Phát biểu tại Diễn đàn về đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước, ông Trần Duy An, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, thông tin “Để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng và sinh kế người dân, toàn vùng có 15 hệ thống thủy lợi phục vụ trên 2,5 triệu ha, chiếm 64% diện tích toàn khu vực. Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn về an ninh nước ngọt, xói lở bờ sông, bở biển, kênh, rạch. Dự báo trong giai đoạn năm năm 2030-2050, nhiệt độ nước và lượng mưa, lượng nước triều sẽ tiếp tục tăng.”
Theo Quy hoạch Phòng, chống thiên tai và Thoát lũ đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050, vùng thượng nguồn sẽ cần kiểm soát lũ, cải tạo các trục thoát lũ tại vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, và ứng phó với các tình huống bão lũ cực đoan; vùng giữa: hoàn thiện hệ thống thủy lợi, xây dựng các hệ thống chuyển nước để cung cấp nước cho các khu vực xa nguồn. Nghiên cứu các giải pháp kiểm soát mặn trên dòng chính sông Mê Kông; vùng hạ lưu: xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sinh hoạt, nâng cấp tuyến đê biển và ứng dụng công nghệ thu trữ nước trong mùa khô.
Về tầm nhìn đến năm 2050, ĐBSCL sẽ ứng dụng các giải pháp hiện đại để cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, các hệ thống cấp thoát tách rời cho một số khu vực có điều kiện thuận lợi. Đồng thời, các giải pháp tận dụng nguồn nước biển ngoài khơi để phục vụ sản xuất cũng sẽ được triển khai và cung cấp các giải pháp thủy lợi ứng phó hiệu quả với các kịch bản nguồn nước biến động bất lợi hơn với đồng bằng (lũ lớn hơn, kiệt ít nước hơn).
Theo đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, mục tiêu của Quy hoạch là tăng tần suất đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp lên 90% và sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 80% vào năm 2025. Xa hơn, ĐBSCL hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và phát triển hài hòa với tự nhiên.
Đề xuất các giải pháp kỹ thuật cơ bản phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi, ông Trần Duy An chia sẻ, sẽ cần hoàn thiện các công trình kiểm soát mặn, các công trình dẫn nước, chuyển nước, trữ nước, kết hợp với các giải pháp phi công trình để cấp nước; vận hành các công trình tiêu nước khoa học, mở rộng diện tích được bơm tiêu bằng động lực. Ngoài ra, các công trình kiểm soát theo quy mô lớn tuân thủ theo quan điểm “chủ động sống chung với lũ”. Các công trình chống sạt lở tại các vị trí quan trọng cần được đầu tư và theo dõi. Tại các điểm sạt lở nguy hiểm, di dời dân khỏi những điểm sạt lở nguy hiểm và giữ hành lang thoát nước không bị lấn chiếm, Đầu tư xây dựng các công trình chống ngập úng cho đô thị và các khu vực cửa sông lớn.
ĐBSCL sẽ xây dựng 5 nhà máy cấp nước vùng với tổng công suất 1,5 triệu m³/ngày đêm, sử dụng nguồn nước từ dòng chính Mê Kông. Các nhà máy này được đặt tại vị trí không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Các công trình kiểm soát mặn, dẫn nước, chuyển nước, và trữ nước sẽ được hoàn thiện kết hợp với các giải pháp phi công trình.
Về giải pháp của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam về khoa học, công nghệ, cần tiếp tục phổ biến tới người dân ứng dụng khoa học công nghệ trong tưới tiết kiệm nước, hiệu quả trong các vùng trồng như trồng cây ăn trái nhằm cải thiện tình trạng sử dụng nước hợp lý, hiệu quả, ứng dụng công nghệ hiện vẫn chưa đầy đủ, thiếu thiết bị hỗ trợ dẫn đến sự vận hành theo cảm quan, hiệu quả hạn chế.