| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh cơ giới hóa, khuyến nông

Thứ Năm 08/05/2014 , 09:35 (GMT+7)

Ở ĐBSCL đã có nhiều mô hình chuyển đổi lúa sang ngô và cây màu rất hiệu quả, nhưng việc chuyển đổi vẫn còn chậm.

Ngoài yếu tố thị trường, còn những nguyên nhân quan trọng khác như cơ giới hóa thấp, nông dân chưa quen với những cây trồng mới…

Bài toán cơ giới hóa

Có thể nói trong việc chuyển từ lúa sang ngô ở ĐBSCL hiện nay, Dekalb đang là một trong những doanh nghiệp tham gia tích cực nhất.

Trong 4 năm qua, Cty này đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trồng ngô trên các nền đất lúa khác nhau để đánh giá được hiệu quả thực tế của ngô so với lúa.

Kết quả cho thấy, dù trong bất cứ vụ nào, giá ngô thương phẩm biến động ra sao hơn trồng lúa khi nông dân áp dựng những biện pháp kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất. Điểm qua một số mô hình sẽ thấy rõ điều này.

Hộ ông Đoàn Văn Bé (ấp 1, xã Nhơn Hội, An Phú, An Giang), chuyển đổi 1 ha lúa xuân hè 2013 sang ngô với tổng chi phí là 29,552 triệu đồng (nếu vẫn trồng lúa, chi phí là 27,11 triệu đồng), tổng sản lượng ngô là 11,65 tấn (lúa 5,85 tấn).

Vào thời điểm thu hoạch (tháng 9/2013), giá ngô trên thị trường chỉ còn 4.000 đ/kg trong khi giá lúa là 5.300 đ/kg, nhưng nhờ năng suất ngô cao gấp đôi, chi phí lại không tăng hơn mấy, nên doanh thu gấp rưỡi so với cây lúa (46,6 triệu đồng so với 31,005 triệu đồng) và lợi nhuận đạt tới 17,048 triệu đồng (lúa 3,895 triệu đồng).

Hộ ông Đặng Thanh Tuấn (xã Phú Ninh, Tam Nông, Đồng Tháp), chuyển 0,7 ha lúa sang ngô vụ hè thu 2013, tổng chi phí hết 18,893 triệu đồng (lúa 17,955 triệu đồng), sản lượng đạt 7,74 tấn (lúa 3,85 tấn).

Khi thu hoạch, giá ngô là 3.500 đ/kg (giá lúa 5.500 đ/kg), nhưng doanh thu và lợi nhuận của ngô (27,09 triệu và 8,197 triệu đồng) vẫn cao hơn hẳn so với lúa (21,175 và 3,22 triệu đồng)…

Bằng những mô hình thực tế khi triển khai diện rộng ở nhiều tỉnh trong các vụ xuân hè, hè thu và thu đông 2013, Cty Dekalb đã mạnh dạn khẳng định vùng ĐBSCL có ưu thế nhất về ngô lai, với năng suất luôn ổn định từ 10-11 tấn/ha (hạt khô), tiềm năng có thể đạt 12-13 tấn/ha, gấp đôi mức trung bình cả nước.

Nếu đầu tư và thâm canh hợp lý, thị trường ổn định, sản xuất ngô sẽ giúp nông dân thu lãi cao hơn lúa từ 30-50%.

Tuy nhiên, dù đã đạt hiệu quả thực tế rất ấn tượng như trên, nhưng việc triển khai chuyển đổi từ lúa sang ngô ở ĐBSCL vẫn chậm, mà khó khăn lớn nhất là khả năng cơ giới hóa.

Trong khi sản xuất lúa đã được cơ giới hóa gần như toàn bộ, thì mức độ cơ giới hóa ở cây ngô còn rất thấp. Nếu cải thiện được điều này, hiệu quả sản xuất của cây ngô trên đất lúa hoàn toàn có thể thuyết phục được nông dân.

Như ở các mô hình do Cty Dekalb triển khai, đã có hỗ trợ cho nông dân một số loại máy làm đất, nhờ đó, riêng ở khâu này, nông dân giảm chi phí được tới 8 triệu đ/ha so với làm đất bằng tay. Và quan trọng hơn, khi chuyển đổi đồng loạt một diện tích lúa lớn sang ngô, nếu không có máy làm đất, e rằng sẽ khó thành công.

Ông Trần Trương Tấn Tài, GĐ Kinh danh và Phát triển thị trường mới (Cty Dekalb), cho hay, nhu cầu chuyển đổi từ lúa sang ngô rất lớn nhưng dụng cụ làm đất chuyên dụng cho cây ngô trên đất lúa phát triển không kịp.

Nếu không có những dụng cụ này, khi cần làm đất trồng ngô trên nền đất lúa, nông dân có thể dùng loại máy xới cầm tay. Nhưng mỗi cái máy này chỉ có thể làm được 2 ha/ngày. Nếu một vùng chuyển 1.000 ha lúa sang trồng ngô, yêu cầu phải làm đất trong vòng 10-15 ngày để gieo trồng đồng loạt, thì sẽ rất khó khăn.

16-40-46_nh-khkt-chuyen-doiĐBSCL đang cần những lò sấy ngô như thế này

Vì thế, ông Tài kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét hỗ trợ ban đầu dụng cụ làm rãnh cho nông dân (1.000 ha chuyển đổi nếu xuống giống trong 10 ngày thì cần 50 cái máng ủi để làm rãnh), đồng thời đào tạo một số người sử dụng máy này để sau 1 vụ họ có thể hình thành tổ dịch vụ chuyên làm đất chuyển đổi cho các vùng.

Khâu sau thu hoạch cây ngô cũng đang rất cần có sự đầu tư mạnh nhằm giảm thất thoát, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Ông Lê Tấn Tài, GĐ Cty TNHH Tài Lộc (Cần Thơ) cho rằng nhà nước cần có sự đầu tư việc cơ giới hóa công đoạn sau thu hoạch như máy lãy hạt ngô, lò sấy.

Có thể xem xét tận dụng các lò sấy lúa sang sấy ngô để giảm tỷ lệ hao hụt, tăng sự đồng đều về chất lượng hạt ngô thương phẩm, qua đó tạo sự tin tưởng của các doanh nghiệp thu mua trong nước và có thể cạnh tranh được với ngô nhập khẩu.

Theo ông Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, với cây ngô và cây màu, chế biến là khâu quan trọng thứ 2 sau khâu thị trường. Do đó, nhà nước tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến.

Ông Phạm Văn Quỳnh, GĐ Sở NN-PTNT Cần Thơ đề xuất việc xây dựng một hệ thống kho cho ngô và các cây màu chủ lực, từ kho sơ chế tới kho bảo quản. Ông Trần Trương Tấn Tài cũng cho rằng cần có những hệ thống sấy, chế biến sau thu hoạch tại vùng ĐBSCL giống như đã có ở Tây Nguyên và ĐNB, để cho hạt ngô thương phẩm ở đây có chất lượng đồng đều, tỷ lệ hao hụt thấp.

Làm mạnh công tác khuyến nông

Trong chương trình chuyển lúa sang ngô, đậu nành và các cây trồng khác, một vấn đề lớn đã được đặt ra đó là tập huấn cho nông dân chuyển từ lúa sang ngô và cây trồng khác.

Theo ông Trần Trương Tấn Tài, kế hoạch là trong 3 năm tới phải chuyển đổi 120.000 ha gieo trồng lúa sang màu, thì ít nhất mỗi năm, chúng ta phải tiếp cận, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho khoảng 30 ngàn nông dân, với khoảng 300 lớp tập huấn/năm.

Đây là một công việc rất lớn, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Trồng trọt, Các Sở NN-PTNT, Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông ở các địa phương…

Trong khi đó, tài liệu kỹ thuật cho việc chuyển đổi từ lúa sang cây trồng khác lại còn rất thiếu. Ông Phan Huy Thông cho biết hiện này các tài liệu kỹ thuật cho cây ngô, đều là trên nền đất cạn, mà chưa có tài kiệu kỹ thuật cho ngô trên nền đất lúa.

Mặt khác, việc chuyển đổi từ lúa sang ngô ở ĐBSCL sẽ được thực hiện trên nhiều nền đất khác nhau, do đó cần phải có tài liệu kỹ thuật riêng cho từng vùng đất. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng, để nông dân có thể bố trí cây trồng phù hợp trên nền đất lúa ở từng địa phương, cần phải có một bản đồ thổ nhưỡng cho khu vực này.

Bản đồ ấy sẽ giúp nông dân hiểu được với nền đất lúa của mình, trồng cây nào sẽ có hiệu quả nhất về năng suất, chất lượng. Còn theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, chế độ tưới cho từng loại cây màu trên nền đất lúa cũng cần được quan tâm, nghiên cứu ngay từ bây giờ

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ngành nông nghiệp cần phải gấp rút làm rõ gói kỹ thuật đối với từng loại cây màu chủ lực trên đất lúa.

Riêng với cây bắp, phải làm rõ ngay các vấn đề như cơ cấu thời vụ, giống cho từng vụ, từng vùng, kỹ thuật trồng trọt về mật độ, cách trồng, lên luống, các loại máy móc, thiết bị, cách phòng trừ dịch bệnh…

Phải làm rõ ngay gói kỹ thuật này để phổ biến cho nông dân. Bộ trưởng khẳng định nông dân chưa yên tâm chuyển đổi một phần là vì thị trường, một phần vì đây là những cây trồng mới mà nông dân chưa quen.

Vì thế, chúng ta phải làm rất quyết liệt công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Bộ sẽ rà soát, bổ sung nguồn lực cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện KHNN Việt Nam hỗ trợ các tỉnh làm mô hình.

Nhưng các tỉnh cũng phải chủ động huy động nguồn kinh phí làm công tác khuyến nông. Công tác khuyến nông không chỉ làm mô hình, mà cái chính là để hướng dẫn nông dân.

Chúng ta phải hướng đến tập huấn cho hàng trăm ngàn hộ nông dân, như vậy mỗi tỉnh phải lên kế hoạch rất cụ thể, chẳng hạn để chuyển đổi 10.000 ha thì phải tập huấn bao nhiều ngàn hộ nông dân.

Làm mô hình tập huấn cho nông dân thì không nên chỉ là những kỹ thuật đơn lẻ mà phải mang tính đồng bộ bao gồm giống, kỹ thuật (không chỉ kỹ thuật trồng trọt mà cả kỹ thuật tưới tiêu, sử dụng các loại máy móc…).

Hiện nay, trong chương trình mục tiêu quốc gia đào tạo nghề cho nông dân, mỗi năm trên phạm vi cả nước có kinh phí đào tạo trên 300 ngàn nông dân.

Đề nghị các Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh chỉ đạo các huyện sử dụng nguồn kinh phí của chương trình này để đào tạo, hướng dân nông dân về kỹ thuật của những loại cây, con chuyển đổi trên đất lúa.

Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các Bộ liên quan khẩn trương hướng dẫn thự chiện Quyết định 68 về hỗ trợ cơ giới hóa và Nghị định 210 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.