| Hotline: 0983.970.780

Dạy nghề gắn quy hoạch nông thôn mới

Thứ Hai 07/07/2014 , 10:10 (GMT+7)

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng BCĐ Trung ương thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020 (Đề án 1956).

Bổ sung nhiều chế độ học nghề

Bản trình của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền về dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956 được rất nhiều thành viên quan tâm, chú ý. Đó là tại Điểm 1, Khoản I, Điều 1 nên chuyển mạnh đào tạo nghề cho LĐNT từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của LĐNT, nhu cầu sử dụng lao động của DN và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch xây dựng NTM và yêu cầu tái cấu trúc ngành;

Cơ sở tham gia dạy nghề phải có đủ điều kiện, được hoạt động dạy nghề; người học nghề phải có điều kiện để làm nghề sau khi học. Không tổ chức dạy nghề khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của lao động sau khi học nghề.

Sửa đổi mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó từ năm 2011 - 2015 sẽ đào tạo nghề cho 4 triệu LĐNT; 2016 - 2020 đào tạo nghề cho 7,2 triệu người và trên 70% số người sau khi học nghề trong giai đoạn này có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Đặc biệt, LĐNT thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân được hỗ trợ chi phí học nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng với mức tối đa 3 triệu đ/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế); hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đ/ngày thực học/người; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đ/người/khoá học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: “Tôi cho rằng các DN cần phải tham gia vào sâu hơn nữa vào các chương trình dạy nghề. Đặc biệt, không chỉ đào tạo nghề mà phải gắn với việc tạo công ăn việc làm và tiếp nhận lao động sau đào tạo. Thêm vào đó, cần phải có cơ chế, chính sách cụ thể hơn để hướng các DN tham gia dạy nghề cho LĐNT”.

Với LĐNT thuộc diện hộ cận nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng với mức tối đa 2,5 triệu đ/người/khóa học. LĐNT sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Trường hợp LĐNT là người lao động cao tuổi theo quy định của Bộ Luật lao động đang trực tiếp làm nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhưng trong hộ gia đình không có người trong độ tuổi lao động, nếu có sức khỏe, nguyện vọng học nghề thì UBND cấp huyện xem xét, quyết định cho phép người cao tuổi được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án và chỉ được hỗ trợ 1 lần”.

Sau học nghề, có việc làm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao dự thảo Quyết định Đề án 1956 và ý kiến của nhiều thành viên tham dự. Ông cũng nhận xét hoạt động dạy nghề LĐNT đã qua thời đại trà, từng bước chuyển sang đào tạo gắn với địa chỉ DN, quy hoạch việc làm của từng địa phương, từng vùng. Trong 4 năm (2010-2013), ngân sách TƯ đã dành gần 4.900 tỷ đồng cho công tác dạy nghề LĐNT. Đã có trên 1,6 triệu LĐNT được hỗ trợ dạy nghề, trong đó 1,5 triệu người đã học xong, gần 1,2 triệu người có việc làm mới, thu nhập cao hơn...

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN: "Tôi tán thành việc đào tạo nghề cần có sự tham gia của DN, đồng thời phải tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với LĐNT và nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả".

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hiệu quả dạy nghề mới chỉ đạt 85% mục tiêu của Đề án. Ngoài ra, số lao động được hỗ trợ dạy nghề còn thấp, việc làm cho nhóm đối tượng này chưa thật sự bền vững; đầu tư cơ sở công lập cấp huyện thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao. Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho LĐNT nhất là danh mục nghề nông nghiệp còn dàn trải.

Về định hướng cho hoạt động của Đề án 1956 trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần bảo đảm các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch SXNN và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp; các nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch SX công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí làm việc của DN. Chỉ tổ chức dạy nghề cho LĐNT khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề.

Riêng với dự thảo Quyết định mà Bộ LĐ-TB&XH vừa trình, Phó Thủ tướng đồng ý và yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện, trong đó chú trọng ưu tiên hỗ trợ dạy nghề cho người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất nông nghệp, ngư dân. Đặc biệt, là điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại cho các đối tượng ưu tiên cho phù hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết định vào đầu quý I/2015.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất