| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 17/11/2010 , 10:46 (GMT+7)

10:46 - 17/11/2010

Dạy thế nào đây?

Từ lâu, nạn chạy trường đã không còn là chuyện hiếm trong xã hội. Dù không công khai, nhưng cứ sau mỗi kỳ tuyển sinh các cấp hay đầu những năm học mới, không khó để nghe thấy những lời xì xào về chuyện ông này, bà nọ vừa chạy cho con vào một trường nào đó hết bao nhiêu tiền… Thậm chí, chuyện chạy trường đã được không ít người coi là chuyện đương nhiên, bình thường trong xã hội, là chuyện “chẳng có gì mà ầm ỹ”.

Dẫu vậy, vụ “chạy trường tập thể” do Sở GĐ-ĐT Hải Phòng thực hiện trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay, thì vẫn khiến cho người ta phải giật mình. Trước hết, một cơ quan quản lý cấp Sở mà lại đi làm cái chuyện “hô biến” tới trên 200 học sinh vốn đã trượt cả nguyện vọng 1 lẫn nguyện vọng 2, hay nói nôm na là thi trượt, được vào học trong các trường THPT công lập, thì quả là chuyện hy hữu.

Đã thế, để được UBND TP Hải Phòng thông qua, Sở GD-ĐT thành phố này đã đánh lừa cấp trên của mình bằng cách nói rằng những học sinh trên đều thuộc đối tượng rất đáng được cảm thông, ưu tiên như: con, cháu gia đình chính sách, gia đình cách mạng, con cháu những người Anh hùng, trẻ mồ côi hay con cái các gia đình đặc biệt khó khăn…

 Trong khi đó, nhiều em trong “Bản danh sách Schindler” này là con quan chức, con chủ doanh nghiệp, con nhà buôn bán…, nghĩa là không nằm trong những hoàn cảnh đáng được chiếu cố như trên. Sở còn lừa thành phố bằng việc xin xét những hồ sơ thiếu không quá 1 điểm, nhưng có học sinh thiếu tới 2,5 điểm vẫn được “vớt” vào một trường “ngon lành”.

Cũng may, vụ “chạy trường tập thể” nói trên đã bị lộ. Những người có liên quan rồi sẽ bị xử lý. Những học sinh “con ông cháu cha” nhưng không xứng đáng ngồi trên ghế nhà trường THPT trong năm học này rồi cũng sẽ phải trở về nhà ôn luyện lại để tìm cơ hội trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm tới.

Thế nhưng, vụ “chạy trường” này chắc hẳn sẽ còn để lại dư vị buồn và thất vọng trong không ít những học sinh thi đậu một cách đàng hoàng, và cả trong những học sinh con nhà nghèo khó, lỡ thi trượt nhưng không được đưa vào danh sách nói trên. Sự dối trá, bất công, có thể nói là 2 trong những vấn đề đang gây nên tình trạng suy thoái của đạo đức xã hội hiện nay.

Đáng buồn thay, ở cơ quan quản lý ngành giáo dục của một thành phố lớn, người ta lại lạm dụng cả hai cái xấu đó chỉ để mưu lợi cho một số người. Rồi đây, các thày, cô giáo ở Hải Phòng sẽ phải dạy bài học về sự trung thực, về tính công bằng cho học sinh như thế nào đây?

Bình luận mới nhất