| Hotline: 0983.970.780

Dạy “nghề y” cho ngư dân

Thứ Ba 04/06/2013 , 10:09 (GMT+7)

Được ngành chức năng quan tâm, trang bị kiến thức về y tế thường thức, ngư dân không còn lúng túng khi gặp sự cố về sức khỏe.

Sống ở ngoài biển nhiều hơn đất  liền với công việc nặng nhọc giữa nắng gió trùng khơi, ngư dân Quảng Nam luôn đối mặt với rủi ro, bệnh tật. Được ngành chức năng quan tâm, trang bị kiến thức về y tế thường thức, họ không còn lúng túng khi gặp sự cố về sức khỏe.

Rủi ro rình rập

Quảng Nam là tỉnh có lực lượng ngư dân hành nghề câu mực xà xa khơi rất đông. Trong những nghề đánh bắt hải sản, nghề câu mực xà là vất vả hơn cả. Ngư dân Nguyễn Ngọc Vinh (SN 1975) ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, chủ chiếc tàu QNa 91225 TS, cho biết: “Chuyến biển ngắn nhất của tàu hành nghề câu mực xà là không dưới 1 tháng. Nghề này chủ yếu làm vào ban đêm, ngày cũng chẳng ngủ được là mấy vì còn phải phơi mực. Sức khỏe của ngư dân luôn vắt kiệt cho công việc là vậy nên thường xuyên bị đau yếu.

Không chỉ vậy, do đặc thù của nghề câu mực là mỗi người 1 thúng lênh đênh trên biển dưới ánh đèn tù mù, nhiều khi bị tàu lớn va quẹt, ngư dân bị gãy tay gãy chân là chuyện thường ngày. Một khi trên tàu có người bệnh hoặc bị tai nạn sẽ bị ảnh hưởng chung đến hoạt động của cả tàu. Tiếp tục làm thì không biết người bệnh sẽ ra sao, đưa bệnh nhân vào bờ thì mất đứt chuyến biển, hao tổn và ảnh hưởng đến thu nhập của hàng chục ngư dân trên tàu”.

Nghề câu mực xà có lịch làm việc rất khắc nghiệt. 4 giờ chiều, tất cả thợ câu xuống thúng. Mỗi thợ đi 1 thúng. Ngoài đồ nghề cơ bản là 4 - 5 cái rường (lưỡi câu mực đặc chủng), hành trang của mỗi thợ câu còn có 2 sọt nhựa. 1 dùng để đựng đồ nhu yếu phẩm như: 1 bình nước nóng dùng để nấu 2 gói mì tôm, chai nước ngọt, mấy bịch sữa hoặc mấy lon nước ngọt để bồi dưỡng trong đêm, bao thuốc lá, chai rượu; sọt kia đựng máy bộ đàm tầm gần để các thợ liên lạc với nhau.


Hoạt động câu mực xà của ngư dân Quảng Nam

Thả xong 34 chiếc thúng cùng những người thợ, chiếc tàu “cái” chạy xuôi theo con nước cách đó khoảng 10 hải lý, thả neo. Xuống thúng, các thợ câu thắp lên bóng điện mờ mờ được thắp sáng bằng pin để dụ mực tới ăn mồi. Thúng của các thợ vừa làm vừa đi xuôi dần về phía con tàu. 4 giờ sáng, chiếc tàu “cái” bắt đầu chạy quanh vớt thúng và thợ lên. Đến 7 giờ là chiếc thúng và người thợ cuối cùng có mặt trên tàu.

Không được nghỉ ngơi, những người thợ câu mổ mực, rửa sạch rồi phơi. Công việc này kéo dài đến 11 - 12 giờ trưa. Ăn vội miếng cơm, nằm ngả lưng 1 chút, đến 1 giờ chiều tất cả lại thức dậy lên giàn trở mực. 3 giờ chiều lại tiếp tục chuẩn bị hành trang cho đêm câu mới. 4 giờ chiều, các thợ câu lại xuống thúng.

“Suốt đêm không nghỉ, người đi câu luôn ở trong trạng thái lâng lâng, lơ mơ như bị bệnh mộng du. Đã nhiều lần tui suýt chết vì đang ngồi trên thúng mà lại có cảm giác như vừa ngủ dậy. Khi định bước chân “xuống giường” mới giật mình nhận ra đang lênh đênh trên biển.

May mà rụt chân lại kịp, thoát chết. Người làm nghề câu mực xà thường xuyên bị chứng đau đầu hành hạ do lao động nặng nhọc mà lại ít được ngủ”, ngư dân Trần Văn Lý, một người đi “bạn” ở thôn Thuận An, xã Tam Hải (Núi Thành), bộc bạch.

Nâng cao kiến thức y tế

Theo ông Nguyễn Tin, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, do tận dụng đến cạn kiệt quỹ thời gian có mặt trên biển để lao động, nâng cao thu nhập; chuyến biển này cập bờ bán sản phẩm xong là sắm tổn mở ngay chuyến biển mới nên ngư dân không có điều kiện đọc sách, báo để tìm hiểu cách sơ, cấp cứu cho các trường hợp không may bị bệnh, tai nạn lao động trong quá trình SX trên biển.

Trong khi đó, ngư dân xã Tam Quang lại chưa hề được tuyên truyền, tập huấn hay giúp đỡ gì về các kiến thức y tế phổ thông. “Cách đây không lâu, có trường hợp ngư dân địa phương bị chết do nhiễm bệnh trong quá trình SX trên biển mà không được cứu chữa kịp thời. Để tránh các trường hợp đáng tiếc như vậy, rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành chức năng”, ông Tin nói.

Trước tình hình đó, ngư dân như “mở cờ trong bụng” khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”, với mục tiêu bảo đảm cho người dân ở vùng biển, đảo được tiếp cận các dịch vụ y tế để nâng cao sức khỏe. Đề án khái quát nhiều nội dung quan trọng: Nâng cao nhận thức và năng lực quản lý nhà nước về y tế biển; củng cố và phát triển cơ sở y tế dự phòng; phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh.

“Trong thời gian tới, tàu cá của ngư dân Quảng Nam sẽ được trang bị tủ thuốc và các trang thiết bị y tế theo các quy định quốc gia và quốc tế. Ngư dân trong các tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển sẽ tiếp tục được tập huấn để biết cách sơ cấp cứu trên biển.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, truyền thông, trang bị kiến thức cho người dân vùng biển, đảo để họ có thể tự bảo vệ sức khỏe cho mình”, ông Tấn cho hay.

Cùng với đó, công tác tổ chức mạng lưới vận chuyển, cấp cứu; phát triển nguồn nhân lực cho y tế biển, đảo; xây dựng chính sách về tài chính, đầu tư cho y tế phù hợp với đặc thù của vùng biển, đảo; tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân vùng biển đảo cũng được chú trọng.

Trong thời gian gần đây, ngư dân đánh bắt xa bờ ở Quảng Nam còn được ngành chức năng quan tâm “dạy” cho những kiến thức cơ bản về y tế để họ chủ động đối phó với những tình huống cấp bách trên biển.

Ông Ngô Tấn, Phó GĐ Sở NN-PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trong những năm qua, chúng tôi hỗ trợ 100% kinh phí để mở các lớp đào tạo thuyền trưởng và máy trưởng cho ngư dân trên địa bàn. Tại các lớp đào tạo này, ngoài những kỹ thuật chuyên môn do các giáo viên của Đại học Nha Trang truyền thụ, ngư dân còn được tập huấn các kỹ năng y tế thường thức để áp dụng trong quá trình SX trên biển. Mỗi năm có khoảng từ 150 - 200 ngư dân được tập huấn về y tế. Ý thức được những kiến thức về y tế là rất cần thiết nên ngư dân rất ham học hỏi và ngày càng thông thạo”.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất