| Hotline: 0983.970.780

Dậy sóng, mừng Tết Độc lập

Thứ Hai 01/09/2008 , 13:00 (GMT+7)

Đó là lễ hội bơi thuyền trên sông Kiến Giang (Lệ Thủy - Quảng Bình). Đã thành thông lệ, hàng năm cứ đến ngày 2/9, người dân Lệ Thủy lại tưng bừng lễ hội mừng Tết Độc lập.

Đó là lễ hội bơi thuyền trên sông Kiến Giang (Lệ Thủy - Quảng Bình). Đã thành thông lệ, hàng năm cứ đến ngày 2/9, người dân Lệ Thủy lại tưng bừng lễ hội mừng Tết Độc lập.

Dậy sóng chạy theo cổ động

Ngoài Tết Nguyên Đán, người dân ăn Tết Độc lập cũng có bánh trái, cỗ bàn, phần lễ gồm mít tinh trọng thể phát động thi đua, diễu hành trên sông và đua thuyền. Với cư dân Lệ Thủy, hội đua thuyền trên sông Kiến Giang vào dịp Tết Độc lập đã thành máu thịt...

Ông Võ Văn Cừ, một nghệ nhân đóng thuyền bơi ở làng Lộc Thượng cho biết: "Trước hết phải chọn gỗ. Trai làng cơm đùm gạo bới đi cả tháng trên rừng Trường Sơn chọn lựa cây gỗ như ý. Nghệ thuật đóng thuyền cũng có những mực thước bí truyền. Cuối cùng là nghệ thuật thi đấu. Có được chiếc thuyền tốt, trai bơi nhàn mà vẫn về đích trước. Ngược lại, thuyền nặng, xấu, trai bơi giỏi đến mấy thì thuyền vẫn đi chậm".

Ngày chưa tách huyện Lệ Ninh (thành Quảng Ninh và Lệ Thuỷ) thì lễ hội đua thuyền là một cuộc ganh tài giữa trai bơi hai vùng. Có năm, thuyền đua Gia Ninh (huyện Quảng Ninh bây giờ) đi thụa (bơi thử cùng thuyền đua bạn) không được tốt lắm nên ai cũng lo. Đến tối 1/9, cụ Tốn được làng cử làm xà bát (người có nhiệm vụ điều khiển khi thuyền vòng qua cọc tiêu) huy động mọi người thắp đuốc ra bến sông, kéo thuyền đua lên rã ra toàn bộ và đóng lại.

Thuyền đua xuất phát

Trải qua hàng ngàn năm, người dân vùng sông nước Kiến Giang gắn bó với dòng sông. Mọi sinh hoạt, lao động sản xuất đều trong cậy vào con thuyền: Cấy hái, gặt mùa, giỗ chạp, tảo mộ, chợ búa, đám đình... cho đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng con thuyền ngược dòng lên thượng nguồn mai táng.

Từ lao động mà kết tinh nghệ thuật chèo thuyền, bơi thuyền. Nhịp điệu, kết cấu theo các thể: Mái khoan, mái xắp, mái đẩy... điều tiết sức trai, sức gái trên đường đua xanh.

Sáng ngày Tết Độc lập, thuyền đua Gia Ninh có mặt tại điểm xuất phát. Được nửa đường đua, thuyền Gia Ninh bị chèn chìm, trai bơi nhảy xuống vác thuyền lên tát khô nước tiếp tục cuộc đua tài. Khi đến vòng tiêu cuối cùng, cụ Tốn cho thuyền lượn qua nách của thuyền đang dẫn đầu. Tiếng vỗ tay của người xem dội lên như sấm, thán phục đường “cua” điệu nghệ và tài tình. Thuyền Gia Ninh rướn lên chạm đích trước chỉ cách thuyền về thứ nhì một cặp chầm mũi...

Theo cách gọi bình dân, đò của trai cầm chầm gọi là đò bơi, đò của gái dùng chèo gọi là đò đua. Trai bơi là thợ cày, gái đua là thợ cấy. Anh Võ Trọng Minh, một lực điền ở thôn Lộc An, năm nay 45 tuổi. Nghề chính làm nông nghiệp nhưng trong những ngày cuối tháng 8, anh thường trở về nhà sớm hơn. Các bạn trai bơi đang chờ anh xuống sông thử đò, thử sức chuẩn bị cho ngày hội bơi thuyền Tết Độc lập. Cũng như anh Minh, chị Nguyễn Thị Tiệp ở thôn Lộc Hạ, không phải tuyển thủ chuyên nghiệp.

Chị phải lao động đồng áng, làm thủy lợi, chăm lo việc nhà. Nhưng khi đã bước xuống thuyền, cầm chèo, chị thoát xác trở thành một đội trưởng quyết thắng trên đường đua. Nét duyên thời con gái vẫn còn trên khuôn mặt, chị hồ hởi: “Người chèo lái phải biết lượng và giữ sức mình. Khi xuất phát phải biết làm sao đẩy mái chèo tống để bắt nhịp cũng bạn bới đẩy thuyền mình rướn lên. Khi đã cách nhau được vài cặp chèo rồi thì thuyền mình đi sẽ nhẹ nhàng hơn mà bạn bơi ít bị mất sức...”.

Lễ hội đua thuyền ở Lệ Thuỷ cũng là một hình thức thi đấu thể thao cấp huyện mà số lượng đơn vị tham gia (thuyền bơi, đua) tới vài ba chục. Tuyển thủ cùng thi đấu một lúc lên đến 500 - 600 người. Cổ động viên tràn ngập hai bên bờ sông tới 5-7 vạn người, thuyền chạy theo cổ vũ thuyền đua đông như mắc cửi...

Lễ hội đua thuyền ở Lệ Thuỷ cũng đượm huyền tích. Đò bơi An Xá nhiều năm xếp thứ hạng thấp, trai, gái làng nản lắm, có năm định buông chầm, thả thuyền. Năm đó, giờ buông phao khai cuộc, hàng chục đò bơi qua khúc sông làng An Xá, bỗng thấy một thiếu nữ cởi bỏ xiêm y, khỏa thân đứng cao lồ lộ như hóa thạch, như khiêu khích mời chào... Trai bơi các làng bạn nhìn như bị hút hồn trước vẻ đẹp thánh thiện ấy, tay cầm chầm có phần lơi lỏng, lạc nhịp, thuyền đi chừng hẳn xuống...

Trai bơi làng An Xá trong giây lát đã hiểu ẩn ý sâu xa của người thiếu nữ, xiết lại tay, bắt nhịp rướn sức. Đò An Xá vượt lên. Khi đò bạn hiểu ra thì đã chậm mất mấy nhịp chầm, không sao đuổi kịp. Đò An Xá về đích trước. Đêm ấy, làng mở hội ăn mừng. Riêng thiếu nữ tự thấy mình đã thất tiết bèn ra sông trầm mình quyên sinh. Linh hồn nhập vào cây Cừa ngày đêm đứng dầm chân xõa tóc đợi chờ cổ động cho đò bơi. Dân làng nhớ ơn, lập đền thờ gọi là đền Bà Lỗ, quanh năm hương khói linh thiêng... Sau này, trước khi vào cuộc đua chính thức, tất cả thuyền đua đều bơi nhẹ dạo qua và thắp hương tại đền Bà Lỗ để mong được bà phù hộ.

Tôi còn nhớ Tết Độc lập năm 1975, mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thống nhất, huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ tổ chức đua thuyền. Toàn huyện có đến mấy chục đò đua của phụ nữ. Mẹ tôi, con gái vùng sông nước lấy chống vùng trên nên được chỉ định làm người chèo lái. Nhưng quyết định này vẫn chưa ngã ngũ vì có người cho rằng mẹ tôi vì nể tình bên ngoại mà “nhường” nước mái chèo! Khó thay.

Song le, cả đội bơi nhất trí nên lãnh đạo phải nghe theo. Mẹ tôi dẻo người, mang bộ bà ba đen, đầu đội một chiếc mũ tai bèo đứng cao sau lái thuyền, rướn người tống mái chèo theo từng nhịp mõ. Vòng một rồi vòng hai, lúc nào thuyền hợp tác vùng tôi cũng đi đầu. Đến vòng cuối, bứt được thuyền thứ nhì một quãng, mẹ tôi cho thuyền đua ép sát bờ để chào bà con đang reo hò cổ vũ. Lưng áo mẹ dính bết mồ hôi nhưng nét mặt vẫn tràn đầy sự phấn khích, hân hoan...

Đông nghịt người cổ vũ

Có năm, cả mấy anh em tôi cùng về quê. Mẹ gọi dậy từ sáng sớm để làm gà, thổi xôi đặt mâm cúng Tết Độc lập. Xong xuôi, mẹ bảo tôi dìu ra cửa nhìn từng đoàn người tấp nập về phố huyện xem đua thuyền rồi nhắc mấy con đưa các cháu đi xem cùng mọi người. “Mỗi năm chỉ có một lần, mới đó mà đã mấy mươi năm...” Mẹ nói rồi khuôn mặt như sáng lên bởi những ký ức ngày xưa chợt ùa về

Vào ngày Quốc khánh, từ sáng sớm trên mọi ngả đường về thị trấn Kiến Giang đã nghìn nghịt người, xe... Sau phát súng lệnh, trai bơi như gầm lên gồng mình, sông cuộn sóng... Hàng chục thuyền bơi bật lên lấy đà ban đầu cho cuộc tranh tài. Trên bờ, tiếng reo hò vang dội, người phất cờ. Kẻ vẩy hoa, vẩy nón. Những bà, những mẹ xắn quần lội ra mép sông dùng nón lá múc nước tạt theo thuyền như những vòng cung nước lung linh... Sau thuyền đua là hàng trăm thuyền máy cắm cờ đỏ, trống nện liên hồi chạy theo động viên, thưởng thức. Sông Kiến Giang vốn nhỏ, chảy hiền qua các làng mạc nay dậy sóng bạc đầu nâng những con thuyền chạy vào niềm phấn khích của cả vạn con người vẫy tay, reo hò không ngớt.

Hết mái xắp lấy đà, thuyền đua chuyển theo mái khoan dưỡng sức cho chặng nước rút. Tiếng hò cứ dội vào hai bên sông: “Khoan dô khoan - Hò khoan. Khoan dô khoan - Hò khoan...”. Cứ đến nhịp hò khoan là hàng chục trai bơi đẩy mái chầm vục xuống nước đều rắp, tạo sức mạnh đẩy con thuyền vượt lên...

Không chỉ mừng Tết Độc lập, lễ hội bơi thuyền còn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, làm ăn thuận lợi. Thắng hay thua sau cuộc tranh tài cũng đều vui... như hội. Đò nào theo làng đó, cùng con cháu ở xa tìm về liên hoan chúc mừng và hẹn lại dịp lễ hội mừng Tết Độc lập sang năm.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.