| Hotline: 0983.970.780

Đề án "Khu kinh tế đặc biệt phía Nam": Thích ứng BĐKH

Thứ Sáu 31/10/2014 , 08:12 (GMT+7)

Nhằm tạo động lực cho sự phát triển chung theo đề án quy hoạch phát triển đến năm 2025, TP.HCM đang xúc tiến xây dựng Khu Kinh tế đặc biệt phía Nam (KKTĐB). 

Tuy nhiên, đặc điểm địa chất khu vực này là thấp, nền yếu và từng được cảnh báo sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu (BĐKH).

NNVN có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Trí (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Tổ phó Tổ Công tác xây dựng Đề án KKTĐB xung quanh vấn đề này.

15-23-31_nh-1

HƯỚNG PHÁT TRIỂN LÂU DÀI

Thưa ông, KKTĐB nằm ở vị trí nào của TP.HCM? Hiện nay ở khu Nam đã có khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và nhiều khu dân cư mới cũng như nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất khác… KKTĐB có “trùm” lên cả những dự án này?

Dự kiến KKTĐB sẽ phủ lên một diện tích bao gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh và một phần huyện Cần Giờ.

Vì thế có thể nói tất cả các khu đô thị nằm ở phía Nam thành phố (trong đó có đô thị Phú Mỹ Hưng) và các khu công nghiệp, khu đô thị mới khác nằm trên địa bàn các địa phương nêu trên đều nằm trong KKTĐB này.

Nhưng ở khu Nam đã có một số KKT hoạt động lâu nay. Khi “vào” KKTĐB, hoạt động của các công trình này sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp. Liệu các nhà đầu tư của những công trình trên có tán thành?

Các khu công nghiệp, khu đô thị mới trong KKTĐB dự kiến này, trước mắt vẫn hoạt động theo các quy định hiện hành. Việc hình thành KKTĐB sẽ tạo ra một khu vực đặc biệt của thành phố với nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích hơn cho công tác xây dựng phát triển hiện nay ở khu vực này.

Như vậy, sự hình thành của KKTĐB cơ bản sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị mới hiện nay chưa đầu tư xây dựng ở phía Nam.

Đơn cử như khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng rộng hơn 2.900 ha nhưng đến nay mới chỉ đầu tư được vài trăm ha, phần còn lại vẫn là những diện tích đất có các nhóm dân cư nhỏ lẻ sinh sống hoặc là đất nông nghiệp hay đất hoang hóa. Những khu đất chưa được đầu tư này, sau khi KKTĐB được hình thành sẽ có thêm động lực để phát triển.

Lý do gì mà TP.HCM chọn khu Nam để xây dựng đặc khu kinh tế mà không phải là những hướng phát triển khác?

Phải nói cho chính xác là theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025, thành phố phát triển với hai hướng chính là Đông và Nam hướng ra biển; cùng hai hướng phụ còn lại là hướng Bắc, Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam.

15-23-31_nh-2
Quận 7, TPHCM trong tương lai sẽ là KKTĐB phía Nam

Trong tương lai, giao thông kết nối đến KKTĐB phía Nam cũng rất thuận tiện. Theo Quy hoạch phát triển giao thông TP.HCM đến năm 2020, tại khu Nam sẽ có 2 hệ thống đường vành đai 3, 4 kết hợp với đường sắt quốc gia, cùng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ. Với tất cả những lợi thế này, thành phố đã quyết định xây dựng KKTĐB phía Nam.

Tại hướng Nam, thành phố đã và đang có những lợi thế đặc biệt để phát triển như khu đô thị cảng Hiệp Phước với luồng Soài Rạp vừa mới được nạo vét, có thể đón tàu 50.000 tấn ra vào giúp thành phố tiến mạnh về phía biển, có khu đô thị Nam thành phố (2.900 ha), trong đó có khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng cùng nhiều khu đô thị mới khác.

Khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Hiệp Phước… đang hoạt động hiệu quả sẽ là cơ sở ban đầu tốt cho đặc khu kinh tế phát triển.

BẢO VỆ TỐT HỆ THỐNG SÔNG, KÊNH RẠCH

Khu Nam có nền đất yếu, cao độ thấp, đã được nhiều chuyên gia về quy hoạch trong và ngoài nước cảnh báo sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi BĐKH, nước biển dâng. Với điều kiện tự nhiên như vậy, liệu KKTĐB có điều kiện để phát triển tốt? Chưa kể, hướng Nam là hướng thoát nước chính của TP.HCM, nếu phát triển quá nhiều ở đây, có ảnh hưởng đến vấn đề này?

Đúng là đã có nhiều cảnh báo của các chuyên gia về việc phát triển về hướng Nam.

Tiếp thu những góp ý này, ngay trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 đã xác định rất rõ, TP.HCM sẽ phát triển loại hình đô thị thích ứng với BĐKH, nước biển dâng; nhất là trong những khu vực đất yếu và thấp như phía Nam thành phố. KKTĐB phía Nam thành phố tất yếu sẽ không là ngoại lệ.

Còn để đảm bảo cho việc thoát nước của thành phố, một trong những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng ở phía Nam trong thời gian tới là giữ nguyên trạng hệ thống sông, kênh, rạch đồng thời với việc phát triển hệ thống cống thoát nước, xây dựng hành lang bảo vệ sông, kênh.

Việc xây dựng các khu đô thị phải được tính toán kỹ trên cơ sở không bít đường thoát nước của khu vực và của cả thành phố.

Phát triển đô thị cũng như xây dựng các nhà máy, xí nghiệp ở khu Nam chắc cũng phải tốn chi phí hơn những nơi có địa chất tốt hơn, thưa ông?

Những lo ngại về chi phí xây dựng tốn kém so với hiệu quả sử dụng tại khu Nam thực ra chỉ đúng với các công trình xây dựng thấp tầng. Xây dựng trên nền đất yếu, chi phí rất cao, đặc biệt là chi phí để gia cố nền móng.

Do đó, nếu công trình xây thấp tầng, diện tích sử dụng ít thì hiệu quả sử dụng rõ ràng không cao. Tuy nhiên, nếu xây dựng cao tầng, diện tích sử dụng lớn thì hiệu quả công trình sẽ tốt hơn.

Nhiều chuyên gia xây dựng đã tính toán, chi phí xây dựng nhà cao tầng tại khu vực trung tâm với khu vực phía Nam TP.HCM, thực ra không chênh nhau nhiều. Đơn giản là do xây nhà cao tầng ở khu vực nào cũng phải làm móng thật sâu, đứng chân vững trên nền đất thật cứng nằm sâu dưới lòng đất.

Hiện nay ở phía Nam thành phố, đào sâu đến khoảng 30 - 40 m là đụng đất cứng rồi. Lớp đất phía trên của khu vực trung tâm thành phố tuy cứng hơn lớp đất phía trên của phía Nam nhưng cũng phải đào sâu đến độ sâu 30 - 40 m mới có lớp đất cứng, phù hợp cho hệ cọc của móng các công trình chống lên.

Theo quy hoạch chung xây dựng khu đô thị cảng Hiệp Phước, đa phần các công trình xây dựng ở đây sẽ là các kiến trúc cao tầng… Như vậy, về cơ bản bài toán về chi phí xây dựng cũng đã được tính toán phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất