bowen sảng khoái gật gù. Rồi ông giơ ngón tay cái lên, nói:

- Thật văn minh!

Thật khó diễn tả với bạn đọc trẻ hôm nay về cái sức mạnh làm xao xuyến tâm hồn của cả một đất nước của văn Đỗ Chu cách đây gần 40 năm. Bấy giờ bom đạn ùng oàng, chỗ này người chết kẻ bị thương, chỗ kia cầu sập nhà đổ, chỗ kia nữa tiễn đoàn quân ra trận, những tiếng khóc, những giọt nước mắt công khai và bí mật. Cả xã hội lo âu và căm giận. Có thể nói ngút trời đạn bom và ngút trời căm giận. Đúng lúc ấy thì một giọng văn thiết tha đằm thắm cất lên, nó cất lên một cách sang trọng. Giọng văn ấy là Đỗ Chu.

Tưởng cũng cần thêm rằng, thời ấy văn chương ta chuộng thô ráp chất phác, cho nó bật lên giai cấp tính công nông binh đang được văn đàn thượng tôn. Vì vậy, giọng văn đằm thắm mà tinh tế, trẻ trung mà bặt thiệp (các nhân vật lính trẻ đều vừa tốt nghiệp phổ thông như chính tác giả), rất chính trị nhưng đầy ắp văn hóa – một cái hồn Việt khu trú trong nông thôn xa xưa như bừng thức dậy. Tôi nhớ, một chị bạn đọc ở Nhà máy Dệt 8-3 đã viết như thế này trên báo Văn nghệ: “Tôi mong các anh (Đỗ Chu và Lưu Quang Vũ) cứ cho đọc những truyện ngắn đằm thắm và âu yếm như vậy”.

 Vậy nhưng khi hỏi về thành công ngày ấy, Đỗ Chu lại nói khá nghiêm cẩn:

 - Những lời khen của các bậc đi trước là nguồn động viên rất quý, nhưng bản thân chuyện đó trước sau vẫn chỉ là động viên mà thôi. Các nhà văn, người cầm bút trở thành vững chãi đều phải qua một giai đoạn dài từng trải, vừa học hỏi vừa sáng tạo một cách công phu, ai tính chuyện đi tắt, mưu mẹo vặt, toan bỏ qua chuyện đó thì trước sau gì đều cũng sẽ lụi. Cụ Đỗ Phủ đời Đường từng nói: “Vinh hoa địch huân nghiệp/ Tuế mộ hữu nghiêm sương” có nghĩa rằng, anh hưởng cái vinh hoa quá đáng so với những công lao đóng góp thì rồi ra về già ắt sẽ phải chịu nhiều sương giá.

Trước và sau đổi mới 10 năm, Đỗ Chu không nói năng gì, không in gì, ông cứ âm thầm nghĩ ngợi rồi âm thầm viết trên nhà riêng ở Bắc Ninh, mãi đến đầu những năm 90, ông mới in cuốn Mảnh vườn xưa hoang vắng chỉ gồm 3 truyện ngắn nhưng đó là những truyện ngắn…dài và nó cực kỳ quan trọng trong văn học ta đổi mới.

Mê lộ kể chuyện người cha là lính canh kho cũ, từng bị mảnh đạn vào sọ não hóa ra tâm thần; thuốc nào chữa cũng không khỏi, suốt ngày hô xung phong, hô phải bí mật để bảo vệ kho; rào chắn quanh cái miếu cổ, ăn ngủ ở đấy, kiếm được gì ăn nấy, lôi thôi lếch thếch, rất là thê thảm; ai xớ rớ đến gần miếu đều bị hạch hỏi, vợ tìm đến đón về cũng bị đuổi đi, con trai duy nhất thì đang bận kình nhau với kẻ thù tận biên giới, nghe nói thế. Hóa ra anh con trai có thật, một trung úy hẳn hoi, một ngày kia về thăm mẹ. Hỏi kỹ về cha, anh ta nghĩ ra một cái mẹo. Rồi tìm gặp cha, không oong đơ gì, lập tức hô “Nghiêm”. Người cha phải nghiêm ngay. Lại hô: “Đằng sau quay, nhiệm vụ đã xong. Đồng chí phải bàn giao kho báu cho người khác rồi về nhà, về!”. Người cha liền theo vị trung úy chỉ huy – con trai về nhà, ông hồi tâm dần rồi khỏi, khỏi hẳn.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu bảo Đỗ Chu như cây quế, thơm từ vỏ thơm vào. Thật đúng. Nhưng chợt đến đổi mới thì ông đã nằm xuống nên Nguyễn Minh Châu chưa được đọc chùm truyện ngắn về sau của Đỗ Chu, nó là lõi của văn vậy!

Truyện Mảnh vườn xưa hoang vắng kể về mấy cựu chiến binh đã lớn tuổi trở về làng. Họ chả có nghề ngỗng gì, bé ở với cha mẹ thì chỉ biết làm ruộng, nhớn đi bộ đội tiếng là đi đánh Mỹ nhưng lại được cắt cử chuyên chặt gỗ xẻ ván đóng quan tài cho đơn vị; hết chiến tranh trên cho phục viên về làng, không có việc gì làm, ra với đồng hợp tác thì thất nghiệp dở. Chán, bèn đem kèn ra thổi đêm đêm. Nhạc nhẽo thì có học đâu mà thạo, quanh đi quẩn lại cũng chỉ lưu thủy hành văn, lại quen với việc chôn đồng đội nên nhớ khúc nhạc Chiêu hồn tử sĩ, lại còn vì buồn nhớ anh em đơn vị, thành ra kèn thổi cứ như kèn đám ma. Đắm đò giặt mẹt, họ bèn rủ nhau lập ra phường bát âm chuyên đi phục vụ quanh vùng. Đến thế thì sao có thể lấy nổi vợ.

May nhờ có hội làng, một cái hội làng lạ lùng là đêm hội phải tắt lửa, trai thanh gái lịch hay lão ông lão bà do nhỡ nhàng, do có duyên nhưng không hợp phận, nay làng cho phép gặp gỡ mà hàn huyên hay làm gì thì tùy. Anh mới bẽ bàng gặp lại cô nhân ngãi bây giờ đã thành bà vợ ông quan xã. Truyện tê tái buồn nhưng đằm thắm vững chãi trên cái nền tảng văn hóa Việt vững chãi nên đọc thương mà ấm áp, xót xa mà không ủy mị. Và đặc biệt vẫn là giọng văn sang trọng Đỗ Chu.

Nếu như thời chiến tranh và bao cấp, hầu như giao thừa nào Đài Tiếng nói Việt Nam cũng phát một thiên bút ký hay tùy bút Đỗ Chu, thì đúng là Đài đã không nhầm, thể văn này ở ta, ngoài Nguyễn Tuân, còn có Hoàng Phủ Ngọc Tường nhưng xem ra ông này cũng khó sánh với Đỗ Chu ở cả tầm vóc lẫn bề dầy, bề dài suốt gần 40 năm qua. Tùy bút Đỗ Chu khiến văn hóa Đại Việt sống động dậy trong những con người cụ thể, cứ như cái hồn nông thôn cũ đã chọn những người ấy mà khu trú, mà nương náu để cho qua thời tao loạn, lộn xộn mới thong thả bước ra, đi duyên dáng và thật sang trọng giữa đời đang lắm bức sốt và ngột ngạt.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất