| Hotline: 0983.970.780

“Dậy sóng” quanh chuyện cấy lúa không làm đất

Thứ Năm 16/10/2014 , 08:51 (GMT+7)

Liên tiếp hai bài “Cấy lúa không làm đất!” và “Cấm mà không có giải pháp khác thì dân vẫn làm vụng” trên NNVN đã thu hút được sự chú ý lớn của dư luận. Trái chiều có, thuận chiều có nhưng tựu chung đồng tình với cách làm có kiểm soát…

Phần đông đồng tình

Về ý kiến trái chiều, độc giả Pham Quan viết: “Theo tôi, cấy lúa không làm đất là phương pháp không tốt nên không khuyến khích. Bởi vì, đồng bằng sông Hồng nói chung, Nam Định nói riêng, đất trũng, không cày xới đất lúa không thể phát triển tốt và cho năng suất cao được.

Mặc dù giảm công lao động cho nông dân nhưng nó khuyến khích cách làm không khoa học và tạo ra tính tùy tiện trong sản xuất.

Thực tiễn trên thế giới và truyền thống bao đời trồng lúa của nhân dân ta là phải cày bừa kỹ mới cấy lúa. Các cụ ta có câu "...cày sâu tốt lúa". Trường hợp cấy lúa không làm đất ở Hải Hậu (Nam Định) hay trường hợp ở Thái Bình, Hải Dương chỉ là tạm thời, giải quyết vấn đề cấp bách mà thôi”.

Về ủng hộ, nhiều độc giả phân tích mấu chốt quan trọng nhất của cấy lúa không làm đất chính là tiết kiệm công sức.

Độc giả Cua Gach than: “Quê tôi toàn người già và trung niên, thanh niên đi hết. Dạo trước đến khổ vì mất công gặt, bê rơm rạ đi chỗ khác rồi làm đất cày bừa. Mỗi lần đến ngày mùa là cả làng khói um vì đốt rơm rạ. Chưa kể, con cháu đi làm xa bị lôi về để giúp mà có phải đứa nào cũng về được. Từ ngày áp dụng biện pháp này chúng tôi nhàn hẳn, lúa lại tốt hơn. Giờ mong các bác kỹ thuật hướng dẫn cho chúng tôi cách sử dụng an toàn để nông dân yên tâm sản xuất”.

Phan Duc bình luận: “Đây là một sáng kiến hay của bà con, giúp giải quyết vấn đề nổi cộm hiện nay là sức ép từ việc thiếu hụt lao động nông nghiệp. Hơn nữa còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Về phương diện môi trường, Paraquat không phải là thuốc mới mà là thuốc trừ cỏ được kiểm chứng an toàn rất nhiều năm nay…

Ngoài ra, bà con hiện vẫn dùng thuốc trừ cỏ thường xuyên trong sản xuất nên nếu cấm thuốc này thì họ sẽ dùng thuốc khác. Việc cần làm ở đây là quản lý, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con để sử dụng an toàn và hiệu quả, đảm bảo sức khỏe, môi trường”.

Theo Phạm Minh: “Đây là một sáng kiến quá hay của nông dân VN, với họ kiếm được 10.000 đồng lãi từ việc bán mặt cho đất bán lưng cho trời đã là quí lắm rồi thế mà nhờ cách làm này họ tiết kiệm được hơn 4 triệu đồng/ha thì tại sao các nhà khoa học không vào cuộc để đánh giá tác động của phương pháp thay vì nghĩ đến việc cấm nhỉ?”.

Độc giả Thanh Bùi thì dẫn chứng rất cụ thể: “Tại hội nghị tổng kết mô hình sản xuất lúa không làm đất tại huyện Hải Hậu, Nam Định, chúng tôi được biết chỉ với gần 3.000 ha đang sử dụng theo phương pháp này cho 1 vụ, tổng chi phí tiết kiệm được từ khâu làm đất gần 10 tỉ đồng.

Đây là một khoản kinh phí lớn để góp phần nâng cao lợi nhuận cho nông dân sản xuất lúa. Một vấn đề có ý nghĩa lớn đối với người nông dân trồng lúa như chúng tôi do lãi từ nghề này hiện nay rất thấp dẫn đến nhiều người bỏ ruộng không muốn gieo cấy. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quan tâm đến người trồng lúa, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cần giúp đỡ nông dân sản xuất lúa có lãi ít nhất 30%, thì tôi nghĩ đây cũng là một giải pháp”.

Thuốc bổ nếu dùng không đúng cũng hại

Ở góc độ môi trường, cấy lúa không làm đất đi kèm dùng thuốc trừ cỏ diệt lúa chét, hủy gốc rạ đã làm nhiều người đặc biệt quan tâm.

16-46-33_dsc_5249
Thuốc trừ cỏ Gramoxone (Paraquat) - tác nhân gây tranh cãi của cấy lúa không làm đất

Độc giả Vân Linh có kiến giải rất độc đáo rằng: “Không phải chỉ thuốc BVTV mà bất kỳ thuốc hay hóa chất, thậm chí thuốc bổ nếu sử dụng không đúng mục đích, không đúng cách đều gây hại cho sức khỏe. Điều chúng ta cần làm ở đây là khuyến cáo người dùng phải hiểu đúng và thực hiện đúng các chỉ dẫn có trên bao bì.

Về ảnh hưởng của thuốc đến môi trường, mong các cơ quan khoa học và các cơ quan hữu quan có những nghiên cứu cụ thể, minh bạch nhưng cũng nên tham khảo lịch sử sử dụng của thuốc trừ cỏ này từ những nước tiên tiến trên thế giới, nơi đã sử dụng loại thuốc này rất lâu.

Cho đến nay vẫn chưa có báo cáo nào về độc tính của nó tới môi trường. Nếu tôi nhớ không nhầm thì loại thuốc này còn được coi là người bạn thân thiện với môi trường. Hãy nhìn vào cơ chế tác động của nó, vào khả năng thẩm thấu và tồn dư của nó. Nhưng hơn hết, mong các cơ quan chức năng hãy nhìn vào lợi ích của nó mang lại cho nông dân để có được một quyết định sáng suốt nhất”.

Đi sâu hơn vào chuyên môn thuốc, Thoan Nguyen viết: “Trong hai loại thuốc trừ cỏ không chọn lọc phổ biến hiện nay thì chỉ có thuốc trừ cỏ Paraquat (nông dân vẫn gọi là thuốc trừ cỏ cháy) là loại thuốc trừ cỏ tiếp xúc.

Thuốc có tác động diệt cỏ rất nhanh trong vòng một vài tiếng và chỉ diệt cỏ phần trên mặt đất, không ảnh hưởng đến rễ dưới mặt đất nên thuốc mang lại nhiều lợi ích cho nông nghiệp và môi trường: Đẩy nhanh thời vụ, hạn chế rửa trôi đất mà không một loại thuốc trừ cỏ nào trên thị trường có được lợi ích này để thay thế. Kể cả Glyphosate, một loại thuốc không chọn lọc, lưu dẫn, diệt cả rễ làm nới lỏng kết cấu đất nên tác động trừ cỏ chậm, và đóng góp trong việc hạn chế xói mòn đất ít hơn so với Paraquat.

Ngoài ra, với đặc tính lý - hóa riêng biệt, khi vào trong đất Paraquat bị hấp phụ mạnh bởi các hạt keo đất và bị bất hoạt. Do vậy, Paraquat không gây ra các vấn đề về ô nhiễm môi trường đất (không gây dư lượng trong nước ngầm, không gây dư lượng trong dung dịch đất - soil solution, không gây dư lượng cho cây trồng khi được canh tác...)”.

Độc giả Nguyễn Ánh Thi cho rằng: “Thuốc BVTV nào cũng có nguy cơ gây độc cho người sử dụng nếu không sử dụng đúng. Chúng ta có 4 đúng trong việc sử dụng thuốc BVTV để đảm bảo thuốc phát huy hiệu quả phòng trừ dịch hại và an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên việc thực hiện lại chưa được kiểm tra và giám sát đầy đủ.

Nên có những biện pháp quản lý cụ thể hơn về mặt này thay vì không quản được thì cấm bởi vì việc cấm sẽ làm cho nông dân thiệt thòi mà vẫn không kiểm soát được những rủi ro của thuốc BVTV”.

Viện dẫn kinh nghiệm sử dụng chính loại thuốc này của thế giới, Phạm Thu Hương thông tin: “Theo tôi được biết trên thế giới có hơn 90 nước cho phép sử dụng thuốc Gramoxone vì lợi ích của thuốc mang lại cho ngành nông nghiệp vậy lý do tại sao tại Việt Nam lại có ý định cấm sử dụng loại thuốc này? Những nước này đều là những nước phát triển và có nền nông nghiệp vào loại hàng đầu thế giới”.

Còn độc giả Banh Dau Xanh lấy luôn kinh nghiệm của chính mảnh ruộng nhà mình: “Hiện nay nhà tôi ở quê trồng lúa có làm đất và vẫn phải phun thuốc trừ cỏ ít nhất một lần sau khi gieo cấy. Với phương pháp không làm đất này, nhà tôi cũng chỉ phải phun thuốc trừ cỏ một lần trước khi gieo cấy. Như vậy, cũng chẳng tăng số lần phun thuốc trừ cỏ nào mà lại còn tiết kiệm được công làm đất”.

Xem ra, độ “nóng” của chủ đề cấy lúa không làm đất sẽ vẫn còn được duy trì trong thời gian tới. Điều cần là các nhà khoa học và cơ quan chức năng cùng vào cuộc, nghiên cứu, đánh giá, đưa ra giải pháp sản xuất tối ưu, bà con nông dân hưởng lợi.

(tổng hợp)

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm