| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Cúm gia cầm bộc phát, khó đoán

Thứ Ba 25/02/2014 , 10:03 (GMT+7)

Hiện nay dịch CGC vẫn bộc phát, diễn biến phức tạp, rất khó đoán, cho dù điều kiện thời tiết đang hanh khô, nắng nóng.

Những ngày qua, ĐBSCL trời hanh khô, nắng nóng. Cán bộ cơ quan thú y một số tỉnh trong vùng nhận định: Thông thường, thời tiết như thế dịch cúm gia cầm (CGC) sẽ lắng dịu và ít có điều kiện khởi phát. Tuy nhiên, hiện nay dịch CGC vẫn bộc phát, diễn biến phức tạp, rất khó đoán.

Diễn biến khó đoán

Ngày 24/2, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ cho biết: Tính từ khi khởi phát dịch CGC từ ngày 8/1/2014, đến ngày 18/2/2014 xảy ra 10 ổ dịch trên địa bàn 6 xã, phường thuộc 4 quận, huyện, TP Cần Thơ, với lượng GC 6.895 con (1.560 gà, 5.334 con vịt), trong đó số gia cầm mắc bệnh chủ hộ tự xử lý 2.107 con, lực lượng thú y tiêu hủy 4.788 con.

Tại Sóc Trăng, Chi cục Thú y cho biết, lúa ĐX bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhiều đàn vịt chạy đồng di chuyển theo mùa gặt lúa. Dù vậy trên địa bàn các huyện chưa phát hiện dấu hiệu dịch CGC. Trong khi ngày 18/2 tại Bạc Liêu phát hiện thêm ổ dịch CGC mới trên đàn vịt chạy đồng 1.190 con tại xã Phong Thạnh Đông, huyện Giá Rai.


Nuôi vịt chạy đồng ở Đồng Tháp

Ông Lâm Trí Thông, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bạc Liêu cho biết, trước Tết đã có 2 ổ dịch CGC trên 2 đàn vịt 2.390 con của hai hộ dân ở xã Ninh Qưới A, huyện Hồng Dân và một đàn gia cầm 1.100 con tại xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long. Kết quả xét nghiệm các ổ dịch nhiễm cúm A/H5N1, lực lượng thú y kết hợp với chính quyền địa phương tiêu hủy toàn bộ số gia cầm trên.

Theo phản ánh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện còn tổng đàn gia cầm trên 2,5 triệu con và TP Cần Thơ có hơn 1,8 triệu con. Trong những ổ dịch CGC phát hiện gần đây xuất hiện virus biến thể và xảy ra hiện tượng dù có đàn đã tiêm phòng vacxin H5N1 nhưng vẫn bị bệnh và chết với kết quả xét nghiệm dương tính H5N1. Điều này đã làm cho một số hộ chăn nuôi trở nên lo lắng, hoang mang.

Đối phó biến thể

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Cần Thơ, trong số 11 đàn bị CGC tại Cần Thơ có kết quả dương tính H5N1, có 5 đàn chưa tiêm phòng, 4 đàn đã tiêm phòng từ 6 đến 19 ngày và 2 đàn đã tiêm phòng từ 45 đến 70 ngày.

Trên lý thuyết, gia cầm sau khi tiêm phòng 28 ngày mới có kháng thể. Trường hợp 2 đàn đã tiêm phòng sau 45 này vẫn bị CGC cho kết quả dương tính H5N1, Chi cục đã gửi mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tiếp tục xác định kết quả giải trình tự gen.

Ông Dũng nói: Để giúp các địa phương chủ động trong việc lập kế hoạch phòng chống dịch CGC, ngày 6/1/2014, Cục Thú y đã có Công văn số 31/TY-DT về việc thông báo tình hình lưu hành virus CGC và lở mồm long móng năm 2013 và hiệu lực một số vacxin.


Tiêu hủy đàn vịt nhiễm bệnh CGC

Theo đó, kết quả giải trình tự gen các mẫu virus CGC phân lập được từ chương trình giám sát năm 2013 (tính đến tháng 11/2013) cho thấy virus CGC tại Cần Thơ thuộc nhánh 1.1 và sau đó Chi cục Thú y Cần Thơ lập kế hoạch mua vacxin tiêm phòng. Ngày 10/2 vừa qua, Cục Thú y cập nhật thông tin lưu hành virus CGC, đã có Công văn (số 168/TY-DT) gửi đến Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL.

Theo đó, trong thời gian đầu năm 2014, Cục Thú y đã tiến hành gửi một số mẫu virus CGC phân lập được tại các tỉnh thuộc vùng VII đi giải trình tự gen, kết quả nhánh 2.3.2.1, nhóm C: virus lưu hành tại các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và TP Cần Thơ và nhánh 1.1 virus lưu hành tại Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Theo cán bộ chuyên môn ngành Thú y, nhánh virus 2.3.2.1 nhóm C lưu hành ở miền Bắc, miền Trung. Có thể do quá trình vận chuyển đã xâm nhập và mới xuất hiện ở một số tỉnh phía Nam. Đây là dòng virus có độc lực cao, có khả năng biến thể kháng lại vacxin. Đó là điều lý giải vì sao ở một số tỉnh ĐBSCL xảy ra hiện tượng gia cầm đã tiêm phòng vẫn chết.

Sau khi CGC tại Cần Thơ được xác định nhánh virus 2.3.2.1 nhóm C, Chi cục Thú y Cần Thơ đề xuất Cục Thú y chọn vacxin Re-6 tiêm phòng phù hợp (thay cho vacxin chủng ngừa virus H5N1 nhánh 1.1 trước đây). Đến chiều ngày 24/2, 500.000 liều vacxin trên đã được chuyển về Cần Thơ và từ 25/2 lực lượng cán bộ thú y sẽ tiến hành tiêm phòng bao vây vùng xảy ra ổ dịch, vùng xung quanh ổ dịch có nguy cơ lây lan.

ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch lúa vụ ĐX, vịt chạy đồng là nỗi lo mang theo mầm bệnh lây lan nhanh. Trong khi ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, TP Cần Thơ đàn vịt chạy đồng có phần giảm xuống thì ở Đồng Tháp, An Giang đàn vịt chạy đồng số lượng tăng cao.

Theo Chi cục Thú y Đồng Tháp, đến cuối tháng 1/2014 đã tiêm phòng hơn 1 triệu liều vacxin ngừa CGC trên địa bàn tỉnh, đến 20/1 số gia cầm được tiêm ngừa tăng lên 40 đến 50% trong đó tăng chủ yếu là vịt chạy đồng vào tỉnh. Điều lo ngại nhất là ở Tháp Mười, Lấp Vò đang thu hoạch lúa phát hiện một số đàn vịt chưa có sổ chứng nhận tiêm ngừa.

Tương tự tại An Giang, một cán bộ thú y nói: Lo nhất là mầm bệnh đàn vịt chạy đồng di chuyển theo ruộng lúa ĐX vừa gặt xong. Do đó trước mắt khuyến cáo nông dân nuôi vịt đàn chạy đồng tiêm ngừa CGC, tạm thời chuyển sang nuôi tại chỗ, hoặc nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, vệ sinh khu vực nuôi thường xuyên, ngăn ngừa chim, chuột và hạn chế người lạ tiếp xúc đàn gia cầm.

LÊ HOÀNG VŨ

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.