| Hotline: 0983.970.780

ĐBQH - TS Trần Du Lịch: Tái cơ cấu phải gắn với chính sách phù hợp

Thứ Sáu 21/10/2011 , 09:36 (GMT+7)

Tôi đánh giá cao việc Chính phủ năm nay có một đề án riêng và đưa vào kế hoạch 5 năm...

ĐBQH - TS Trần Du Lịch
Thưa ông, ông nhận xét thế nào về những giải pháp Chính phủ trình Quốc hội nhằm tái cơ cấu nền kinh tế?

Tôi đánh giá cao việc Chính phủ năm nay có một đề án riêng và đưa vào kế hoạch 5 năm. Đề án cũng lựa chọn ra được 3 vấn đề rất trúng để tái cơ cấu. Nhưng làm thế nào thì Chính phủ sẽ phải cân nhắc, chọn từng vấn đề quan trọng để thực hiện.

Trong nhóm giải pháp lần này cũng dành khá nhiều chỉ tiêu phát triển cho ngành nông- lâm- ngư nghiệp, điều đó khẳng định sự thay đổi trong định hướng phát triển kinh tế sắp tới.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế là phải có những chính sách phù hợp. Ví dụ chúng ta quyết tâm duy trì 3,8 triệu ha đất lúa, bảo vệ bờ xôi ruộng mật vậy chính sách đối với những tỉnh duy trì đất lúa này như thế nào?

Trong đề xuất của Ủy ban Tài chính Ngân sách QH có đưa ra vấn đề hỗ trợ một phần ngân sách cho các địa phương trồng lúa nhưng hỗ trợ như thế đã tương xứng chưa? Duy trì đất lúa là an ninh lương thực, là lợi ích quốc gia nhưng cũng cần phải đem lại cho người dân địa phương một khoản thu nhập tương xứng. Vấn đề trồng rừng và hàng loạt những vấn đề xã hội quan trọng khác cũng đặt ra tương tự.

Chính phủ cho rằng buông lỏng tín dụng là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lạm phát và có chủ trương tiếp tục thắt chặt tín dụng cũng như tái cơ cấu lại hệ thống tài chính trong đó có các ngân hàng thương mại. Liệu có nguy cơ sẽ giải thể một số ngân hàng không, thưa ông?

Tôi nghĩ là không đặt vấn đề giải thể, mà có thể sáp nhập, mua lại. Rất nhiều cách nhưng tuyệt đối sẽ không để xảy ra việc mất khả năng thanh toán hay phá sản. Thực ra đây là việc phải làm nhưng rất nhạy cảm, cần phải cân nhắc kĩ từng bước đi

Từ nhiều năm nay chúng ta vẫn đặt vấn đề cắt giảm đầu tư công nhưng không khả thi, theo ông để cắt giảm đầu tư công Chính phủ cần phải làm gì?

Theo tôi nếu chúng ta cứ chi đầu tư công theo cách hiện tại thì khó có thể cắt giảm. Muốn cắt giảm đầu tư công phải thay đổi Luật Ngân sách, cách thức phân bổ đến các địa phương. Tôi ví dụ đầu tư công cho giáo dục chẳng hạn, hiện ta cứ phân bổ tiền dàn trải cho tất cả các địa phương dẫn tới nhiều tỉnh nghèo thì thiếu còn tỉnh có nguồn thu lớn lại thừa.

 Thay vì như vậy, đối với các tỉnh nghèo thì TƯ sẽ đầu tư toàn bộ cho giáo dục như hiện tại, đối với tỉnh khá hơn thì có thể giao cho tỉnh đó lo đầu tư giáo dục tiểu học, TƯ lo đầu tư trung học, tỉnh khá hơn nữa thì giao cho địa phương cả tiểu học và trung học.

Đối với y tế cũng vậy chúng ta phải thay đổi phương pháp thì mới giải quyết được vấn đề chứ cứ tăng tiền cho địa phương dàn trải sẽ lãng phí.

Nhiều nước trên thế giới đang phải oằn mình gánh chịu nợ công, Hy Lạp là một điển hình. Vậy ông đánh giá thế nào đối với chỉ tiêu nợ công của Chính phủ đưa ra trong bối cảnh kinh tế hiện nay?

Tôi cho rằng nếu xét chỉ tiêu 6% thì so với nhiều nước là chúng ta an toàn nhưng theo tôi còn nhiều vấn đề phải bàn. Ví dụ một chỉ tiêu rất quan trọng đó là dư nợ đáo hạn cần phải trả so với thực trạng ngân sách, năm 2011 chúng ta quyết định trả nợ 86 ngàn tỉ, dự kiến 2012 lên 100 ngàn tỉ. Nếu số bội chi này cứ lớn lên hàng năm thì phải cân đối với khả năng thu ngân sách mà phần này chưa thấy giải trình.

 Ví dụ, 2015 ta dự kiến tăng thu cỡ nào? Chủ trương của ta hiện nay là giảm thuế và phí so với GDP. Như vậy nó mâu thuẫn với việc nợ của chúng ta tăng lên, nợ gốc và lãi sẽ chiếm hết, không còn gì để chúng ta đầu tư nữa.

Còn về chỉ tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2012, liệu chúng ta có thể đạt được khi tổng mức đầu tư xã hội sẽ giảm từ 42,7% xuống chỉ còn 33,4%. Và liệu chỉ tiêu này có mâu thuẫn với nỗ lực kiềm chế lạm phát?

Theo tôi chỉ tiêu tăng trưởng 6% hoàn toàn có thể đạt được và không phương hại với khả năng kiềm chế lạm phát bởi dù sao chúng ta cũng phải đảm bảo tỉ lệ việc làm, giảm thất nghiệp. Nếu tỉ lệ lao động thất nghiệp nhiều thì cũng nguy hiểm đến nền kinh tế. Nếu duy trì được ổn định đồng tiền và việc tăng tổng cầu quá lớn trong năm trước, hết chu kì của nó thì tình hình lạm phát sẽ khác đi.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.