| Hotline: 0983.970.780

Dạy nghề nuôi bò

Thứ Ba 23/09/2014 , 10:16 (GMT+7)

Ở Bình Định, nuôi bò đang là nghề “ăn nên làm ra”. Người nuôi bò không chỉ được dạy cách vỗ béo, chăm sóc thú y mà còn được học cách trồng cỏ, ủ thức ăn và được hỗ trợ vốn.

Trong chuỗi nghề nông nghiệp được mở để đào tạo nông dân, nghề nuôi bò được Trung tâm Dạy nghề An Nhơn (Sở LĐ-TB&XH Bình Định) đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Hùng, GĐ Trung tâm cho biết: “Từ năm 2008, trung tâm đã triển khai dạy nghề nông nghiệp cho nông dân, tập trung các nghề chăn nuôi, thú y. Những giáo viên chuyên ngành chăn nuôi, thú y được mời từ Trường Trung học Kinh tế kỹ thuật Bình Định về dạy. Những lớp chăn nuôi, thú y nằm trong hệ thống đào tạo nghề sơ cấp có thời gian học tập là 3 tháng”.

Theo ông Lê Xuân Tùng, Trưởng phòng Đào tạo, Trung tâm Dạy nghề An Nhơn cho biết thêm: “Tại các lớp chăn nuôi, thú y, nông dân được học những kỹ thuật chọn con giống, quy trình chăm sóc, cách phòng ngừa bệnh cho gia súc, gia cầm và cách dùng thuốc chữa trị từng loại bệnh. Nông dân còn được học cách sử dụng thức ăn để vỗ béo bò nhanh tăng trọng”.

Chỉ mấy năm qua Trung tâm Dạy nghề An Nhơn đã triển khai tại các xã Nhơn Lộc, Nhơn Phúc, Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn Tân (TX An Nhơn) mỗi xã 3 lớp dạy nghề nuôi bò với khoảng 35 học viên/lớp. Ngoài ra, từ nhu cầu của các xã Phước Hiệp, Phước Quang (Tuy Phước), trung tâm còn mở 4 lớp dạy nghề nuôi bò cho nông dân các xã này.

Bình Định là tỉnh có đàn bò khá lớn, chiếm gần 27% tổng đàn bò ở duyên hải Nam Trung bộ. Để giải quyết nguồn thức ăn thô xanh cho gần 250.000 con, thông qua Dự án Cạnh tranh nông nghệp, tỉnh này đã giới thiệu đồng thời chuyển giao cho nông dân kỹ thuật trồng giống cỏ voi năng suất, chất lượng cao VA06 qua 8 mô hình với 240 hộ tham gia tại 5 huyện, thị xã có phong trào nuôi bò mạnh.

“Nhờ được ngành chức năng quan tâm từ việc dạy nghề chăn nuôi đến dạy cách trồng cỏ, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho bò trong mùa mưa lũ, lại được vay vốn với lãi suất ưu đãi nên phong trào nuôi bò vỗ béo phát triển mạnh suốt gần 15 năm qua”, ông Nguyễn Ngọc Tiến (40 tuổi) ở thôn Tân Lập, xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) bộc bạch.

Từ khi trồng cỏ, anh Nguyễn Văn Đức ở thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) đã không còn phải lo toan thức ăn thô xanh cho 7 con bò anh đang nuôi. Anh Đức cho biết: “Sau khi được giới thiệu giống cỏ voi VA06 có năng suất và chất lượng cao, tui trồng luôn 8 sào. Từ khi cỏ cho thu hoạch đến nay, 7 con bò của tui không cần đến rơm và cũng không còn lo công chăn thả chúng nữa, cỏ xanh ăn thoải mái từ sáng đến chiều”.

Qua thực tế, cỏ VA06 đạt năng suất bình quân 341,4 tấn/ha. Với năng suất trên, 1ha cỏ VA06 có thể nuôi được từ 28 - 31 con bò; lợi nhuận từ trồng cỏ nuôi bò có thể đạt từ 118 - 138 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, để giải quyết thức ăn cho bò trong những tháng mưa bão, ngành nông nghiệp Bình Định còn xây dựng mô hình và chuyển giao công nghệ chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi bò do Bộ môn Chăn nuôi (Trường ĐH Nông lâm Huế) thực hiện tại các xã Tây Thuận, Tây Giang (Tây Sơn); Nhơn Khánh, Nhơn Lộc (TX An Nhơn).

Bà con được hướng dẫn sử dụng ngọn lá mía; thân và ngọn cây mì (sắn); rơm khô ủ yếm khí với urê, cám gạo, bột sắn, muối với tỷ lệ và thời gian phù hợp. Kết quả thấy, sau khi được chế biến đúng quy trình, giá trị dinh dưỡng các phụ phẩm nông nghiệp tăng cao, vật nuôi ăn nhiều và tăng trọng nhanh. 

Bà Lưu Thị Kim Hoa ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) cho biết: “Người chăn nuôi ở địa phương đang gặp khó khăn về đồng cỏ chăn thả gia súc, do nhiều bãi đất trống, khu đồi gò được tận dụng để phát triển các khu, cụm công nghiệp. Được BQL Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Bình Định chuyển giao công nghệ chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, người dân địa phương rất vui. Gia đình tui đang nuôi vỗ béo mỗi lứa 3 con bò thịt, thu lãi từ 6 đến 8 triệu đồng/lứa”. 

Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định khẳng định: “Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị trực thuộc mở thêm nhiều lớp dạy nghề chăn nuôi - thú y, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và chế biến phụ phẩm nhằm giúp nông dân chủ động tạo nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn bò. Đây là cách giúp bà con phát triển nghề chăn nuôi hiệu quả”.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất