| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Nước lũ xuống nhanh

Thứ Ba 08/10/2019 , 16:23 (GMT+7)

Sau khi đập điều tiết lũ Trà Sư (An Giang) được mở nước lũ đã đổ về phía hạ du vùng Tứ giác Long Xuyên nhưng đỉnh lũ năm nay thấp, chỉ ở mức báo động 1 nên nhiều nơi nước xuống rất nhanh.

 Đập điều tiết lũ Trà Sư được mở sẽ tăng lưu lượng nước đổ về các kênh nội đồng ở cuối nguồn để phục vụ sản suất và các lợi ích khác của mùa lũ mang lại

Trước đó, phía tỉnh Kiên Giang đã có công văn gửi tỉnh An Giang phối hợp vận hành mở đập Trà Sư vào ngày 30/9. Tuy nhiên, đến ngày 4/10 đập này mới chính thức được mở. Việc mở đập là nhằm tăng lưu lượng nước đổ về các kênh nội đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, phục vụ bơm tưới cho diện tích lúa đang có nhu cầu cần nước và các lợi ích khác của mùa lũ như phù sa, tôm cá, rửa phèn, đẩy mặn từ biển xâm nhập.  

Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, tính đến cuối tháng 9, toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 250 ngàn ha lúa hè thu 2019, còn khoảng 40 ngàn đang thu hoạch dứt điểm. Ngoài ra, diện tích lúa thu đông 2019, đã xuống giống hơn 78 ngàn ha, trong đó các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên có diện tích lớn như: Giang Thành 11.200 ha, Hòn Đất 4.433 ha…

Sau khi đập điều tiết lũ Trà Sư được xả, nước đổ về nội đồng nhiều, nông dân có thêm thu nhập từ nguồn lợi thủy sản

Ông Dương Huy Bình, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòn Đất cho biết, trong số gần 79 ngàn ha lúa hè thu của huyện đến nay đã thu hoạch được khoảng 73 ngàn. Còn lúa thu đông cũng đã thu hoạch được 1 ngàn ha, diện tích còn lại đều có đê bao nên đảm bảo an toàn.

“Sau khi đập Trà Sư được mở, nước đổ về cũng không nhiều như mọi năm. Hiện nước trên ruộng tương đối thấp, nhiều nơi nông dân phải dùng máy bơm lên để vệ sinh đồng ruộng. Để giữ nước, huyện đã phối hợp với Chi cục Thủy lợi tỉnh đóng bớt các của cống thoát lũ ra biển Tây. Và khả năng khoảng 15-20/10 sẽ đóng toàn bộ để ngăn nước mặn xâm nhập vào nội đồng”, ông Bình thông tin.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, năm nay lũ rất nhỏ và đang xuống rất nhanh, hiện mỗi ngày nước trên các sông nội đồng đều giảm vài phân (cm). Vì vậy, đơn vị sẽ sớm điều tiết, đóng hệ thống cống để giữ ngọt, phục vụ snả xuất, ngăn  mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Theo dự báo của cơ quan chuyên ngành Trung ương, trong mùa mưa năm 2019, tổng lượng mưa có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 200 - 400 mm, khả năng dòng chảy vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm từ 1-2 tháng và  ở mức độ cao hơn, gay gắt hơn so với cùng kỳ. Dự báo, từ tháng 12 xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng trong phạm vi cách biển đến 30-35 km, từ tháng 1-2/2020, ranh mặn 4%o vào sâu nội đồng các cửa sông Cửu Long từ 45-55 km.

Sau khi đập điều tiết lũ Trà Sư được xả, nước đổ về nội đồng nhiều, nông dân có thêm thu nhập từ nguồn lợi thủy sản

Phía An Giang, mấy ngày qua khi đập Trà Sư xả nước lũ chảy tràn vào đồng ruộng trắng xóa, người dân trong vùng ai nấy cũng vui mừng. Ngư dân có thêm nghề đánh bắt thủy sản thiên nhiên và nuôi cá, tôm, trồng rau màu thủy sinh… Ông Lê Văn Đổng, ngụ ấp Trung Bắc Hưng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, An Giang có mặt từ sớm để đón con nước lũ sau khi mở đập. Ông Đổng cho biết, năm nay lũ muộn sợ không có nước về dẫn đến không có phù sa vào đồng ruộng, đặc biệt là không có cá, tôm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Dân tụi tôi rất mừng vì xả nước vào đồng ruộng để lấy phù sa giúp tăng năng suất ở vụ ĐX tới, giảm chi phí, điều vui hơn cả là cá tôm vào ruộng giúp nông dân mưu sinh, cuộc sống ổn định hơn.

Còn ông Nguyễn Văn Tòng, ở xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc, An Giang có 2 ha ruộng ở cách đập Trà Sư gần 15 km cho biết, năm nay lũ thấp, ít nước, nếu không xả lũ vào sẽ gây khó cho nông dân, chuột bọ hoành hành, sâu bệnh... Chi phí SX lúa cho năm sau chắc chắn sẽ tăng cao. Nhưng rất nước lũ cũng về, ngành chức năng cho xả lũ, tuy nước vào ruộng hiện nay không cao như các năm trước nhưng phần nào cũng có phù sa cho đồng ruộng. Nông dân vùng biên giới như chúng tôi quanh năm SX lúa phấn khởi lắm.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Năm nay lũ về muộn và nhỏ hơn so với các năm trước rất nhiều. Hiện mực nước tại vùng đầu nguồn An Giang giáp với nước bạn Campuchia chỉ vượt hơn báo động 1. Vì vậy, năm nay xả lũ muộn hơn 1 tháng, tức là vào đầu tháng 10 mới xả và chỉ xả 1 đập là Trà Sư.  

Theo quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, thì đập Tha La và đập Trà Sư được xả sau khi các địa phương trong vùng đã thu hoạch xong vụ lúa hè thu Việc vận hành xả đập Trà Sư kiểm soát lũ năm 2019 nhằm chủ động lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng, cung cấp nước ngọt và phục vụ dân sinh vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng hạ lưu. 

Ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang cho biết: Sau khi xả lũ ở đập Trà Sư mực nước hạ lưu tăng khoảng 40 cm, tại ngã 3 kênh Trà Sư với kênh Đào, tăng 10-20cm. Còn tại ngã 3 kênh Trà Sư với kênh Cần Thảo, tăng 5-10cm. Mực nước nội đồng Tứ giác Long Xuyên tại Xuân Tô (Tịnh Biên) và Tri Tôn tiếp tục lên vượt báo động 1 từ 0,10-0,20 m. Còn mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc và vùng nội đồng Tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên  trong 1-2 ngày tới, sau đó sẽ giảm nhanh.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm