| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Chuyển hướng sang con 'mì ăn liền'

Thứ Tư 11/09/2019 , 14:30 (GMT+7)

Các tỉnh ĐBSCL đang khuyến khích người chăn nuôi chuyển hướng nuôi gia cầm và đại gia súc. Khuyến khích chăn nuôi an toàn sinh học và quy mô lớn.

Nuôi gia cầm, nhanh bán

Cuối tháng 8, chúng tôi có dịp ghé sang thăm nhà ông Tư Mãnh (Đoàn Văn Mãnh, 63 tuổi) ở phường 4, TP Vĩnh Long. Ông Tư có nghề nuôi heo đực giống đã trên 30 năm nay. Khi hay tin đàn heo của các hộ xung quanh trại heo của mình dính dịch dịch tả heo châu Phi (DTHCP), ông như đứng trên chảo lửa. Hầu như ngày nào cũng rải vôi rồi xịt sát trùng, không cho ăn thức ăn thừa... Ngành chức năng khuyến cáo gì ông cũng làm.

14-26-31_1
Nông dân chọn nuôi gia cầm vì nhanh thu hoạch. Ảnh: Minh Đãm.

Tiếp trà chúng tôi hồi lâu ông mới ngậm ngùi kể về câu chuyện chăn nuôi của mình. Từ nuôi vài con, làm ăn khấm khá ông đầu tư trang trại quy mô gần 4.000 m2 trị giá 1,2 tỷ đồng. Trại nuôi 38 heo đực giống, 2 nái, 20 heo con. Khi chưa có DTHCP xảy ra, mỗi ngày trại cho trang thu nhập không dưới 500 nghìn đồng từ việc bán tinh heo. Bỗng chốc, cơn lốc DTHCP tràn về, đàn heo cũng “chia tay” ông Tư từ đây.

Trang trại đầu tư tiền tỷ đành bỏ phế, cũng không thể tái đàn ngay lúc này khi mà mỗi ngày ông đi đâu cũng nghe báo, nghe đài ra rả chuyện tiêu hủy heo nhiễm bệnh. Lâu lâu, ông cũng gọi điện lên Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để hỏi thăm tình hình dịch bệnh để tái đàn nuôi lại mà thấy tình hình còn chưa ổn, ông đành thôi. Để đỡ nhớ nghề, vơi đi cái cảm giác trống vắng khi vừa mới mất đi đàn heo, ông Tư bèn cùng con trai mình mua 500 con gà sao, 200 con vịt xiêm về nuôi cũng là cho có đồng vô đồng ra.

Ông nói: “Tôi tính nuôi bò, giờ chuồng heo lấy nuôi bò cũng được nhưng biết chừng nào mình mới có thu nhập. Bởi vậy, tôi mới tính làm những con “mì ăn liền” như gà, vịt vậy đó. Chớ ở không như vậy sao tôi chịu nổi”.

“Nhưng mà vừa rồi nó hổng có thành công, do mình thiếu kinh nghiệm. Khi gặp vấn đề hổng có biết phải xử lý nó như thế nào. Như cái vụ úm gà, học hỏi anh em. Người ta nói sao mình nghe vậy rồi lên in-tơ-nét tìm hiểu. Nhưng mà cuối cùng cũng đâu có làm giống người ta được. Hôm rồi, đàn gà chết 50%, đàn vịt cũng chết 60 con. Thiệt hại trên chục triệu đồng”, ông Tư buồn bã kể lại.

Nhưng vẫn với quyết tâm làm cho kỳ được, cha con ông Tư tự an ủi nhau: “Làm đi, có thất bại thì cũng là kinh nghiệm. Rồi kỳ sau mình làm nó mới nên”. Ngày hôm đó, cha con ông Tư hì hục kéo lưới B40 rào quanh cái chuồng heo, chuẩn bị thả đợt gà mới. Trong lòng chắc mẩm, lần này nhất định phải được thôi.
 

Băn khoăn chăn nuôi nhỏ lẻ

Đã 3 tháng qua, kể từ ngày DTHCP xảy ra trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, trên 26 nghìn con heo nhiễm bệnh đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y phát hiện, tiêu hủy với tổng trọng lượng trên 1.600 tấn. Do tập quán chăn nuôi đã có từ trước cho nên đến nay Vĩnh Long vẫn là địa phương có số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cao, chiếm khoảng 80%. Ngành chức năng địa phương cho biết dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Thậm chí, 6/16 xã, phường đã dập dịch trước đó tiếp tục có DTHCP xuất hiện trở lại.

14-26-31_2
Đàn gia cầm tại Vĩnh Long đang dẫn đầu các tỉnh ĐBSCL với hơn 8 triệu con. Ảnh: Minh Đãm.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Long về vấn đề tái cấu trúc chăn nuôi của tỉnh. Theo ông Tùng, ngành chăn nuôi heo sẽ phải phát triển theo hướng tiên tiến, an toàn sinh học mạnh mẽ hơn.

Người nuôi không chỉ dựa vào vốn và kinh nghiệm như trước đây được nữa. Yếu tố quyết định phải là kỹ thuật cao. Tập quán nuôi nhỏ lẻ cũng phải dần được thay đổi vì rõ ràng nuôi nhỏ lẻ không thể chống chọi với dịch.
 

Phát triển đại gia súc

Tại Trà Vinh, DTHCP đã xảy ra tại 1.017 hộ, với số lượng heo tiêu hủy là 24.334 con; trọng lượng tiêu hủy hơn 1.200 tấn.

Sở NN-PTNT Trà Vinh khuyến cáo người dân không tái đàn heo trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Đối với trường hợp sau 30 ngày kể từ khi có dịch mà không có trường hợp nào xuất hiện nữa thì người chăn nuôi được tái đàn nhưng cần có đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, con giống an toàn và được kiểm tra xác nhận định kỳ. Hộ nuôi nên đăng ký với UBND cấp xã.

Theo bà Nguyễn Ngọc Hài, PGĐ Sở NN-PTNT Trà Vinh: Tỉnh đang từng bước xây dựng các cơ sở chăn nuôi vùng an toàn dịch bệnh, từng bước giảm dần các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, khuyến khích chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP... tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Sở đã có hướng dẫn người chăn nuôi nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn cung cấp thịt heo và ổn định sinh kế cho người chăn nuôi, cũng như tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi tỉnh trong thời gian tới.

Theo đó, tỉnh Trà Vinh sẽ phát triển nghề chăn nuôi gia cầm, nhất là nuôi gà Tàu lai địa phương, theo hình thức bán công nghiệp (chăn nuôi thả vườn). Đối với các đại gia súc như bò dê, Trà Vinh cũng sẽ phát triển nghề nuôi bò cao sản dựa trên nền bò cái lai Sind, nghề nuôi dê thịt lai giữa giống Bách Thảo và Boer.

14-26-31_3
Ngành chức năng Trà Vinh khuyến cáo chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học và đại gia súc thay cho tái đàn heo lúc này. Ảnh: Minh Đãm.

“Đến nay, đàn gia cầm của tỉnh Vĩnh Long đạt trên 8 triệu con, tăng khoảng 0,5 triệu con so với những năm trước. Quy mô nuôi từ vài trăm con đến vài vạn, thậm chí chục vạn con. Trong đó, gà chiếm khoảng 5 triệu con”.

(Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Long).

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất